Doanh nghiệp cá thể trong mục tiêu thêm 1 triệu doanh nghiệp đến năm 2030

Khi có thêm 1 triệu doanh nghiệp, mức đóng góp cho tăng trưởng kinh tế, ngân sách, việc làm và an sinh xã hội sẽ cao hơn, không gian phát triển mới của nền kinh tế dễ dàng hình thành. Quan trọng là số lượng phải song hành cùng chất lượng.

Để nền kinh tế tăng trưởng 8% trong năm 2025 và hai con số trong nhiều năm tiếp theo, doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng phải có sự bứt tốc.Ảnh: LÊ VŨ

Để nền kinh tế tăng trưởng 8% trong năm 2025 và hai con số trong nhiều năm tiếp theo, doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng phải có sự bứt tốc.Ảnh: LÊ VŨ

Động lực từ khu vực phi chính thức

Kinh tế tư nhân được xác định và buộc phải là động lực cho tăng trưởng kinh tế trong những năm sắp tới và với cơ cấu của khu vực này thời điểm hiện tại, doanh nghiệp tư nhân lớn chỉ có thể gánh vác một phần. Khoảng 98% doanh nghiệp chính thức thuộc nhóm nhỏ và vừa, đồng nghĩa, để nền kinh tế tăng trưởng 8% trong năm 2025 và hai con số trong nhiều năm tiếp theo, doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng phải có sự bứt tốc.

Chưa hết, khu vực phi chính thức gồm hộ kinh doanh cá thể, hộ sản xuất nông nghiệp, trang trại và các cơ sở kinh tế, cá nhân kinh doanh khác chiếm khoảng 40% trong số 50% đóng góp của kinh tế tư nhân vào GDP. Sự trưởng thành của khu vực này không chỉ tạo thêm GDP và nguồn thu ngân sách mà còn tạo nên một cấu phần mạnh mẽ hơn của kinh tế tư nhân, có thể thẩm thấu và kích hoạt các chính sách phù hợp với chiến lược phát triển của toàn nền kinh tế.

Chính vì vậy, khi Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 25-3-2025 về thúc đẩy phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa với mục tiêu từ nay tới năm 2030 có thêm ít nhất 1 triệu doanh nghiệp được ban hành, một trong những nguồn bổ sung doanh nghiệp mới được xác định nằm ở việc chính thức hóa các hộ kinh doanh cá thể, hộ sản xuất nông nghiệp...

Nghiên cứu “Xác định địa vị pháp lý cho hộ kinh doanh tại Việt Nam: Chìa khóa để chính thức hóa” do TS. Lê Duy Bình, chuyên gia kinh tế của Economia Việt Nam, thực hiện với sự hỗ trợ của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) trích số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (trước đây) cho thấy, tính đến năm 2022, tỷ lệ doanh nghiệp chuyển đổi từ hộ kinh doanh còn tồn tại sau năm năm cao gần gấp đôi mức trung bình chung của tổng số doanh nghiệp đăng ký theo Luật Doanh nghiệp. Sau mốc thời gian năm năm này, còn tới 97% doanh nghiệp được chuyển đổi từ hộ kinh doanh đang tồn tại, hoạt động, cao hơn rất nhiều so với tỷ lệ trung bình là 52% của tất cả các doanh nghiệp đăng ký theo Luật Doanh nghiệp.

Một trang trại hoa tại Đà Lạt. Ảnh: LÊ VŨ

Một trang trại hoa tại Đà Lạt. Ảnh: LÊ VŨ

Từ góc độ mục tiêu có thêm 1 triệu doanh nghiệp từ nay tới năm 2030, trung bình, mỗi năm Việt Nam phải có thêm 200.000 doanh nghiệp. Trong khi đó, tính trong năm 2024, cả nước có 157.200 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, 76.200 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động nhưng lại có gần 76.200 doanh nghiệp ngừng hoạt động, chờ làm thủ tục giải thể, hơn 21.600 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể và hơn 100.000 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn. Đồng nghĩa, số lượng doanh nghiệp tăng thêm của cả nền kinh tế ước tính chỉ khoảng trên dưới 100.000. Việc khuyến khích các chủ thể kinh doanh không chính thức trở thành doanh nghiệp có thể giúp mở rộng hơn cánh cửa bước tới thành công.

Nếu muốn số lượng đi cùng chất lượng...

Thực tế là, với các khuôn khổ pháp lý và chính sách hiện hữu, nhìn chung, các hộ kinh doanh cá thể không muốn “lên” doanh nghiệp. Kết quả điều tra 374 hộ kinh doanh và 46 doanh nghiệp của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) năm 2017 cho kết quả, có đến 11,3% hộ kinh doanh có quy mô từ 10 lao động trở lên nhưng chỉ có 5,63% hộ kinh doanh dự kiến chuyển sang các loại hình doanh nghiệp theo quy định của Luật Doanh nghiệp (trước năm 2020). Nghĩa là, ngay cả khi đã đạt quy mô buộc phải trở thành doanh nghiệp, các hộ kinh doanh cá thể vẫn không muốn thực hiện sự chuyển đổi này.

Khi Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 25-3-2025 về thúc đẩy phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa với mục tiêu từ nay tới năm 2030 có thêm ít nhất 1 triệu doanh nghiệp được ban hành, một trong những nguồn bổ sung doanh nghiệp mới được xác định nằm ở việc chính thức hóa các hộ kinh doanh cá thể, hộ sản xuất nông nghiệp...

Một nghiên cứu khác do Economica Vietnam phối hợp với Cục Thống kê của một số tỉnh thực hiện cho thấy, tỷ lệ hộ kinh doanh cá thể cho biết có ý định hay mong muốn đăng ký chuyển đổi thành doanh nghiệp theo Luật Doanh nghiệp chỉ vào mức 0,8% ở Hòa Bình, 0,8% ở Lào Cai và 0,4% ở Sóc Trăng. Tại An Giang, hơn 1.000 hộ kinh doanh được hỏi đều cho biết họ không có ý định hay mong muốn đăng ký chuyển đổi thành doanh nghiệp theo Luật Doanh nghiệp.

Như vậy, muốn tăng số lượng doanh nghiệp có nguồn gốc từ hộ kinh doanh, một là phải khuyến khích chủ thể đủ điều kiện, có nguyện vọng chuyển đổi; mặt khác, phải có phương án chính thức hóa khu vực này, với cách thức và lộ trình không đi ngược với nguyện vọng và quyền lợi của các hộ kinh doanh cá thể.

“Chìa khóa để chính thức hóa” các hộ kinh doanh cá thể, đúng như tên gọi của nghiên cứu nêu trên là việc xác định được địa vị pháp lý cho họ. TS. Lê Duy Bình, người thực hiện nghiên cứu trên, nhận định hộ kinh doanh có quy mô nhỏ lẻ, cá thể, hoạt động đơn lẻ với chủ hộ là cá nhân kinh doanh và người lao động duy nhất, có đặc điểm và tính chất giống như hình thức cá nhân kinh doanh, doanh nghiệp cá thể (sole proprietorship, sole trader) thường thấy ở các nước.

Việt Nam đã có quy định về hình thức doanh nghiệp cá thể này, được gọi là “doanh nghiệp tư nhân” trong Luật Doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc khởi nghiệp với tư cách là “doanh nghiệp tư nhân” không hấp dẫn, do vấn đề chi phí, trách nhiệm (doanh nghiệp tư nhân phải chịu trách nhiệm vô hạn về các nghĩa vụ trong kinh doanh thay vì hữu hạn như công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần) trong khi phải tuân thủ các quy định pháp luật về đăng ký kinh doanh, chế độ kế toán, báo cáo, thuế, bảo hiểm xã hội, lao động và các nghĩa vụ pháp lý khá là ràng buộc, tương đương với các loại hình doanh nghiệp khác trong Luật Doanh nghiệp.

Chúng ta hãy tạo dựng cho hàng triệu hộ kinh doanh cá thể một ngôi nhà chung, vừa vặn, phù hợp. Sau đó, hãy tạo điều kiện để các chủ thể sinh sống ở đó trưởng thành dần dần, hỗ trợ họ tiếp cận nguồn vốn, thị trường, khoa học công nghệ... hoặc khi họ gặp khó khăn. Có như vậy, mới đảm bảo được tính khả thi của mục tiêu có thêm 1 triệu doanh nghiệp trong năm năm sắp tới.

Vậy nên, theo vị chuyên gia, cần hình thành khuôn khổ pháp lý riêng cho loại hình kinh doanh cá thể bằng cách xây dựng tách bạch các quy định về doanh nghiệp cá thể, kinh doanh cá thể (sole proprietorship), mà các hộ kinh doanh cá thể và các cá nhân kinh doanh là một bộ phận cấu thành quan trọng, độc lập với các quy định về hình thức công ty trong Luật Doanh nghiệp.

Giải pháp tối ưu nhất là cải cách các quy định hiện nay đối với hình thức doanh nghiệp tư nhân hiện đang được quy định trong Luật Doanh nghiệp thành hình thức doanh nghiệp cá thể hay doanh nghiệp một chủ, gọi đúng tên của loại hình doanh nghiệp này đồng thời bình dân hóa loại hình doanh nghiệp này, giảm bớt các quy định và các chi phí tuân thủ đối với hình thức doanh nghiệp cá thể, phân quyền để cho phép các doanh nghiệp cá thể được đăng ký tại cấp xã (cùng với các cải cách thể chế về bộ máy chính quyền cấp huyện đang diễn ra hiện nay).

Các nội dung như đăng ký kinh doanh, yêu cầu về tổ chức, quản trị doanh nghiệp, kế toán, bảo hiểm xã hội, chế độ báo cáo, thuế sẽ được thiết kế riêng phù hợp với hình thức kinh doanh cá thể, doanh nghiệp một chủ. Chi phí tuân thủ quy định pháp luật, thuế áp dụng đối với hình thức doanh nghiệp cá thể theo quy định mới sẽ giảm mạnh so với hình thức doanh nghiệp tư nhân như hiện nay.

Song song với đó, cũng cần có những giới hạn, hạn chế và những quy định có tính không khuyến khích hộ kinh doanh duy trì mãi ở hình thức này. Khi đạt đến một quy mô nào đó, hoặc khi hoạt động trong một số ngành nghề nào đó, chủ của các loại hình doanh nghiệp cá thể, kinh doanh cá thể này buộc phải cân nhắc, lựa chọn và tự quyết định để chuyển đổi thành hình thức pháp nhân kinh doanh như công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần...

“Các quốc gia thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), Singapore đều dựa vào hình thức doanh nghiệp cá thể, doanh nghiệp một chủ để có số lượng doanh nghiệp đông đảo với tỷ lệ doanh nghiệp cá thể, doanh nghiệp một chủ chiếm hơn nửa, thậm chí hai phần ba số lượng doanh nghiệp mới đăng ký hàng năm tại các nền kinh tế này. Họ có một khuôn khổ pháp lý phù hợp cho các doanh nghiệp cá thể, doanh nghiệp một chủ. Chúng ta hãy tạo dựng cho hàng triệu hộ kinh doanh cá thể một ngôi nhà chung, vừa vặn, phù hợp.

Sau đó, hãy tạo điều kiện để các chủ thể sinh sống ở đó trưởng thành dần dần, hỗ trợ họ tiếp cận nguồn vốn, thị trường, khoa học công nghệ... hoặc khi họ gặp khó khăn. Có như vậy, mới đảm bảo được tính khả thi của mục tiêu có thêm 1 triệu doanh nghiệp trong năm năm sắp tới, và điều này sẽ thật sự có ý nghĩa với nền kinh tế”, TS. Lê Duy Bình khẳng định.

Khánh Nguyên

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/doanh-nghiep-ca-the-trong-muc-tieu-them-1-trieu-doanh-nghiep-den-nam-2030/