Doanh nghiệp bất động sản Việt Nam phát hành trái phiếu ồ ạt: Khối 'ung nhọt' ở sau lưng

TS Lê Xuân Nghĩa nhận định: Thị trường trái phiếu, nhất là trái phiếu bất động sản trong nước chưa có sự minh bạch. Nhiều doanh nghiệp phát hành hàng chục nghìn trái phiếu, không ai quản lý, không ai giám sát, cũng không có ai đánh giá về sự tin tưởng của tài chính công ty.

“Bom nợ” Evergrande, bài học từ câu chuyện đầu cơ

Trong thời gian qua, cả thế giới đổ dồn sự chú ý vào Evergrande, tập đoàn bất động sản hàng đầu tại Trung Quốc đang đứng trước nguy cơ vỡ nợ. TS. Võ Đình Trí, Giảng viên Trường Đại học Kinh tế TP.HCM đánh giá, cú “ngã ngựa” của Evergrande đến từ nhiều lý do khác nhau, về cả chủ quan và khách quan.

Cả thế giới đổ dồn sự chú ý vào Evergrande, tập đoàn bất động sản hàng đầu tại Trung Quốc đang đứng trước nguy cơ vỡ nợ.

Đầu tiên, Evergrande có nguy cơ “trở về cái máng lợn” là do các chính sách của Chính phủ Trung Quốc nhằm triệt tiêu tình trạng đầu cơ bất động sản tại nhiều thành phố lớn của quốc gia này.

Ông Trí phân tích: Nền kinh tế Trung Quốc đã trải qua một khoảng thời gian tăng trưởng ngoạn mục, điều này khiến giá nhà ở tăng rất nhanh và cao, đặc biệt là ở các thành phố lớn.

Nếu xét dưới chỉ số giá nhà với chỉ số thu nhập của người, nhiều người dân Trung Quốc dù có làm việc cả đời, cũng không đủ tiền mua nhà. Do đó, Chính phủ Trung Quốc đã đưa ra hàng loạt giải pháp để “kìm cương” giá nhà ở. Như áp dụng giá trần thuê nhà, hoặc kiểm soát chặt chẽ quy định trần vay nợ, hoặc các đòn bẩy tài chính. Điều này đã khiến thị trường bất động sản hạ nhiệt.

Thứ hai, do tác động của đại dịch COVID-19, khiến khả năng trả nợ của nhà đầu tư, người mua nhà giảm sút. Nhu cầu mua nhà trong giai đoạn dịch bệnh cũng giảm, thị trường thanh khoản thấp, đã khiến Evergrande gặp áp lực về dòng tiền.

Thứ ba, cấu trúc tài chính của Evergrande quá mạo hiểm, bộc lộ nhiều rủi ro giữa lúc khó khăn khi hệ số đòn bẩy tài chính cao với việc đẩy mạnh vay trái phiếu và công cụ nợ ngắn hạn như thương phiếu…

Vì vậy, khi dòng tiền đột ngột đứt đoạn, doanh nghiệp không đủ nguồn lực tài chính để thanh toán các khoản lãi trái phiếu.

Vì vậy, để Evergrande không sụp đổ và tạo ra “bom nợ” giữa lúc Covid-19 diễn biến khó lường, Chính phủ Trung Quốc tập trung đảm bảo hệ thống tài chính vững mạnh.

Theo đó, Chính phủ tuần tự ưu tiên xử lý các khoản nợ của doanh nghiệp liên quan tới ngân hàng, người mua nhà, sau đó là tới các chủ thầu… Chính phủ thực hiện tái cấu trúc tài sản thông qua bán bớt tài sản có tính thanh khoản cao, hỗ trợ các ngân hàng cho Evergrande vay.

Đồng tình với nhận định này, TS Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế nhận xét: Chính phủ Trung Quốc đã rút ra bài học kinh nghiệm từ cuộc khủng hoảng kinh tế tại Mỹ vào năm 2008.

Trong đó, Chính phủ Trung Quốc sẽ ưu tiên “cứu” hệ thống ngân hàng, là chủ nợ của Evergrande. Từ đó ổn định niềm tin của người gửi tiền, người dân và nhà đầu tư.

“Nếu không ưu tiên cứu lấy hệ thống ngân hàng trước, có thể sẽ tạo ra sự mất lòng tin của nhà đầu tư. Người dân lo ngại ngân hàng đổ vỡ dây chuyền, họ sẽ rút tiền hàng hoạt ra khỏi ngân hàng. Như vậy là thảm họa. Do đó, việc cứu lấy hệ thống ngân hàng là điều cần thiết”, ông Nghĩa nói.

Bài học kinh nghiệm cho Việt Nam: Trái phiếu là “ung nhọt”

Nhìn từ bài học Evergrande, có thể thấy, thị trường bất động sản Việt Nam có nhiều sự tương đồng. Đơn cử như giá nhà đang tăng rất mạnh ở các thành phố lớn, chỉ số giá nhà tăng đang ngày càng vượt mặt so với thu nhập của người dân.

Tuy nhiên, dưới góc độ quy mô, đây mới chỉ là tín hiệu đầu báo hiệu về một “bom nợ” mới tại Việt Nam, nếu cơ quan chức năng không kiểm soát quá trình tăng quá nóng của bất động sản.

TS Võ Đình Trí nhận xét: Chính phủ Việt Nam cần phải kiểm soát quá trình đầu cơ bất động sản trong nước, từ đó tránh xảy ra tình trạng “bong bóng” bất động sản.

Ông Trí đề xuất giải pháp, đánh thuế bất động sản, thuế tài sản và thuế đánh trên giao dịch bất động sản để ngăn chặn chặn tình trạng đầu cơ.

“Nếu anh mua nhà và bán sang tay, trong thời gian ngắn dưới 1 năm, Chính phủ nên xem xét tăng thuế để tránh đầu cơ. Việc tăng thuế sẽ khiến ý định đầu cơ giảm”, ông Trí nói.

Về vấn đề cấu trúc doanh nghiệp, ông Trí so sánh các tập đoàn bất động sản lớn tại Việt Nam đang khá vững. Tuy nhiên, các doanh nghiệp bất động sản đang có hiện phát hành trái phiếu ồ ạt, không kiểm soát.

Nói một cách công bằng, thị trường trái phiếu Việt Nam chưa trưởng thành, chưa có nhiều cơ quan độc lập đánh giá, điều này làm tăng rủi ro cho nhà đầu tư.

“Nếu dự án của các anh tốt, thì trái phiếu là kênh đầu tư rất tốt. Nhưng thực tế cũng có một số doanh nghiệp phát hành trái phiếu theo phong trào, đây là rủi ro rất lớn”, TS Võ Đình Trí nhận xét.

Bên cạnh đó, TS Võ Đình Trí lưu ý, ở các quốc gia có thị trường bất động sản ổn định, thì giá nhà sẽ bằng 1/3 thu nhập của người dân. Tuy nhiên, nếu để giá nhà bằng 50% - 50% thu nhập là quá cao, cần phải được kiểm soát để phòng ngừa rủi ro.

Trong khi đó, TS Lê Xuân Nghĩa nhận định: Thị trường trái phiếu, nhất là trái phiếu bất động sản trong nước chưa có sự minh bạch. Nhiều doanh nghiệp phát hành hàng chục nghìn trái phiếu, không ai quản lý, không ai giám sát, cũng không có ai đánh giá về sự tin tưởng của tài chính công ty.

Thậm chí, có trường hợp doanh nghiệp bất động sản phát hành trái phiếu còn úp úp mở mở về chuyện có ngân hàng bảo lãnh, nhưng thực tế hiện tượng này không có.

“Đây chính là hiện tượng, các cơ quan tài chính trong nước phải quan tâm và kiểm soát. Nếu không kiểm soát chặt chẽ, trái phiếu bất động sản sẽ trở thành khối u ngày càng lớn, đe dọa tới cả nền kinh tế”, TS Lê Xuân Nghĩa nói.

Việt Vũ

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/doanh-nghiep-bat-dong-san-viet-nam-phat-hanh-trai-phieu-o-at-khoi-ung-nhot-o-sau-lung-post159579.html