Ngày đầu vận hành mô hình chính quyền hai cấp ở Đồng Nai và Tây Ninh

Ngày 1/7, các Trung tâm Hành chính công tại các phường, xã thuộc tỉnh Đồng Nai và Tây Ninh chính thức đi vào hoạt động theo mô hình chính quyền địa phương hai cấp.

Không khí khẩn trương, sự chuẩn bị kỹ lưỡng

Tại Đồng Nai, không khí làm việc của cán bộ, công chức phường Trấn Biên diễn ra rất khẩn trương và nghiêm túc ngay trong ngày đầu tiên bộ máy chính quyền địa phương 2 cấp chính thức vận hành. Ngay từ 7h sáng, người dân đã tập trung đông đúc tại phường Trấn Biên để làm thủ tục hành chính.

Không khí làm việc của cán bộ phường Trấn Biên rất nghiêm túc, khẩn trương (Ảnh: Duy Phương)

Không khí làm việc của cán bộ phường Trấn Biên rất nghiêm túc, khẩn trương (Ảnh: Duy Phương)

Ông Hồ Văn Nam, Bí thư Đảng ủy phường Trấn Biên, cho biết địa phương đã chuẩn bị ổn định về cơ sở vật chất, đường truyền và cơ sở dữ liệu, sẵn sàng bắt tay ngay vào công việc mới.

Qua kiểm tra, ông Nam nhận định người dân đã nắm rõ thông tin và đến thực hiện các thủ tục một cách thuận lợi. Về đội ngũ cán bộ, viên chức, ông Nam khẳng định họ đủ năng lực để xử lý công việc trong bối cảnh và yêu cầu mới:

"Lựa chọn những người đủ năng lực chuyên môn, năng lực, kể cả phẩm chất đạo đức, phong cách, thái độ, để làm sao giúp đỡ cho người dân được thuận lợi nhất, đúng thực chất phụng sự người dân và doanh nghiệp để thúc đẩy phát triển, tăng trưởng kinh tế của Đồng Nai trong giai đoạn tới", ông Nam cho biết.

Phường Trấn Biên được thành lập trên cơ sở sáp nhập các phường Bửu Long, Quang Vinh, Trung Dũng, Thống Nhất, Hiệp Hòa và An Bình. Sau sáp nhập, phường này được đánh giá là một trong những “siêu phường” lớn nhất cả nước với dân số gần 200.000 người.

Mặc dù có nhiều điểm thuận lợi, ngày đầu vận hành cũng không tránh khỏi một số khó khăn.

Rất đông người dân tới Trung tâm hành chính công phường Trấn Biên ngày đầu vận hành bộ máy mới (Ảnh: Duy Phương)

Rất đông người dân tới Trung tâm hành chính công phường Trấn Biên ngày đầu vận hành bộ máy mới (Ảnh: Duy Phương)

Về phía người dân, ông Lê Duy Lệ (ngụ phường Trấn Biên) chia sẻ rằng trong ngày đầu bộ máy mới vận hành, một số việc còn chưa đi vào ổn định, gây ra sự lúng túng nhất định.

Cụ thể, khi ông Lệ đến giải quyết thủ tục đất đai, ông chưa nhận được hướng dẫn cụ thể về địa điểm tiếp nhận hồ sơ hay số thứ tự, dẫn đến việc phải chờ đợi.

Ông Lệ bày tỏ mong muốn những bất cập này sẽ sớm được giải quyết để phục vụ người dân tốt hơn.

"Mong mỗi ngày sẽ đổi mới, sáng tạo phong cách phục vụ dân để sát với dân và nhanh gọn hơn, để người dân ít tốn kém thời gian đi lại, công sức, mọi người dân đều phấn khởi, vui mừng", ông Lệ nói.

Lãnh đạo sát sao, hỗ trợ tức thời

Ngay trong ngày đầu triển khai mô hình chính quyền 2 cấp, toàn bộ Bí thư và Chủ tịch của 96 xã, phường thuộc tỉnh Tây Ninh đã có mặt tại Trung tâm Hành chính công để trực tiếp điều phối và đẩy nhanh tiến độ giải quyết hồ sơ cho người dân, doanh nghiệp.

Người dân đến thực hiện thủ tục tại Trung tâm phục vụ hành chính công phường Tân An, tỉnh Tây Ninh (Ảnh: Nguyễn Quang)

Người dân đến thực hiện thủ tục tại Trung tâm phục vụ hành chính công phường Tân An, tỉnh Tây Ninh (Ảnh: Nguyễn Quang)

Ông Lê Văn Thảo, Chủ tịch UBND phường Tân An, cho biết ngay từ 6h sáng, cán bộ đã có mặt để chạy thử hệ thống, phối hợp với VNPT trong việc kết nối các nền tảng số và Cổng Dịch vụ công Quốc gia.

Từ 7h30, việc tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính đã diễn ra khá suôn sẻ, hồ sơ được xử lý nhanh chóng, giúp người dân không phải chờ đợi lâu.

Tuy nhiên, do đặc thù địa bàn rộng, một số người dân phải di chuyển xa nên khá mệt mỏi. Lãnh đạo địa phương đã tăng cường hỗ trợ, trực tiếp giải quyết vấn đề tại trung tâm, hướng dẫn người dân thực hiện các thao tác trên dịch vụ công trực tuyến và thanh toán số, đặc biệt là đối với các giấy tờ nhà đất.

Trong khi đó, tại khu vực vùng hạ Tây Ninh, ông Nguyễn Văn Khải, Bí thư kiêm Chủ tịch HĐND xã Thuận Mỹ, cho biết khó khăn chính là việc làm quen với các mẫu biểu mới để thực hiện quy trình của chính quyền cấp xã.

Tuy nhiên, vấn đề này đã được các bộ phận liên quan chuẩn bị sẵn sàng và nhanh chóng xử lý khi phát sinh vướng mắc. Đường truyền cũng gặp một số trục trặc nhỏ, nhưng đã được các kỹ thuật viên của VNPT hỗ trợ khắc phục kịp thời.

"Để đảm bảo không để xảy ra tình trạng nghẽn tại các vị trí, lãnh đạo xã đã trưng dụng nhân sự từ Trung tâm Hành chính công cấp huyện về các xã cũ trước đây phối hợp với nhau, đặc biệt là xã Thuận Mỹ, các cán bộ có kinh nghiệm sẽ truyền đạt kinh nghiệm cho những cán bộ mới, nhằm đảm bảo chất lượng phục vụ người dân hơn nữa trong những ngày tới", ông Nguyễn Văn Khải cho biết thêm.

Tây Ninh phối hợp với các đơn vị đảm bảo cho đường truyền dịch vụ công được kết nối liên thông (Ảnh Nguyễn Quang)

Tây Ninh phối hợp với các đơn vị đảm bảo cho đường truyền dịch vụ công được kết nối liên thông (Ảnh Nguyễn Quang)

Trong sáng 1/7, các Trung tâm Hành chính công tại các xã trên địa bàn Tây Ninh đã tiếp nhận một lượng lớn người dân đến thực hiện các thủ tục.

Chị Võ Thị Tuyết Trinh, ngụ xã Thuận Mỹ, tỉnh Tây Ninh, chia sẻ việc thực hiện các thủ tục hành chính giờ đây đã nhanh chóng và thuận tiện hơn rất nhiều so với trước.

Cụ thể, việc nộp và xử lý hồ sơ xin việc làm chỉ mất khoảng 5-10 phút để được tiếp nhận, không còn cảnh chờ đợi lâu như trước đây. Đây là điểm cộng lớn được nhiều người dân đánh giá cao ngay trong ngày đầu tiên triển khai mô hình chính quyền 2 cấp:

"Các thủ tục liên quan như chứng thực giấy tờ trước đây phải lên huyện vừa xa vừa mất nhiều thời gian. Làm ở xã xong phải lên cấp huyện thêm bước nữa, nay được thực hiện luôn tại xã, không cần phải đi lại nhiều nơi. Nhiều thủ tục ở trung tâm hành chính công xã hiện đã được đơn giản hóa, không còn phải trải qua nhiều cấp như trước đây nên khá là nhanh chóng", chị Trinh chia sẻ.

Bí thư, Chủ tịch xã ở Tây Ninh trực tiếp hỗ trợ xử lý hồ sơ trong ngày đầu thực hiện chính quyền 2 cấp (Nguyễn Quang)

Nguyễn Quang-Duy Phương/VOV-TP.HCM

Nguồn VOV: https://vov.vn/chinh-tri/ngay-dau-van-hanh-mo-hinh-chinh-quyen-hai-cap-o-dong-nai-va-tay-ninh-post1211541.vov