Doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu nói đang bị 'cưỡng bức'
Ông Giang Chấn Tây, Giám đốc Công ty TNHH MTV Bội Ngọc (Trà Vinh) nhấn mạnh dù doanh nghiệp đang bị lỗ nhưng mệnh lệnh hành chính vẫn bảo bán, đây là hình thức cưỡng bức doanh nghiệp bán lẻ.
Doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu đang bị “cưỡng bức”
Năm 2022, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đối mặt với rất nhiều khó khăn, từ việc khan hiếm nguồn cung, cho tới việc bị cắt chiết khấu, khiến nhiều doanh nghiệp lâm vào cảnh chờ phá sản.
Ở thời điểm này, khi đã qua năm 2023, mặc dù nguồn cung đã được cải thiện, Bộ Công Thương và Bộ Tài chính cũng đã có giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, thế nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn đang than khó tồn tại.
Trong Tọa đoàn “Kinh doanh xăng dầu và bài toán đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia - Tiếng nói người trong cuộc”, diễn ra vào sáng 6/3, ông Giang Chấn Tây, Giám đốc Công ty TNHH MTV Bội Ngọc (Trà Vinh) cho rằng, chiết khấu cho doanh nghiệp bán lẻ luôn là đề tài nóng, bởi vì hơn một năm qua, khi phải dùng tiền túi để bù lỗ nhằm duy trì hoạt động kinh doanh.
Sự việc này các doanh nghiệp bán lẻ chỉ nghĩ rằng sẽ diễn ra trong thời gian ngắn, nhưng không ngờ nó diễn ra hơn một năm qua, đã làm cho doanh nghiệp bán lẻ lỗ lãi nặng nề, bị kiệt quệ về tài chính, có người phải bán cả ruộng vườn, đất đai, thậm chí cầm cố tài sản để bù lỗ.
“Để phục vụ bình ổn thị trường theo mệnh lệnh hành chính, dù lỗ vẫn phải bán. Đây là hình thức cưỡng bức doanh nghiệp bán lẻ”, ông Tây thẳng thắn nói.
Cũng theo ông Giang Chấn Tây, Bộ Công Thương luôn giải thích chiết khấu là do “thỏa thuận để tạo công bằng, cạnh tranh”, tuy nhiên những gì diễn ra suốt hơn 1 năm qua đã chứng minh điều ngược lại, chiết khấu cho doanh nghiệp bán lẻ là do sự “ban phát” từ doanh nghiệp đầu mối. Điều doanh nghiệp bán lẻ muốn là sự căn cơ, chứ không phải là sự thất thường này.
Trong khi đó, ông Lê Văn Báu, Giám đốc Công ty TNHH Xăng dầu Bảo Dương (TPHCM) kiến nghị các cơ quan làm chính sách hiểu và thông cảm, làm chính sách đúng đắn cho ngành xăng dầu và có quy định có chiết khấu 5-6% giá bán lẻ, được lấy nhiều đầu mối, giảm bớt thủ tục hành chính, cho phù hợp cơ chế thị trường, để doanh nghiệp bán lẻ ổn định, yên tâm phát triển, đưa xăng dầu tới người tiêu dùng.
Không chỉ vấn đề chiết khấu, các doanh nghiệp cũng đang bức xúc về việc chỉ được nhập khẩu 1 đầu mối duy nhất.
Ông Văn Công Thật, Giám đốc Công ty TNHH KNJ Kim Ngọc, huyện Cần Giờ, TPHCM chia sẻ, doanh nghiệp bán lẻ chỉ được ký hợp đồng lấy hàng từ 1 nhà cung cấp trong khi doanh nghiệp đầu mối, thương nhân phân phối và tổng đại lý đều có cửa hàng bán lẻ xăng dầu nhưng được lấy xăng dầu nhiều nguồn chồng chéo lẫn nhau còn bán lẻ thì hạn chế duy nhất có một nguồn.
Do đó, ông Thật đề xuất chuỗi cung ứng chỉ quy định 2 cấp là đầu mối và thương nhân phân phối bán lẻ. Cùng đó, cần phải đưa vào Nghị định mức chi phí cố định tối thiểu cho các bán lẻ trong cơ sở giá bán lẻ khi Nhà nước ấn định điều hành giá để đảm bảo hoạt động được duy trì xuyên suốt vì các doanh nghiệp bán lẻ là chuỗi cung ứng quan trọng đến từng tế bào trong xã hội.
Bộ Công Thương nói gì?
Liên quan tới vấn đề chiết khấu, ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước, Bộ Công Thương cho rằng, phải đặt ngược lại là tại sao trước đây không nêu vấn đề chiết khấu mà gần đây lại nêu ra.
Theo ông Đông, Chiết khấu phụ thuộc nhiều yếu tố, cung cầu, cạnh tranh, tài chính doanh nghiệp, tồn kho... Các doanh nghiệp phải đặt câu hỏi có nước nào quy định chiết khấu tối thiểu không? Nhà nước có nên can thiệp hoạt động các doanh nghiệp không? Nếu có thì tỷ lệ bao nhiêu phần trăm là hợp lý, khoa học.
“Nếu đưa chiết khấu vào là thể hiện yếu tố tăng thêm chi phí thì giá xăng dầu tăng lên thì quyền lợi người tiêu dùng thế nào? Kiểm soát CPI nhà nước làm sao? Như vậy có công bằng không trong nền kinh tế. Chúng ta phải xem xét thấu đáo các vấn đề. Câu chuyện chiết khấu các doanh nghiệp có thời kỳ lên 1.500- 2.000/lít. Tại sao chúng ta không tính chiết khấu bình quân? Tại sao doanh nghiệp bán lẻ không tìm cách chiết khấu đàm phán hợp đồng”, ông Đông nói.
Vấn đề doanh nghiệp có được nhập bán lẻ từ nhiều nguồn, ông Đông cho biết, theo Nghị định 83, 95 không nghiêm cấm doanh nghiệp bán lẻ lấy từ nhiều nguồn.
Bản chất hiện nay nếu như đại lý thấy không ổn chiết khấu có thể chấm dứt hợp đồng đại lý này tìm nguồn cung cấp khác thấy chiết khấu ổn hơn. Tuy nhiên, hiện thủ tục hành chính cung cấp đổi tên bán lẻ xăng dầu, cơ quan Nhà nước đôi lúc máy móc cho rằng vi phạm.
Theo lãnh đạo Vụ thị trường trong nước, hướng xử lý, những gì luật quy định và quan hệ dân sự thì không nên đưa vào nghị định. Quan hệ giữa cửa hàng bán lẻ với thương nhân phân phối có thể là quan hệ đại lý, nhượng quyền thương mại.
“Ông muốn tự lấy từ nhiều quyền thì chúng ta sẽ có cửa hàng bán lẻ xăng dầu độc lập. Ông phải tự chịu trách nhiệm giá cả, biển hiệu và chất lượng”, ông Đông nói.