Doanh nghiệp bột mì phản ứng với phán quyết trốn thuế

Phản ứng với kết luận thanh tra của tỉnh Tây Ninh, Công ty TNHH Sản xuất Tinh bột khoai mì Nhựt Phát - Chi nhánh Tây Ninh cho rằng, họ mua hàng hợp pháp đủ hóa đơn chứng từ, nên nếu công ty bán hàng có bỏ trốn, cũng không thể 'trói tội' cho doanh nghiệp mua hàng.

Trốn thuế?

Ngày 3/4/2024, Phó chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh đã ký Kết luận thanh tra số 987/KL-UBND liên quan đến Công ty TNHH Sản xuất Tinh bột khoai mì Nhựt Phát - Chi nhánh Tây Ninh (Công ty Nhựt Phát - Chi nhánh Tây Ninh) căn cứ vào kết quả thanh tra trước đó của Đoàn Thanh tra liên ngành Tây Ninh được đề xuất lập bởi Cục Thuế tỉnh này.

Theo đó, cơ quan chức năng Tây Ninh cho rằng, Công ty Nhựt Phát - Chi nhánh Tây Ninh và Công ty Nhựt Phát (công ty mẹ, trụ sở huyện Củ Chi TP.HCM) sử dụng 41 hóa đơn giá trị gia tăng không hợp pháp, không còn giá trị sử dụng của Công ty TNHH Thực phẩm Trần Cao (Công ty Trần Cao, trụ sở đăng ký kinh doanh tại quận 4, TP.HCM) để khai khấu trừ thuế hóa đơn giá trị gia tăng, trốn thuế hơn 2,5 tỷ đồng.

Kết luận hóa đơn Công ty Trần Cao căn cứ vào Công văn số 1745/CCTQ4-KT2 ngày 11/10/2023 của Chi cục Thuế quận 4, TP.HCM trả lời xác minh cho Đoàn thanh tra Tây Ninh, với xác định 41 số hóa đơn giá trị gia tăng mẫu số 01GTKT3/003 ký hiệu TC/18P của Công ty Trần Cao xuất cho Công ty Nhựt Phát không có giá trị sử dụng.

Nhà máy của Công ty Nhựt Phát - Chi nhánh Tây Ninh.

Nhà máy của Công ty Nhựt Phát - Chi nhánh Tây Ninh.

Ngoài ra, Kết luận thanh tra số 987/KL-UBND còn cho rằng, Công ty Nhựt Phát - Chi nhánh Tây Ninh cung cấp hồ sơ hủy hàng với số lượng và giá trị lớn theo từng năm với phương pháp hủy bằng nhiệt tại lò sấy nhà máy. Nhưng qua xác minh, Nhà máy của Chi nhánh chỉ sấy bột từ dây chuyền sản xuất khép kín, không có hệ thống đốt bột đưa từ bên ngoài vào.

Từ đó, Kết luận thanh tra nhận định, việc hủy hàng này của Công ty Nhựt Phát - Chi nhánh Tây Ninh và Công ty Nhựt Phát có dấu hiệu hợp thức hóa hồ sơ (không có hàng hủy) để cân đối cho số hàng hóa mua vào.

Ngoài ra, từ xác minh của Đoàn thanh tra Tây Ninh và trả lời xác minh của các cơ quan quản lý thuế, thì tại thời điểm xác minh, Công ty Trần Cao không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký.

Kết luận thanh tra còn cho rằng, Công ty Nhưt Phát không phân bổ thuế giá trị gia tăng về cho Công ty Nhựt Phát - Chi nhánh Tây Ninh hơn 5,8 tỷ đồng để nộp tại Tây Ninh; Công ty Nhựt Phát - Chi nhánh Tây Ninh trốn thuế tài nguyên hơn 794 triệu đồng; có dấu hiệu sử dụng hóa đơn không có hàng hóa của 11 công ty (trong đó có Công ty Trần Cao) để hạch toán khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào làm giảm số thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp nhằm trốn thuế.

Phản ứng của doanh nghiệp?

Trong nhiều vi phạm mà Kết luận thanh tra số 987/KL-UBND nêu, thậm chí cả việc đề nghị truy thu thuế hơn 9 tỷ đồng, Công ty Nhựt Phát - Chi nhánh Tây Ninh chỉ phản ứng quyết liệt việc quy kết trốn thuế trong giao dịch với Công ty Trần Cao.

Gửi đơn kèm các chứng lý kêu cứu tới các cơ quan chức năng, bà Huỳnh Thị Kim Tuyền (người đại diện theo pháp luật của Công ty Nhựt Phát - Chi nhánh Tây Ninh) cho hay, vào cuối năm 2018, vì biết Công ty Nhựt Phát (công ty mẹ) có nhu cầu mua tinh bột khoai mỳ và bột báng, Công ty Trần Cao đã chào hàng, sau đó hai bên ký hợp đồng nguyên tắc bán hàng.

Tại thông báo Kết luận thanh tra, UBND tỉnh Tây Ninh giao Thanh tra tỉnh này tổng hợp hồ sơ, tài liệu chuyển dấu hiệu tội phạm sang Cơ quan cảnh sát điều tra theo quy định của pháp luật đối với hành vi trốn thuế của Công ty Nhựt Phát - Chi nhánh Tây Ninh

Với nội dung này, đại diện pháp lý Công ty Nhựt Phát - Chi nhánh Tây Ninh “kêu trời” rằng, sau quá trình thanh tra cả năm trời, có thể tiếp tục phải đối mặt quá trình điều tra, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp, việc làm của người lao động, uy tín và danh dự cá nhân.

Từ ngày 1/1/2019 đến ngày 31/3/2019, Công ty Nhựt Phát mua và Công ty Trần Cao cũng xuất 41 hóa đơn giá trị gia tăng, tổng cộng khoảng 115 tỷ đồng. Đồng thời, phía Công ty Nhựt Phát đã thanh toán tiền xong cho Công ty Trần Cao qua ngân hàng.

Tại thời điểm mua bán, phía Công ty Nhựt Phát có kiểm tra trên web chính thống của Tổng cục Thuế thì thấy Công ty Trần Cao vẫn đang hoạt động bình thường. Tới ngày 18/4/2019, Chi cục Thuế quận 4 mới có Thông báo 1041/TB-CCTQ4 về việc Công ty Trần Cao không hoạt động tại địa chỉ đăng ký.

Tuy Công ty Trần Cao không hoạt động tại địa chỉ, nhưng không “bỏ trốn”, bởi ngày 17/9/2019, công ty này có văn bản gửi Chi cục Thuế quận 4 đề nghị khôi phục mã số thuế, với lý do địa chỉ kinh doanh cũ, chủ nhà đòi lại, nên phải thuê địa điểm mới, chưa kịp báo cáo bởi nhiều lý do khách quan.

Sau đó, Công ty Trần Cao bị Chi cục Thuế quận 4 ra 2 quyết định xử phạt về 2 hành vi: nộp tờ khai thuế gia trị gia tăng kỳ kê khai quý I/2019 trễ hạn; không thông báo thay đổi thông tin trong hồ sơ đăng ký thuế. Công ty Trần Cao đã chấp hành 2 quyết định xử phạt này.

Mặt khác, ngày 25/9/2019, Công ty Trần Cao nộp báo cáo mất, cháy, hỏng hơn 1.000 tờ hóa đơn. Trong số trên (liên 1), có các hóa đơn đã xuất (liên 2) cho Công ty Nhựt Phát.

Biên bản làm việc giữa Chi cục Thuế quận 4 và Công ty Trần Cao ngày 4/10/2019 thể hiện, với những hóa đơn Trần Cao báo mất, cháy, hỏng, thì Chi cục đã gửi hồ sơ đến Công an quận 4 để xác minh.

Tóm lại, các bằng chứng trên thể hiện việc mua bán xuất hóa đơn giữa 2 công ty từ ngày 1/1/2019 đến ngày 31/3/2019, Công ty Trần Cao không “bỏ trốn” và hóa đơn đã xuất cho Công ty Nhựt Phát ở thời điểm doanh nghiệp này hoạt động bình thường.

Trong khi đó, cơ quan chức năng Tây Ninh căn cứ “tại thời điểm xác minh” tức thời điểm thanh tra là năm 2023 và phát hiện Công ty Trần Cao “không hoạt động tại địa chỉ đăng ký’ để đưa vào nhận định Công ty Nhựt Phát mua bán “ảo” là thiếu sức thuyết phục. Bởi việc các công ty đã chuyển địa điểm, ngừng kinh doanh, dù nhiều năm trước họ (công ty) làm ăn bình thường, vốn là chuyện… bình thường.

Thậm chí, theo Công văn 7333/BTC-TCT ngày 24/6/2008 của Bộ Tài chính, nếu bên mua chứng minh hàng hóa có thật (gồm hợp đồng mua bán, phiếu xuất kho, chứng từ thanh toán qua ngân hàng, hóa đơn giá trị gia tăng), thì được mặc định là hóa đơn hợp pháp. Đối chiếu quy định này, thì Công ty Nhựt Phát có đủ hồ sơ giấy tờ và Công ty Trần Cao xuất 41 hóa đơn này trước 18/4/2019 là ngày Chi cục Thuế quận 4 ra công văn thông báo Công ty Trần Cao bỏ trốn.

Đó là chưa nói, cuối tháng 9/2019, Công ty Trần Cao đã quay lại làm thủ tục xin cấp lại mã số thuế tại Chi cục Thuế quận 4.

Mặt khác, theo Thông tư 39/2014/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ, thì với việc Công ty Trần Cao đã thông báo hóa đơn mất, cháy, hỏng Chi cục Thuế quận 4 có trách nhiệm thông báo hết giá trị sử dụng của các hóa đơn này.

Tuy nhiên, Công ty Nhựt Phát không hề biết được thông tin gì liên quan, chỉ đến khi UBND tỉnh Tây Ninh ký kết luận thanh tra tháng 4/2024.

Vì vậy, đại diện pháp lý Công ty Nhựt Phát - Chi nhánh Tây Ninh cho rằng, việc Kết luận thanh tra số 987/KL-UBND nêu các hóa đơn Công ty Trần Cao xuất cho Công ty Nhựt Phát không có giá trị sử dụng, cũng như việc quy kết công ty mẹ cũng như Công ty Nhựt Phát - Chi nhánh Tây Ninh sử dụng hóa đơn bất hợp pháp, trốn thuế là thiệt thòi và oan ức cho doanh nghiệp.

Cơ quan thuế cần có giải pháp phát hiện kịp thời doanh nghiệp bỏ trốn

Liên quan vấn đề doanh nghiệp bán hàng đã xuất hóa đơn giá trị gia tăng rồi trốn hoặc giải thể sau đó, hồi cuối năm 2023, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cũng bức xúc gửi công văn tới Văn phòng Chính phủ “kêu cứu” nội dung: thời gian qua, do hoạt động khó khăn, nên nhiều doanh nghiệp buộc phải đóng cửa, bị đóng mã số thuế, chủ doanh nghiệp bỏ trốn…, dẫn đến doanh nghiệp nhận hóa đơn của các công ty này rơi vào tình trạng đứng trước nguy cơ bị cơ quan thuế xử phạt vì hành vi khai sai.

Thực tế, các doanh nghiệp không thể biết trước việc công ty bán hàng đã bị đóng mã số thuế, ngừng hoạt động hoặc bỏ trốn. Với mỗi tờ hóa đơn giá trị gia tăng không được hoàn thuế, doanh nghiệp mất 10% thuế giá trị gia tăng và có thể phát sinh thêm thuế thu nhập doanh nghiệp, chưa kể nếu nộp chậm sẽ bị phạt vi phạm...

VASEP kiến nghị, cơ quan thuế cần có giải pháp phù hợp để phát hiện kịp thời những doanh nghiệp bỏ trốn, bị đóng mã số thuế. Đối với các doanh nghiệp kinh doanh có hợp đồng đầy đủ, thực tế có mua hàng, có thanh toán và hóa đơn đã được xuất hợp lệ, thì không nên yêu cầu doanh nghiệp mua hàng phải giải trình làm rõ việc sử dụng hóa đơn đó để được khấu trừ hoàn thuế giá trị gia tăng.

Ngô Nguyên

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/doanh-nghiep-bot-mi-phan-ung-voi-phan-quyet-tron-thue-d218923.html