Doanh nghiệp bán lẻ sẵn sàng nguồn cung hàng hóa phục vụ Tết
Chỉ còn hơn một tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025. Để bảo đảm nguồn cung hàng hóa phục vụ thị trường Tết, các doanh nghiệp, nhà phân phối lớn trên địa bàn tỉnh đã có kế hoạch tăng lượng hàng nhập lên 10-20% (tùy từng mặt hàng) so với dịp Tết năm 2024. Cùng với tăng số lượng, trong cơ cấu hàng hóa phục vụ Tết năm nay, các doanh nghiệp bán lẻ còn chú trọng nhập bán đa dạng mặt hàng là sản phẩm đặc trưng của các vùng, miền, địa phương trên cả nước.
Là một trong những đơn vị phân phối hàng hóa quy mô lớn trên địa bàn tỉnh, hằng năm, hệ thống cửa hàng của siêu thị Winmart+ luôn chú trọng thực hiện tốt công tác dự trữ hàng hóa phục vụ thị trường Tết Nguyên đán. Năm nay, dự đoán việc mua sắm Tết trong nhân dân sẽ sôi động hơn do tình hình việc làm, thu nhập của người dân được cải thiện, nâng cao hơn so với năm 2023, các cửa hàng của Winmart+ đã chuẩn bị kỹ lưỡng nguồn hàng với số lượng tăng khoảng 10% so với năm trước để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân dịp cuối năm 2024 và Tết Nguyên đán 2025. Từ đầu tháng 12 dương lịch, hệ thống cửa hàng của Winmart+ đã “khởi động” trưng bày hàng Tết tại các quầy, kệ ở vị trí trung tâm, bao gồm: bánh, kẹo, nước giải khát, bia, giỏ quà Tết…
Trao đổi với ông Cao Minh Dương, quản lý hệ thống siêu thị Winmart+ tại Hà Nam được biết, siêu thị Winmart+ đã lên kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng Tết từ đầu quý IV/2024 và cam kết thực hiện bình ổn giá trong suốt “mùa” mua sắm cuối năm cũng như Tết Nguyên đán 2025. Siêu thị cũng sẽ liên tục áp dụng chương trình khuyến mại, giảm giá hấp dẫn, nhất là với những mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, thực phẩm tươi sống… Riêng đối với mặt hàng thực phẩm như: thịt lợn, gà, bò, rau, củ, quả, Winmart+ đã làm việc với các nhà cung cấp từ nhiều tháng trước để bảo đảm cung ứng đủ số lượng, giá thành ổn định. Bên cạnh kênh phân phối truyền thống, hoạt động cung ứng hàng hóa Tết còn được các cửa hàng của Winmart+ đẩy mạnh thực hiện qua kênh mua sắm online và giao hàng tận nhà cho khách hàng trong thời gian bận rộn cuối năm.
Tương tự, các nhà phân phối khác như siêu thị GO! Hà Nam, siêu thị Lan Chi, các cửa hàng tiện ích, cửa hàng tạp hóa quy mô lớn, thời điểm này, các gian hàng đã tràn ngập hàng Tết với lượng dự trữ hàng hóa tăng gấp 2-3 lần các tháng khác trong năm. Các đơn vị cam kết nguồn cung luôn dồi dào, giá bán những mặt hàng thiết yếu sẽ cơ bản giữ ổn định trong suốt dịp Tết, nhất là đối với một số mặt hàng có nhu cầu tiêu dùng lớn như thực phẩm tươi sống, bánh kẹo, bia, rượu, nước giải khát…
Tại cửa hàng tự chọn Luân Miền (đường Trần Văn Chuông, thành phố Phủ Lý), cơ bản đến thời điểm này, nguồn hàng Tết đã được nhập đủ về kho. Toàn bộ các quầy, kệ được bố trí đa dạng mặt hàng phục vụ Tết, nhất là các loại hộp bánh Tết truyền thống của một số thương hiệu lớn: Kinh Đô, Hữu Nghị, Orion… Ông Nguyễn Ngọc Luân, chủ cửa hàng tự chọn Luân Miền cho biết: Để đáp ứng nhu cầu mua sắm Tết của người dân, cửa hàng đã phối hợp với các nhà cung cấp dự báo sản lượng tiêu thụ và lên kế hoạch dự trữ hàng hóa Tết tăng khoảng 3 lần các tháng trong năm. Do chuẩn bị nguồn hàng từ sớm với khối lượng lớn nên chúng tôi có chủ trương duy trì giá bán bình ổn trong suốt dịp Tết. Trong thời gian tới, tùy thuộc tình hình thực tiễn, mức độ tiêu thụ hàng Tết trên thị trường, cửa hàng sẽ có phương án điều chỉnh, bổ sung nguồn hàng phù hợp, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân.
Được biết, thực hiện hướng dẫn của Bộ Công thương, chỉ đạo của UBND tỉnh về bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn giá cả thị trường cuối năm 2024 và Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025, đầu tháng 12 dương lịch, Sở Công thương đã có công văn gửi UBND các huyện, thị xã, thành phố, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hàng hóa dịch vụ thiết yếu, hàng hóa phục vụ Tết trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, đề nghị các huyện, thị xã, thành phố chủ động xây dựng phương án chuẩn bị nguồn hàng, dự trữ hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân trước, trong và sau Tết Nguyên đán; đề nghị các doanh nghiệp đầu mối, doanh nghiệp phân phối xăng dầu có kế hoạch bảo đảm nguồn cung xăng dầu ổn định phục vụ sản xuất, tiêu dùng của người dân, doanh nghiệp. Sở Công thương cũng đề nghị các doanh nghiệp phân phối hàng hóa Tết dựa vào tình hình thực tế, khả năng tài chính để xây dựng kế hoạch, bảo đảm đúng, đủ và cụ thể về lượng hàng dự trữ phục vụ thị trường Tết; tổ chức tốt khâu lưu thông hàng hóa nhằm bảo đảm cung ứng kịp thời, đầy đủ nguồn hàng cho thị trường; đẩy mạnh việc mở rộng mạng lưới phân phối hàng hóa, nhất là các khu vực nông thôn, quanh các khu, cụm công nghiệp, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, găm hàng, gián đoạn nguồn hàng, gây tăng giá đột biến trong mùa mua sắm cao điểm Tết.
Ông Hoàng Chí Dũng, Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết: Nhằm bình ổn thị trường cuối năm 2024 và Tết Nguyên đán năm 2025, Sở Công thương đã và đang theo dõi sát diễn biến thị trường để có giải pháp điều tiết kịp thời, bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa. Sở sẽ chủ trì, phối hợp với các ngành, đơn vị liên quan xây dựng một số điểm giới thiệu, bày bán sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn, sản phẩm nông sản tiêu biểu của Hà Nam. Trong tháng cận Tết, Sở Công thương sẽ tổ chức đoàn công tác làm việc với các doanh nghiệp về tình hình dự trữ hàng hóa, bình ổn thị trường dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025.
Cùng với triển khai các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường hàng hóa Tết, trong “mùa” cao điểm tiêu dùng cuối năm, Sở Công thương sẽ phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, trong đó tập trung kiểm tra việc thực hiện niêm yết giá, bán theo giá niêm yết, xử lý nghiêm những trường hợp lợi dụng đầu cơ, ép giá, găm hàng, đưa tin thất thiệt đẩy giá bán lên cao, những hành vi vi phạm pháp luật về kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng... góp phần để nhân dân đón Tết cổ truyền của dân tộc an toàn, lành mạnh, vui tươi.