Doanh nghiệp cần có tư duy mở để xây dựng đổi mới sáng tạo mở
Tư duy mở được cho là 'chiếc chìa khóa' giúp các doanh nghiệp sẵn sàng hợp tác với nhau, và tạo dựng niềm tin để đi đến hành động'...
Open Innovation Report 2023 do Sopra Steria (Pháp) phát hành cho biết, đơn vị này đã khảo sát 1.648 công ty khởi nghiệp và doanh nghiệp tại 10 nước châu Âu. Kết quả cho thấy, 72% doanh nghiệp đang hợp tác triển khai dự án đổi mới sáng tạo mở với doanh nghiệp khởi nghiệp, 67% đánh giá hoạt động hợp tác là nhiệm vụ quan trọng với chiến lược phát triển của tổ chức.
Theo Báo cáo Đổi mới sáng tạo và Đầu tư công nghệ Việt Nam năm 2023 do Do Venture công bố chỉ ra, nguồn vốn đầu tư cho doanh nghiệp đổi mới sáng tạo đến từ các tập đoàn kinh tế lớn còn hạn chế. Do đó, tại Việt Nam, các tập đoàn lớn có thể đóng vai trò tích cực hơn trong việc hỗ trợ các công ty khởi nghiệp thông qua đầu tư tài chính hoặc các hình thức khác.
Ông Phạm Hồng Quất - Cục trưởng Cục Phát triển thị trường doanh nghiệp và khoa học và công nghệ NATEC (Bộ Khoa học & Công nghệ) nhận định: “Ở giai đoạn ban đầu, điểm nghẽn lớn mà chúng ta cần phải vượt qua là tư duy mở và niềm tin. Tư duy mở để các doanh nghiệp sẵn sàng hợp tác với nhau, và niềm tin để đi đến hành động”.
Thực tế, các doanh nghiệp khởi nghiệp vốn linh hoạt, thường đi đầu trong việc đưa ra giải pháp, công nghệ mới nhưng thiếu thị trường, còn các tập đoàn lớn đang nhận thấy các khoản đầu tư cho Nghiên cứu & Phát triển (R&D) nội bộ không hiệu quả như kỳ vọng.
“Điều cốt lõi là có những người tiên phong, câu chuyện điển hình, thực hành tốt để làm bệ phóng cho tư duy và niềm tin này phát triển” - ông Phạm Hồng Quất nhấn mạnh.
Trong bối cảnh chuyển đổi xanh, phát triển bền vững đang đặt ra nhiều thách thức, Viện Đổi mới sáng tạo và doanh nhân công nghệ (OITI) đề xuất tổ chức Open Innovation Day (Ngày Đổi mới sáng tạo mở) với chủ đề Tech Traverse hướng tới phát triển bền vững. “Bộ Khoa học & Công nghệ sẽ đồng hành trong việc xây dựng chiến lược, định hướng phát triển mô hình đổi mới sáng tạo mở, thu hút các đối tác trong nước và quốc tế tham gia xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo mở của tập đoàn, liên kết với hệ sinh thái đổi mới sáng tạo quốc gia và quốc tế” - ông Phạm Hồng Quất nói về vai trò của Bộ Khoa học & Công nghệ.
Open Innovation Day 2023 được tổ chức theo mô hình hoạt động của một trung tâm đổi mới sáng tạo mở (Open Innovation Hub) trong thực tế, nơi người tham gia có thể tiếp cận thông qua 3 concept ‘MỞ”: “Kết nối” thể hiện qua sự sắp xếp năng động giữa các phần trình bày về Thách Thức (Challenge) từ các Tập đoàn và Giải pháp sáng tạo (Use case) từ các Startup; “Chia sẻ” thể hiện qua việc khuyến khích những nhà lãnh đạo chia sẻ kế hoạch phát triển của doanh nghiệp bám sát các xu hướng về khoa học - công nghệ và thị trường đang dẫn dắt các ngành công nghiệp hàng đầu; “Tranh luận” thể hiện qua việc thiết kế các cuộc thảo luận (fireside chat) nơi các nhà chuyên môn trong lĩnh vực thể hiện các quan điểm đa chiều thông qua các kinh nghiệm và góc nhìn độc đáo.
Ngày Đổi mới sáng tạo mở với chủ đề TechTraverse 2023 hướng đến phát triển bền vững nằm trong khuôn khổ các hoạt động hướng tới TECHFEST Quốc gia và Tuần lễ Đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh năm 2023 - WHISE 2023 cũng như góp phần triển khai Đề án 844. Sự kiện diễn ra vào từ ngày 25-26/11 tại Tòa nhà Saigon ICT- Saigontel, Công viên phần mềm Quang Trung, TP. Hồ Chí Minh.
6 chủ đề tại TechTraverse 2023 bao gồm: Đổi mới sáng tạo gắn với ESG kinh doanh bền vững; Đổi mới sáng tạo mở tập đoàn và Startup, Chuyển đổi số dịch chuyển xanh trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng, Logistic và Thương mại điện tử xanh, Nền Kinh tế đại dương bền vững; và Nông nghiệp thông minh và Công nghệ thực phẩm.