Doanh nghiệp cần được hỗ trợ phục hồi sản xuất kinh doanh
Năm 2024, số doanh nghiệp quay lại hoạt động đạt mức cao nhất từ trước đến nay, song cộng đồng doanh nghiệp vẫn cần được hỗ trợ để phục hồi sản xuất kinh doanh.
Doanh nghiệp tái gia nhập thị trường tăng 30,4%
Theo Tổng cục Thống kê, năm 2024, Việt Nam có 233,4 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, tăng 7,1% so với năm 2023. Bên cạnh đó, có 197,9 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 14,7% so với năm 2023.
Trong tổng số 233,4 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay lại thị trường trong năm 2024, có gần 76,2 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 30,4% so với năm 2023. Bình quân một tháng có gần 19,5 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.
Nói về những điểm sáng trong bức tranh doanh nghiệp năm 2024, bà Nguyễn Thị Hương – Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê cho rằng: Các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đã có tác động tích cực đến tâm lý của người dân và cộng đồng doanh nghiệp. Điều này được phản ánh qua số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường trong năm 2024 vẫn đạt mức cao, gấp 1,2 lần số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Bên cạnh đó, số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong năm 2024 đạt mức cao nhất từ trước đến nay, vượt mức 70 nghìn doanh nghiệp tái gia nhập thị trường trong một năm.
Một điểm sáng nữa trong bức tranh doanh nghiệp năm 2024 theo bà Nguyễn Thị Hương đó là, các doanh nghiệp đang hoạt động trong nền kinh tế đã đẩy mạnh mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh hơn so với năm 2023. Theo đó, số vốn đăng ký bổ sung của doanh nghiệp đang hoạt động vào nền kinh tế trong năm 2024 đạt trên 2 triệu tỷ đồng, tăng 3,6% so với năm 2023.
“Đây là một trong những dấu hiệu tích cực, các doanh nghiệp đang hoạt động là những doanh nghiệp đã có trải nghiệm, thích nghi trong nền kinh tế, khi bỏ vốn kinh doanh đồng nghĩa với việc đã nhìn thấy cơ hội kinh doanh” – đại diện Tổng cục Thống kê khẳng định.
Doanh nghiệp vẫn đối mặt với khó khăn
Mặc dù có những điểm sáng, song theo đánh giá của Tổng cục Thống kê, cộng đồng doanh nghiệp vẫn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức thể hiện qua số doanh nghiệp thành lập mới trong năm 2024 giảm 1,4% so với năm 2023. Đặc biệt, trong 2 tháng cuối năm 2024, số doanh nghiệp gia nhập thị trường giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2023.
Theo bà Nguyễn Thị Hương, khó khăn của khu vực doanh nghiệp đến từ việc giá nguyên vật liệu nhập khẩu tăng cao làm ảnh hưởng tới chi phí sản xuất. Bên cạnh đó, sự phát triển của thương mại điện tử cũng khiến nhiều cá nhân không lựa chọn thành lập doanh nghiệp mà chỉ cộng tác và tham gia vào khâu trung gian bán hàng trên những nền tảng số, sàn thương mại điện tử để giảm chi phí hoạt động và tối đa hóa lợi nhuận.
Số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh đã vượt mốc 100 nghìn doanh nghiệp trong năm 2024, phần nào cho thấy những khó khăn của doanh nghiệp vẫn còn hiện hữu. Bên cạnh đó, sức mua và nhu cầu trong nước giảm cũng khiến các doanh nghiệp gặp khó khăn cho đầu ra của sản phẩm. Điều này dẫn đến nhiều doanh nghiệp phải thu hẹp quy mô sản xuất hoặc tạm ngừng kinh doanh trong ngắn hạn.
Theo đánh giá của Tổng cục Thống kê, các vùng động lực quan trọng như Đồng bằng sông Hồng, Đông Nam bộ và 2 cực tăng trưởng là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh có sự sụt giảm về số doanh nghiệp thành lập mới trong năm 2024.
“Có thể thấy, những kết quả ấn tượng về xuất khẩu, sản xuất và thu hút nguồn vốn FDI đã góp phần khẳng định khu vực doanh nghiệp đang có xu hướng phát triển tích cực nhưng vẫn còn khó khăn, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường còn cao, ngành sản xuất đang tồn tại những rủi ro tiềm tàng” – đại diện Tổng cục Thống kê nhận định.
Theo một khảo sát của Tổng cục Thống kê thực hiện vào quý IV/2024, các doanh nghiệp đưa ra đề xuất, nhà nước cần có chính sách giảm áp lực chi phí đầu vào của doanh nghiệp và tạo điều kiện cho doanh nghiệp có nguồn vốn sản xuất kinh doanh. Bên cạnh đó, 42,0% doanh nghiệp kiến nghị nhà nước tiếp tục giảm lãi suất cho vay.
33,3% doanh nghiệp kiến nghị nhà nước cần có các biện pháp nhằm bình ổn giá nguyên vật liệu và năng lượng để doanh nghiệp yên tâm sản xuất. Giải pháp cải cách thủ tục hành chính bao gồm việc rút ngắn thời gian và cắt giảm quy trình xử lý thủ tục hành chính có 25,2% doanh nghiệp kiến nghị.
Bên cạnh đó, để tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh, cộng đồng doanh nghiệp cũng kiến nghị nhà nước có chính sách cụ thể đối với việc thuê đất dùng cho sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, hạn chế việc gia tăng gánh nặng cho doanh nghiệp do giá thuê đất tăng cao. Ngoài các kiến nghị trên, các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng cũng kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương có chính sách thúc đẩy hoạt động xây dựng phát triển để hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng nói chung và sản xuất thép nói riêng có thị trường đầu ra ổn định, lâu dài.
Cộng đồng doanh nghiệp tiếp tục mong muốn cắt giảm thủ tục hành chính, tăng cường điện tử hóa các giao dịch, thủ tục giấy tờ. Hướng dẫn chi tiết, phản hồi nhanh các hồ sơ, giấy tờ của doanh nghiệp đã nộp để doanh nghiệp bổ sung, sửa đổi kịp thời. Từ đó, doanh nghiệp tiết kiệm được thời gian, hoàn tất thủ tục nhanh chóng để triển khai công việc kịp thời và hiệu quả.