Doanh nghiệp các tỉnh Tây nguyên, Duyên hải miền Trung và TPHCM ký kết biên bản ghi nhớ

Chiều 6-7, tại TP Quảng Ngãi, Khối thi đua Ban Quản lý khu kinh tế, khu công nghiệp, khu công nghệ cao (KKT, KCN, KCNC) các tỉnh Tây nguyên và Duyên hải miền Trung đã tổ chức Hội nghị 'Kết nối chuỗi sản xuất cung ứng và tiêu thụ sản phẩm hàng hóa, dịch vụ giữa các doanh nghiệp'.

Hội nghị có sự tham gia của gần 70 doanh nghiệp từ các KKT, KCN, KCNC đến từ 11 tỉnh, thành phố khu vực Tây nguyên, Duyên hải miền Trung và TPHCM.

Ông Võ Phiên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, phát biểu tại hội nghị

Ông Võ Phiên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, phát biểu tại hội nghị

Tại hội nghị, ông Võ Phiên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, cho biết, hiện nay, 11 tỉnh Tây Nguyên và Duyên hải miền Trung hiện có 51 khu công nghiệp, khu kinh tế và khu công nghệ cao với tổng số dự án đầu tư là 2.195 dự án. Trong đó, có nhiều dự án công nghiệp nặng, công nghiệp lọc hóa dầu quy mô lớn.

Thông tin từ Khối thi đua các Ban Quản lý KCN, KKT, KCNC các tỉnh Tây Nguyên, Duyên hải miền Trung, tính đến cuối năm 2022, hoạt động các khu công nghiệp, khu kinh tế cửa khẩu tại Tây Nguyên đã thu hút 394 dự án với tổng vốn đầu tư 38.140 tỷ đồng, giá trị sản xuất đạt 22.989 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho hơn 12.100 lao động khu công nghiệp trên địa bàn Tây Nguyên.

Trong khi đó, các khu kinh tế ven biển Duyên hải miền Trung thu hút 1.081 dự án, với tổng vốn đầu tư hơn 818.300 tỷ đồng, giá trị sản xuất đạt 465.065 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho hơn 244.590 lao động.

Quang cảnh hội nghị

Quang cảnh hội nghị

Về các thế mạnh của địa phương, 5 tỉnh Tây Nguyên gồm Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk, Lâm Đồng, Đắk Nông, có thế mạnh là đất đai rộng, màu mỡ, phù hợp cho việc sản xuất và phát triển các ngành công nghiệp chế biến nông sản thực phẩm như cà phê, chè, cao su, hồ tiêu, rau quả.

Đối với 6 tỉnh Duyên hải miền Trung gồm Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa có các lợi thế nổi trội như trong thu hút đầu tư thuận lợi, đặc biệt là sức lan tỏa của các dự án lớn gắn với cảng biển, quỹ đất ven biển phù hợp với phát triển công nghiệp, vật liệu san lấp, vật liệu xây dựng dồi dào, hệ thống hạ tầng giao thông thuận lợi.

Các đại biểu tham dự hội nghị cũng thảo luận về những khó khăn khiến các tỉnh Tây Nguyên và Duyên hải miền Trung chưa thu hút các dự án lớn như hầu hết các doanh nghiệp đầu tư vào KCN, KKT chủ yếu là nhỏ và vừa, chưa tạo động lực mang tính lan tỏa. Đầu tư hạ tầng như các KKT cửa khẩu với Lào, Campuchia chưa có nhiều động lực phát triển, hạ tầng giao thông hướng biển chưa nâng cấp đầu tư đúng tầm,…

Tại hội nghị, các đại biểu kiến nghị bộ, ngành Trung ương quan tâm tạo điều kiện hỗ trợ và tập trung xây dựng hoàn chỉnh hệ thống kết cấu hạ tầng để kết nối giữa các vùng kinh tế Tây Nguyên, Duyên hải miền Trung. Hướng đến quy hoạch và phát triển các KCN, KKT, KCNC và các đô thị trở thành hạt nhân tăng trưởng thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội các địa phương trong vùng, gắn với bảo vệ môi trường và phát triển bền vững, phát triển nguồn nhân lực, thu hút FDI.

Bà Bùi Thị Thu Hương, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, phát biểu hội nghị

Bà Bùi Thị Thu Hương, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, phát biểu hội nghị

Bà Bùi Thị Thu Hương, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định, đây là hoạt động sáng tạo của khối thi đua các tỉnh Tây Nguyên và Duyên hải miền Trung, cũng là đơn vị đầu tiên trong 18 khối thi đua của Bộ KH-ĐT tổ chức được hội nghị kết nối sản xuất, cung ứng và tiêu thụ sản xuất, hàng hóa.

Các doanh nghiệp ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác

Các doanh nghiệp ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác

Tại hội nghị, 10 doanh nghiệp đã ký kết biên bản ghi nhớ liên kết hợp tác, kết nối chuỗi sản xuất cung ứng và tiêu thụ sản phẩm hàng hóa, dịch vụ của khu vực Tây Nguyên, Duyên hải miền Trung và TPHCM.

NGUYỄN TRANG

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/doanh-nghiep-cac-tinh-tay-nguyen-duyen-hai-mien-trung-va-tphcm-ky-ket-bien-ban-ghi-nho-post696415.html