Doanh nghiệp BOT của Đèo Cả trả lãi vay gần 3 tỷ đồng mỗi ngày
Tiền lãi vay chủ yếu được thanh toán cho Vietinbank, ngân hàng đang cho Công ty Đầu tư hạ tầng giao thông Đèo Cả vay hơn hơn 19 nghìn tỷ đồng, chủ yếu là nợ dài hạn.
Hồi tháng 7/2019, Công ty Cổ phần Quản lý và khai thác hầm đường bộ Hải Vân công bố đổi tên thànhCông ty Cổ phần Đầu tư hạ tầng giao thông Đèo Cả (DII), trở thành thành viên của Tập đoàn Đèo Cả, doanh nghiệp mới nổi trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng.
Sau khi đổi tên, từ một công ty chuyên về sửa chữa, bảo dưỡng hầm đường bộ Hải Vân với số vốn gần 80 tỷ đồng và tổng tài sản chỉ hơn 360 tỷ, quy mô của DII đã tăng rất mạnh.
Theo báo cáo tài chính mới được công ty công bố, đến cuối năm 2019, vốn chủ sở hữu của công ty đạt trên 2.270 tỷ đồng nhờ phần vốn góp từ Công ty Cổ phần Đầu tư Hải Thạch BOT, Công ty Cổ phần Đầu tư Hạ tầng miền Bắc, Công ty Cổ phần tập đoàn Hải Thạch, Công ty Cổ phần Đầu tư thương mại Quốc tế Hà Thành và Công ty Cổ phần BOT Hưng Phát.
Đây là 5 chủ nợ của DII khi công ty thực hiện mua cổ phần để đầu tư vào các dự án công trình giao thông và được DII phát hành cổ phần riêng lẻ để hoán đổi nợ thành cổ phần.
Sau khi hoán đổi nợ, DII trở thành nhà Công ty mẹ của các doanh nghiệp đang đầu tư hàng loạt các dự án hầm đường bộ, cao tốc lớn tại Việt Nam như Hầm đường bộ qua Đèo Cả, BOT Bắc Giang Lạng Sơn, BOT hầm Phước Tượng và Phú Gia. Tổng tài sản của DII sau khi hoán đổi nợ và hợp nhất các khoản đầu tư vào dự án giao thông, tổng tài sản đạt 29.600 tỷ đồng vào cuối năm 2019.
Mặc dù hợp nhất trở thành một công ty lớn hơn, hiệu quả kinh doanh của DII không tăng lên do các dự án hạ tầng chưa đóng góp nhiều vào doanh thu. Quý 4/2019, công ty đạt doanh thu 316,5 tỷ đồng, nguồn thu chủ yếu là từ hoạt động duy tu, bảo dưỡng hầm, đường và doanh thu từ thu phí trạm BOT. Sau khi trừ đi giá vốn và các loại chi phí, công ty báo lỗ 83 tỷ đồng trong kỳ.
Khoản chi phí lớn nhất mà DII đang phải gánh chịu đó là chi phí lãi vay, với 244 tỷ đồng chỉ trong một quý, trung bình gần 3 tỷ đồng mỗi ngày. Đây là số tiền lãi DII phải trả cho các khoản vay để thực hiện các công trình giao thông quy mô lớn.
Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank) là đơn vị tài trợ tín dụng chính cho các khoản nợ của DII. Tính đến ngày 31/12/2019, DII đang nợ Vietinbank hơn 19.000 tỷ đồng, trong đó có hơn 134 tỷ đồng nợ vay ngắn hạn và 19.000 tỷ đồng nợ vay dài hạn.
Từ năm 2013, Vietinbank đã song hành với các dự án do tập đoàn Đèo Cả triển khai. Dự án đầu tư xây dựng hầm đường bộ Đèo Cả - Quốc lộ 1 tỉnh Phú Yên và tỉnh Khánh Hòa bao gồm hầm Đèo Cả, hầm Cổ Mã, hầm Cù Mông và hầm Hải Vân có tổng mức đầu tư 26.154 tỷ đồng đã được chủ đầu tư thế chấp nhiều lần tại Vietinbank.
Các tài sản thế chấp bao gồm quyền tài sản phát sinh từ nhiều hạng mục xây dựng thuộc dự án hầm đường bộ qua Đèo Cả và quyền thu phí tại các trạm thu phí theo theo Hợp đồng Dự án BOT, BT tại Vietinbank.
Vietinbank cũng là một trong 4 ngân hàng đã ký hợp đồng tín dụng cho Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, được thực hiện theo hình thức BOT với tổng mức đầu tư 9.668 tỷ đồng. Sau 10 năm triển khai chậm, Tập đoàn Đèo Cả đã được mời tham gia phát triển dự án này để đẩy nhanh tiến độ. Hiện ông Hồ Minh Hoàng, Chủ tịch Tập đoàn Đèo Cả đảm nhận vị trí Chủ tịch HĐQT Công ty BOT Trung Lương - Mỹ Thuận.
Sau khi Tập đoàn Đèo Cả tiếp quản dự án này và khởi động trở lại từ giữa năm ngoái, hiện tiến độ thi công lũy kế đã đạt hơn 30% tổng khối lượng toàn dự án. Các nhà đầu tư của dự án đặt mục tiêu thông tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận vào cuối năm nay và vận hành chính thức đầu năm 2021.