Doanh nghiệp bia, nước ngọt lo 'ảnh hưởng tiêu cực' nếu tăng thuế TTĐB

Chuyên gia đề nghị cơ quan soạn thảo cần đánh giá kỹ tác động của thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) để tránh gây tác dụng ngược, ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

 Đồ uống có đường có thể phải chịu thuế suất tiêu thụ đặc biệt 10%. Ảnh: T.L.

Đồ uống có đường có thể phải chịu thuế suất tiêu thụ đặc biệt 10%. Ảnh: T.L.

Hội thảo "Góp ý hoàn thiện Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi)" do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức mới đây có sự tham gia của các chuyên gia, đại diện cơ quan soạn thảo và một số doanh nghiệp liên quan, bao gồm 2 doanh nghiệp là Tân Hiệp Phát và Heineken Việt Nam.

Tại dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt được Bộ Tài chính lấy ý kiến, 2 nội dung chính được quan tâm là việc bổ sung nước giải khát theo Tiêu chuẩn Việt Nam có hàm lượng đường trên 5 g/100 ml vào đối tượng chịu thuế TTĐB (thuế suất 10%) và tăng thuế TTĐB đối với đồ uống có cồn. Đây là những nội dung ảnh hưởng trực tiếp đến 2 doanh nghiệp kể trên.

Lo "ảnh hưởng tiêu cực" nếu tăng thuế

Ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch Ủy ban Quan hệ doanh nghiệp và Pháp chế Tân Hiệp Phát, cho rằng bệnh thừa cân béo phì là bệnh của “nhà giàu”, tức người có tiền. Do vậy, việc áp dụng tăng thuế không có nhiều ý nghĩa.

“Giống như xe hơi tại Việt Nam hiện nay cũng bị áp thuế TTĐB. Dù giá thành hiện nay đắt gần nhất thế giới, người tiêu dùng vẫn tiêu thụ, vẫn mua xe hơi, không hạn chế được”, đại diện hãng đồ uống này dẫn chứng.

Thậm chí, theo ông Hưng, việc áp thuế TTĐB đối với đồ uống có đường còn hạn chế khả năng tiếp cận của người có thu nhập thấp hay người cần sử dụng đường.

 Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt bổ sung nước giải khát có hàm lượng đường trên 5 g/100 ml vào đối tượng chịu thuế. Ảnh: NYT.

Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt bổ sung nước giải khát có hàm lượng đường trên 5 g/100 ml vào đối tượng chịu thuế. Ảnh: NYT.

Ông Hưng đề nghị xác định mục tiêu cụ thể của dự thảo lần này, đồng thời nhấn mạnh dự thảo này chưa công bằng. Nếu chỉ áp dụng với nước giải khát có đường thì cả ngành này sẽ bị ảnh hưởng trong khi những sản phẩm khác có đường lại nằm ngoài phạm vi.

Đại diện Tân Hiệp Phát cho biết đã đầu tư hơn 300 triệu USD cho 12 dây chuyền chiết rót Aseptic. Việc đầu tư này đi kèm kế hoạch dài hạn gồm xây dựng nhà xưởng, thuê đất, chuẩn bị thị trường, tuyển dụng và đào tạo công nhân.

Do đó, khi một mức thuế thay đổi thì giá cả sản phẩm sẽ biến động theo. Trong khi đó, giá thành trong ngành đồ uống rất nhạy cảm, các doanh nghiệp cạnh tranh chỉ cần điều chỉnh 200-300 đồng/chai là đã thay đổi hoàn toàn sản lượng tiêu thụ.

“Tân Hiệp Phát hiện có khoảng hơn 700.000 nhà phân phối, hàng trăm nghìn hộ nông dân trồng trà. Nếu sản phẩm không tiêu thụ được thì có thể ảnh hưởng đến 4.000-5.000 nhà cung cấp cùng hàng nghìn nhà phân phối, hộ nông dân”, đại diện doanh nghiệp chia sẻ.

Với đề xuất tăng thuế rượu, bia, ông Nguyễn Thanh Phúc, Giám đốc Quan hệ đối ngoại Heineken Việt Nam, cho biết biểu thuế hiện tại chưa có sự nhất quán hay thống nhất với mục tiêu chung là giảm thiểu tác động đến sức khỏe.

Thể hiện ở chỗ mặt hàng rượu có nồng độ dưới 20 độ hiện chịu thuế suất TTĐB ở 35% nhưng bia có nồng độ cồn dưới 12 độ lại chịu thuế suất 65%.

Chênh lệch này gây khó cho doanh nghiệp cũng như gây thiếu cân bằng trong chính sách thuế. Ngoài ra, biểu thuế hiện nay chưa có sự nhất quán với cơ chế phân loại sản phẩm tại một số luật, đặc biệt là Luật Phòng chống tác hại của rượu bia.

“Đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc, nghiên cứu, xem xét áp dụng thuế suất 65% hiện nay đối với bia có cồn dưới 5 độ; 70% đối với bia có cồn 5-15 độ; 75% đối với bia có nồng độ cồn trên 15 độ. Điều này sẽ tương ứng với Luật Phòng chống tác hại của rượu bia”, ông Phúc kiến nghị.

Về mức tăng và lộ trình tăng thuế suất TTĐB, đại diện Heineken Việt Nam đề xuất giữ nguyên thuế suất với bia ở mức 65% kể từ ngày luật hiệu lực cho đến 3 năm tiếp theo. Sau đó tăng theo lộ trình 3 năm/lần và mỗi lần tăng không quá 5%.

Vị này lưu ý việc giãn lộ trình tăng thuế có thể giúp doanh nghiệp bia có thời gian phục hồi. Nếu tăng quá cao ở giai đoạn khó khăn này sẽ tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh.

Có thể gây tác dụng ngược

Liên quan thuế suất này, ông Nguyễn Văn Phụng, nguyên Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế Doanh nghiệp lớn (Tổng cục Thuế) kiêm Ủy viên Hiệp hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam, cho rằng việc áp thuế TTĐB đối với nước giải khát không giúp đạt mục tiêu tăng ngân sách quốc gia mà ngược lại gây ảnh hưởng không nhỏ đến ngành này cùng các ngành công nghiệp phụ trợ có liên quan như mía đường, bán lẻ, bao bì...

Theo ông Phụng, doanh nghiệp đang phải gánh cùng lúc rất nhiều loại thuế và chi phí như thuế VAT, thuế xuất nhập khẩu, phí tái chế, xử lý chất thải, các loại chi phí để thực hiện các trách nhiệm kiểm kê khí nhà kính, phí đối với khí thải...

Các loại chi phí này gây ra nhiều gánh nặng tài chính cho doanh nghiệp, đặc biệt trong bối cảnh doanh nghiệp cố gắng phục hồi sau đại dịch và sự khó khăn chung của kinh tế toàn cầu.

 Ông Nguyễn Văn Phụng, nguyên Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế Doanh nghiệp lớn (Tổng cục Thuế). Ảnh: VCCI.

Ông Nguyễn Văn Phụng, nguyên Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế Doanh nghiệp lớn (Tổng cục Thuế). Ảnh: VCCI.

Vị chuyên gia giả định nếu sản lượng nước giải khát giảm 20% như báo cáo đánh giá tác động của cơ quan soạn thảo thì thu ngân sách từ thuế VAT sẽ giảm tương ứng. Thuế VAT đối với mặt hàng đường đang được đề xuất tăng từ 5% lên 10% sẽ ảnh hưởng đến chi phí sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp sản xuất nước giải khát.

Doanh thu giảm trong khi chi phí đầu vào tăng khiến thu nhập của doanh nghiệp đi lùi và kéo thuế thu nhập doanh nghiệp giảm tương ứng.

Do đó, ông Phụng kiến nghị cơ quan soạn thảo đánh giá kỹ tác động, tính toán trên bài toán tổng thể, đảm bảo logic, hợp lý và thuyết phục về tăng thu ngân sách và ảnh hưởng tới hoạt động doanh nghiệp.

Minh Khánh

Nguồn Znews: https://znews.vn/doanh-nghiep-bia-nuoc-ngot-lo-anh-huong-tieu-cuc-neu-tang-thue-ttdb-post1485752.html