Doanh nghiệp cần cẩn trọng trong việc đáp ứng chứng chỉ Halal xuất khẩu

Theo Trưởng ban Xúc tiến thương mại Hoàng Thị Bích Diệp, không phải chứng chỉ Halal nào cũng vào được tất cả các thị trường Hồi giáo trên thế giới, bao gồm Trung Đông.

Sản phẩm nghệ nếp của doanh nghiệp Hoàng Minh Châu Hưng Yên trưng bày tại sự kiện. Ảnh: Lê Hồng Nhung - Mekong ASEAN

Sản phẩm nghệ nếp của doanh nghiệp Hoàng Minh Châu Hưng Yên trưng bày tại sự kiện. Ảnh: Lê Hồng Nhung - Mekong ASEAN

Chiều ngày 6/12, Bộ Ngoại giao tổ chức Tọa đàm “Nâng cao hiệu quả quảng bá nông sản Việt Nam tại khu vực Trung Đông - Bắc Phi”. Tại sự kiện, Vụ trưởng Vụ Trung Đông – châu Phi Bùi Hà Nam nhận định: “Nền kinh tế thế giới trong năm 2023 tiếp tục gặp khó khăn đã ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình xuất nhập khẩu của Việt Nam. Trong bối cảnh đó, thị trường các nước Trung Đông – Bắc Phi nổi lên là điểm sáng trong bức tranh giao thương của Việt Nam với thế giới”.

10 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Đông tăng 4%, sang Bắc Phi tăng 9,4%. Nông lâm thủy sản vẫn là mặt hàng xuất khẩu chủ lực sang thị trường này, trong đó xuất khẩu cà phê sang Algeria đạt hơn 116 triệu USD, tăng 67% so với cùng kỳ năm trước; thủy sản sang Arab Saudi tăng 36,4%; hạt điều sang UAE tăng 59,9%; Ai Cập tăng 58,7%; chè sang Iraq tăng 48,7%; gạo sang Thổ Nhĩ Kỳ tăng gấp 3 lần.

Nêu rõ về thuận lợi của thị trường, ông Nam cho biết, với 25 quốc gia và dân số gần 500 triệu người, Trung Đông – Bắc Phi có nhu cầu và mức chi tiêu cao với các mặt hàng nông lâm thủy sản của Việt Nam. Đồng thời nền nông nghiệp ở khu vực cũng không phát triển khi điều kiện tự nhiên khắc nghiệt.

Tuy nhiên, công tác quảng bá nông sản của Việt Nam hiện nay tại khu vực còn gặp nhiều khó khăn. Bao gồm sự khác biệt về ngôn ngữ, văn hóa, hệ thống pháp luật và tập quán kinh doanh; mạng lưới thương mại, phân phối của Việt Nam tại khu vực còn hạn chế; chi phí logistics còn cao…

Tham dự sự kiện còn có các Đại sứ Việt Nam tại nước ngoài, hiệp hội, doanh nghiệp... Ảnh: Lê Hồng Nhung - Mekong ASEAN

Tham dự sự kiện còn có các Đại sứ Việt Nam tại nước ngoài, hiệp hội, doanh nghiệp... Ảnh: Lê Hồng Nhung - Mekong ASEAN

Chia sẻ rõ hơn về khó khăn thị trường, Đại sứ Việt Nam tại Algeria Trần Quốc Khánh cho biết, doanh nghiệp khó xuất khẩu sang thị trường này bởi Algeria hạn chế nhập khẩu, do đó thuế nhập khẩu rất cao.

“Muốn xuất khẩu sang Algeria thì cần thay đổi, từ tư duy xuất khẩu sang tư duy hợp tác. Bởi khi sản phẩm xuất khẩu đã chế biến vào thị trường này thì lại khó cạnh tranh với hàng hóa châu Âu do chi phí vận chuyển xa. Doanh nghiệp có thể xem xét sản xuất chế biến tại chỗ, tận dụng thế mạnh của thị trường nước bạn khi Algeria có giá điện cạnh tranh, có đất đai, được Chính phủ Algeria hỗ trợ, đồng thời phòng tránh rào cản về kỹ thuật Halal”, ông Khánh nói rõ.

Ông Khánh cũng cho biết, hàng năm tại Algeria có các triển lãm quốc tế, doanh nghiệp các quốc gia châu Phi hay một số quốc gia châu Âu như Pháp, Italy… cũng tham gia, tuy nhiên doanh nghiệp Việt lại gần như không quan tâm.

Từ góc độ doanh nghiệp Việt Nam, bà Hoàng Thị Bích Diệp – Trưởng ban Xúc tiến thương mại, Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam chia sẻ, doanh nghiệp Việt hiện đang thiếu thông tin thị trường đối tác, quy định pháp luật cũng như tập quán của các nước sở tại, từ đó dẫn tới tâm lý e ngại. Các doanh nghiệp không hiểu thị trường thì sẽ không muốn tham gia quảng bá hàng hóa tại các sự kiện hội chợ. Chi phí vận chuyển hàng mẫu cao cũng khiến doanh nghiệp “dè chừng”.

Ngoài ra, mạng lưới logistics trong khu vực còn hạn chế cũng khiến doanh nghiệp không lựa chọn xuất khẩu sang thị trường này. Trong vấn đề chứng chỉ Halal, bà Diệp cho rằng việc đáp ứng đúng chứng chỉ vào thị trường còn hạn chế.

Ảnh: Lê Hồng Nhung - Mekong ASEAN

Ảnh: Lê Hồng Nhung - Mekong ASEAN

“Có đơn vị tư vấn chứng chỉ Halal trong nước, khi ra thị trường quốc tế thì không được công nhận. Có đơn vị tư vấn chứng chỉ lại không đưa đúng thị trường mong muốn, như có một số chứng chỉ Halal sẽ không đạt tiêu chuẩn vào Indonesia hay các nước vùng Vịnh (GCC), đến khi doanh nghiệp có đơn hàng thì không xuất khẩu được vào các thị trường đó”.

Trưởng ban Xúc tiến thương mại Hoàng Thị Bích Diệp

Trước tình hình trên, bà Diệp cho rằng, cần phải có tổ công tác phản ứng nhanh và phát triển thị trường, nhằm thông tin dự báo thị trường thường xuyên và sớm hơn dựa vào biến động chính trị, thời tiết, tình hình sản xuất, thiên tai dịch bệnh... Nhờ đó doanh nghiệp trong nước thúc đẩy liên kết sản xuất, hạ giá thành, sản xuất theo các yêu cầu và tạo chuỗi đồng bộ từ sản xuất đến hậu cần cho xuất khẩu.

Cần tạo ra kênh thông tin thị trường thông qua sự phối hợp giữa các tổ chức trong nước và kiều bào xây dựng mạng lưới cộng tác viên. Hỗ trợ mạng lưới hậu cần cho xuất khẩu như logistics, thẩm định doanh nghiệp đối tác, hỗ trợ các vấn đề pháp lý phát sinh...

Trong khuôn khổ sự kiện còn có các gian hàng giới thiệu các mặt hàng nông sản, hàng thủ công của doanh nghiệp, hợp tác xã tiêu biểu.

Ảnh: Lê Hồng Nhung - Mekong ASEAN

Ảnh: Lê Hồng Nhung - Mekong ASEAN

Ảnh: Lê Hồng Nhung - Mekong ASEAN

Ảnh: Lê Hồng Nhung - Mekong ASEAN

Ảnh: Lê Hồng Nhung - Mekong ASEAN

Ảnh: Lê Hồng Nhung - Mekong ASEAN

Lê Hồng Nhung

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/doanh-nghiep-can-can-trong-trong-viec-dap-ung-chung-chi-halal-xuat-khau-post29864.html