Doanh nghiệp cần chính sách rõ ràng để chuyển đổi xanh

Gần đây, chuyển đổi xanh là cụm từ được các phương tiện truyền thông thường xuyên nhắc đến. Các bộ, ngành, địa phương cũng liên tục tổ chức các hội thảo về chuyển đổi xanh, nhằm hỗ trợ thêm cho doanh nghiệp (DN) các thông tin và lộ trình bắt buộc phải chuyển đổi sang sản xuất xanh để giảm thiểu phát thải, bảo vệ môi trường. Đồng thời, qua đó kết nối các DN, nhà khoa học, quỹ đầu tư, ngân hàng để triển khai những dự án xanh.

Hiện nay, các DN đều nhận thấy rõ tầm quan trọng của chuyển đổi xanh trong quá trình tham gia vào hội nhập sâu. DN muốn xuất khẩu hàng hóa vào thị trường châu Âu, Hoa Kỳ, Nhật Bản… phải đáp ứng hàng rào kỹ thuật đòi hỏi ngày càng khắt khe. Trong đó, hầu hết đều quy định sản phẩm phải thân thiện với môi trường, có nguồn gốc rõ ràng, nhà máy sản xuất có lộ trình giảm phát thải, sử dụng nguyên liệu tái chế, sử dụng năng lượng tái tạo…

Tại Việt Nam, đa số các DN sản xuất lớn, DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đều xây dựng kế hoạch chuyển đổi dần sang sản xuất xanh và bước đầu gặt hái được nhiều kết quả. Tại Đồng Nai đã xuất hiện những nhà máy ứng dụng công nghệ 4.0 vào trong sản xuất nên không có phát thải. Đồng Nai là địa phương được Bộ KH-ĐT chọn triển khai Khu công nghiệp Amata (TP.Biên Hòa) là khu công nghiệp sinh thái theo tiêu chí toàn cầu. Mục tiêu sau khi thành công sẽ nhân rộng ra các khu công nghiệp trên cả nước. Đây là giải pháp để Việt Nam hoàn thành cam kết giảm phát thải về 0 vào năm 2050.

Ngày 13-12-2023, Hội nghị khí hậu COP28 của LHQ tổ chức ở Dubai (Các tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất), hơn 190 nước đã tham gia và thống nhất thỏa thuận kêu gọi thế giới chuyển tiếp khỏi nhiên liệu hóa thạch nhằm ngăn chặn tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu. Theo đó, trong thời gian tới, các nước sẽ đòi hỏi cao hơn với hàng hóa nhập khẩu. DN nếu không kịp thời chuyển đổi sang sản xuất xanh và tăng tỷ lệ sử dụng nguyên liệu tái chế sẽ khó cạnh tranh với mặt hàng cùng loại đến từ các nước.

Tại Việt Nam, nhiều DN ý thức được vấn đề này nên đã từng bước chuyển đổi xanh, nhưng quá trình thực hiện đang gặp nhiều vướng mắc về cơ chế, chính sách. Cụ thể như đầu tư điện mặt trời áp mái nhà (nguồn năng lượng xanh), tái sử dụng nước thải đã qua xử lý trong các nhà máy. Các quy định về sản xuất xanh, tuần hoàn, sử dụng năng lượng tái tạo, nguyên liệu tái chế chưa cụ thể khiến DN không thể áp dụng để đề xuất cấp các chứng chỉ xanh. Đây là rào cản cho các DN khi tham gia sản xuất xanh và cần sớm tháo gỡ.

Khánh Minh

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/kinh-te/202312/doanh-nghiep-can-chinh-sach-ro-rang-de-chuyen-doi-xanh-cb26a2e/