Thuế đối ứng Mỹ có hiệu lực

Thuế nhập khẩu cơ bản 10% đã có hiệu lực tại các cảng biển, sân bay và kho hải quan của Mỹ vào ngày 5-4 (giờ địa phương)

Theo tờ The Guardian, mức thuế 10% ban đầu có hiệu lực vào đúng thời điểm bắt đầu ngày 5-4 theo giờ Mỹ đối với hàng hóa từ một số quốc gia và vùng lãnh thổ.

Các quốc gia đầu tiên bị áp mức thuế 10% bao gồm Úc, Anh, Colombia, Argentina, Ai Cập và Ả Rập Saudi… Bắt đầu từ ngày 9-4, mức thuế đối ứng cao hơn - từ 11% đến 50% - sẽ chính thức có hiệu lực. Một bản tin của Cơ quan Hải quan và Bảo vệ biên giới Mỹ gửi cho các hãng vận chuyển cho biết không có thời gian gia hạn cho hàng hóa vẫn còn trên biển vào nửa đêm 5-4.

Tuy nhiên, một bản tin khác cũng từ cơ quan này lại thông báo sẽ gia hạn 51 ngày cho hàng hóa đã được chất lên tàu thủy hoặc máy bay và đang quá cảnh đến Mỹ trước thời khung giờ mà thuế mới có hiệu lực. Những hàng hóa này cần cập cảng trước 0 giờ 1 phút sáng 27-5 (giờ Mỹ) để tránh mức thuế 10%.

Thông báo về thuế quan của ông Donald Trump hôm 2-4 đã làm rung chuyển thị trường chứng khoán toàn cầu, xóa sổ 5.000 tỉ USD giá trị của các công ty thuộc nhóm S&P 500 vào cuối phiên giao dịch ngày 4-4 (giờ địa phương), sau mức giảm kỷ lục liên tiếp trong 12 ngày. Giá dầu lao dốc, còn các nhà đầu tư chuyển sang vùng an toàn hơn là trái phiếu chính phủ.

Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) Jerome Powell hôm 4-4 cảnh báo lạm phát có khả năng tăng lên và giữ ở mức cao do mức thuế quan sâu rộng của Tổng thống Donald Trump. Tác động này có thể tạm thời nhưng cũng có thể dai dẳng. "Chúng ta đang đối mặt với một viễn cảnh cực kỳ không chắc chắn, với rủi ro gia tăng cả về tỉ lệ thất nghiệp cao hơn và lạm phát cao hơn" - ông Powell nói tại một sự kiện ngay bên ngoài thủ đô Washington.

Các nhà giao dịch làm việc trên sàn chứng khoán New York - Mỹ hôm 4-4 Ảnh: AP

Các nhà giao dịch làm việc trên sàn chứng khoán New York - Mỹ hôm 4-4 Ảnh: AP

Các nhà kinh tế tại công ty dịch vụ tài chính Mỹ JPMorgan đánh giá khả năng suy thoái toàn cầu là 60% nếu mức thuế quan của ông Donald Trump được duy trì. Nhiều nhà dự báo cho rằng giá tiêu dùng, đặc biệt là giá ô tô, sẽ tăng cao hơn trong năm nay.

Việc tổng thống Mỹ mạo hiểm đặt cược để điều chỉnh sự mất cân bằng thương mại và đưa hoạt động sản xuất trở lại nước Mỹ có thể khiến nền kinh tế nước này rơi vào sự kết hợp độc hại giữa tăng trưởng trì trệ, thất nghiệp gia tăng, lạm phát tăng tốc. Nhà kinh tế trưởng Kathy Bostjancic thuộc tổ chức tài chính Nationwide (Anh) cho rằng FED có thể phải đối phó với "quái vật hai đầu" - lạm phát tăng tốc còn kinh tế giảm tốc - như tình cảnh của những năm 1970.

Trong ngày 5-4, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Guo Jiakun bình luận trên Facebook rằng "Thị trường đã lên tiếng" kèm bức ảnh sàn chứng khoán Mỹ "nhuộm đỏ". Ông Guo nói thêm bây giờ là lúc Mỹ "ngừng làm điều sai lầm và giải quyết những khác biệt với các đối tác thương mại thông qua tham vấn bình đẳng".

Trước đó, Trung Quốc đã đáp trả thuế đối ứng của Mỹ bằng mức thuế tương ứng 34% đối với tất cả hàng hóa Mỹ nhập khẩu, có hiệu lực từ ngày 10-4. Theo AP, ông Donald Trump đã chỉ trích động thái này và bình luận: "Chính sách của tôi sẽ không bao giờ thay đổi. Đây là thời điểm tuyệt vời để làm giàu".

Trong khi đó, các quốc gia và vùng lãnh thổ khác đang cân nhắc những cách tiếp cận khác nhau để ứng phó nguy cơ gián đoạn thương mại và chuỗi cung ứng. Nằm trong nhóm phản công còn có Liên minh châu Âu (EU) - nơi chịu mức thuế 20%. Những đối tác khác của Mỹ như Ấn Độ, Anh, Nhật Bản… cho biết họ hy vọng có thể giải quyết vấn đề thông qua đàm phán.

Người dân Mỹ lo lắng

Ông John Gutierrez đã định mua máy tính xách tay mới suốt cả năm qua. Người đàn ông sống tại TP Austin, bang Texas - Mỹ này cần một chiếc máy tính có tốc độ xử lý nhanh hơn và dung lượng lưu trữ lớn hơn để phục vụ công việc. Ông đã để mắt tới một sản phẩm mang thương hiệu Đài Loan (Trung Quốc).

Hôm 2-4, Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố loạt thuế quan nhập khẩu mới, trong đó có mức thuế 32% đối với hàng nhập khẩu từ vùng lãnh thổ Đài Loan. Sau đó cùng ngày, ông Gutierrez đặt mua chiếc máy tính xách tay từ một nhà bán lẻ ở TP New York để vừa có công nghệ mới nhất trên thiết bị vừa không phải lo về thuế quan.

Theo hãng tin AP hôm 5-4, ông Gutierrez là một trong số nhiều người tiêu dùng Mỹ đang gấp rút mua các sản phẩm đắt tiền trước khi thuế đối ứng nói trên có hiệu lực. Các nhà kinh tế cho biết thuế quan dự kiến làm tăng giá các mặt hàng thiết yếu hằng ngày, đồng thời cảnh báo tăng trưởng kinh tế Mỹ sẽ suy yếu.

Ông Lee Wochner, Giám đốc điều hành Công ty tiếp thị và chiến lược Counterintuity (trụ sở tại bang California), cho biết ông đã tiết kiệm khoản tiền đáng kể nhờ ký hợp đồng thuê xe trước khi đòn thuế đối ứng được công bố. Ông cho biết đã nghe được thông tin một số đại lý đang hủy các thỏa thuận đã ký và đàm phán lại vì họ sợ sẽ không thể nhập thêm đủ xe mới với mức giá mà người tiêu dùng chấp nhận được. Ông Wochner tin rằng giá cả sẽ tiếp tục tăng vì Mỹ "đã đánh mất niềm tin của thị trường thương mại quốc tế".

Hoàng Phương

ANH THƯ

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/thue-doi-ung-my-co-hieu-luc-196250405203145797.htm