Doanh nghiệp bất động sản 'chạy đà' sau thời gian ngưng trệ vì Covid-19
Sau hơn 4 tháng giãn cách, 'tâm dịch' TP. HCM dần bước sang giai đoạn 'bình thường mới'. Nhiều doanh nghiệp bất động sản tại đây đang lên kế hoạch khởi động lại các dự án sau thời gian ngưng trệ vì ảnh hưởng của Covid-19.
Cụ thể, mới đây chủ đầu tư Khang Điền đã tổ chức tái khởi động dự án khu biệt thự Armena quy mô 180 căn tại phường Phú Hữu (TP. Thủ Đức) sau hơn 3 tháng ngưng thi công.
Bài liên quan
3 tháng cuối năm, thị trường bất động sản liệu có đà tăng?
'Gã khổng lồ' bất động sản Evergrande sẽ đối mặt với dấu chấm hết?
Nhà đầu tư vẫn tin tưởng vào sự phục hồi của thị trường bất động sản?
HoREA kiến nghị cho doanh nghiệp bất động sản được hoạt động từ 1/10
CTCP Hưng Lộc Phát đang có kế hoạch giới thiệu sản phẩm tại dự án The Peak Garden ngay đầu tháng 10/2021. Tọa lạc tại phường Phú Mỹ, quận 7, TP. HCM, dự án Hưng Phát Green Star có quy mô 5,2ha gồm 110 căn biệt thự, 903 căn hộ, 156 offictel, 34 shophouse.
Trong khi đó, CTCP Phát triển Bất động sản Phát Đạt cho biết đã chuẩn bị sẵn sàng nguồn lực, tập trung vào việc tận dụng cơ hội thị trường bất động sản tại các điểm nóng đầu tư, nhanh chóng mở rộng quỹ đất thông qua các thương vụ M&A.
Thay vì lựa chọn các dự án mất thời gian dài để đạt đến giai đoạn thương mại hóa, Phát Đạt nhấn mạnh sẽ ưu tiên nguồn lực tập trung vào các dự án có pháp lý tốt, khả năng thu hồi dòng tiền nhanh.
Bà Nguyễn Hương, Tổng giám đốc Đại Phúc Lan cho biết, sẽ có những cải thiện trong quý 4/2021 do nỗ lực của các bên trong việc kích hoạt lại thị trường phục vụ nhu cầu mua và bán bất động sản. Cùng với đó, việc TP. HCM vừa công bố quy hoạch điều chỉnh đến năm 2040, bao gồm thành phố mới Thủ Đức được thông qua sẽ tạo động lực tăng trưởng mới cho thị trường bất động sản tại đây trong thời gian tới.
Tuy nhiên, để các bên tham gia bắt nhịp trở lại và thu xếp các vấn đề về dòng tiền do ảnh hưởng của dịch bệnh phải mất 1-3 tháng. "Ở kịch bản lạc quan, thị trường có thể tái khởi động và kích hoạt được 70% nguồn lực trong 3-6 tháng. Kịch bản xấu hơn khi mọi yếu tố vẫn còn chưa thuận lợi thì khả năng kích hoạt được 50% nguồn lực thị trường đã là một nỗ lực rất lớn", bà Hương nêu.
Chỉ ra khó khăn lớn nhất mà doanh nghiệp bất động sản phải đối diện, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP. HCM (HoREA) cho biết đó chính là thiếu dòng tiền. Việc không còn tiền để trả lãi vay, trả nợ, duy trì bộ máy và hỗ trợ, giữ chân người lao động sẽ khiến các doanh nghiệp “ngộp thở”. Đồng thời, các dự án cũng không thể triển khai đúng tiến độ, phải dừng công trình xây dựng, không bán được hàng, không huy động vốn được như trước đây.
Bên cạnh đó là ách tắc, vướng mắc do một số quy định pháp luật bất cập và quy trình thủ tục hành chính chồng chéo đối với các dự án nhà ở thương mại.
Từ đó, HoREA đề nghị Ngân hàng Nhà nước cho phép các tổ chức tín dụng, ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được chủ động xem xét quyết định việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ của khách hàng và được áp dụng đối với số dư nợ phát sinh trong khoảng thời gian từ 23/1/2020 đến 30/6/2022, để doanh nghiệp từng bước phục hồi nhanh hơn sau đại dịch.