Doanh nghiệp cần hỗ trợ trong chuyển đổi 'xanh'

Việc chuyển đổi sang phương tiện sử dụng năng lượng sạch không chỉ giúp giảm thiểu lượng phát thải khí nhà kính mà còn thúc đẩy tiến bộ công nghệ, phát triển vận tải hành khách công cộng. Thông qua đó, sẽ thúc đẩy chuyển đổi xanh trong giao thông đô thị, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững. Tuy nhiên, chỉ có định hướng là chưa đủ, doanh nghiệp vẫn cần thêm những chính sách hỗ trợ để hiện thực hóa những mục tiêu đề ra.

Sống trong ô nhiễm

Theo thống kê, hiện dân số Hà Nội có khoảng 10 triệu người; lượng xe mô tô, xe 2 bánh gần 7 triệu phương tiện, xe ô tô 1,1 triệu phương tiện và khoảng 1,2 triệu phương tiện từ các địa phương lân cận di chuyển. Với mật độ dân số và phương tiện đông đúc, việc kiểm soát phương tiện cá nhân trên địa bàn Hà Nội gặp nhiều khó khăn.

Các nghiên cứu chỉ ra, một trong những nguồn gây ô nhiễm không khí ở Hà Nội và các thành phố lớn của nước ta là từ phương tiện giao thông cá nhân. Tình trạng ô nhiễm không khí gia tăng vào những thời điểm giao mùa, đặc biệt là mùa đông, làm gia tăng các ca nhập viện vì các bệnh liên quan đến phổi.

Hà Nội đặt mục tiêu hoàn thành việc chuyển đổi và phát triển xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh vào năm 2035. Ảnh: Luyện Đinh.

Hà Nội đặt mục tiêu hoàn thành việc chuyển đổi và phát triển xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh vào năm 2035. Ảnh: Luyện Đinh.

Theo PGS.TS Bùi Thị An - Viện trưởng Viện Tài nguyên, Môi trường và Phát triển cộng đồng, nguyên đại biểu Quốc hội khóa XIII, Việt Nam là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề bởi gánh nặng ung thư. Số liệu của Tổ chức Ung thư toàn cầu (GLOBOCAN) năm 2022, tại Việt Nam mỗi năm có khoảng 180.400 ca mắc ung thư mới và hơn 120.000 ca tử vong do ung thư. Trong đó, ung thư phổi đứng thứ 2.

Trước vấn đề ô nhiễm không khí, Hà Nội đã ban hành Kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí đến năm 2030, định hướng đến năm 2050. Theo đó, Hà Nội đưa ra mục tiêu phấn đấu tới năm 2030, ít nhất 75 - 80% số ngày trong năm có chỉ số chất lượng không khí ở mức tốt và trung bình, giảm khoảng 20% lượng bụi PM2.5 từ các nguồn thải chính so với năm 2019, tương đương khoảng 6.200 tấn bụi PM2.5.

Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu trên, vấn đề quan trọng nhất mà Hà Nội cần làm là giảm các nguồn phát thải gây ô nhiễm không khí. Trong đó, khí thải từ hoạt động giao thông là mục tiêu hàng đầu, mà cụ thể là giảm thiểu phương tiện cá nhân, tăng phương tiện công cộng; giảm phương tiện sử dụng nhiên liệu có nguốn gốc hóa thạch thay bằng phương tiện xanh thân thiện với môi trường.

Trên cơ sở này, Hà Nội đã phê duyệt “Đề án phát triển hệ thống giao thông vận tải công cộng bằng xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh trên địa bàn Thành phố”. Theo đó, lộ trình chuyển đổi và phát triển xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh trên địa bàn thành phố Hà Nội đạt khoảng 70 - 90% vào năm 2030 và đạt 100% vào năm 2035. Như vậy, mục tiêu “xanh hóa” xe buýt của thành phố Hà Nội sẽ về đích trước 15 năm so với yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ đặt ra tại Quyết định số 876/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí các bon và khí mê tan của ngành Giao thông vận tải (đạt 100% vào năm 2050).

Đánh giá khách quan về công tác chuyển đổi phương tiện “xanh”, TS. Hoàng Dương Tùng - Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam, nguyên Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường cho rằng việc chuyển đổi là khó chứ không phải dễ, tuy nhiên điều này lại rất cần thiết. Ở một số quốc gia, vấn đề này đã trở thành mệnh lệnh chứ không đơn thuần là ý thức. Bởi, nếu không chuyển đổi giao thông “xanh”, ô nhiễm môi trường tiếp tục gây nguy hại đến sức khỏe con người, như vậy sẽ tổn thất rất lớn đối với sức khỏe, kinh tế, môi trường.

Quan tâm hỗ trợ nguồn vốn vay ưu đãi

Theo các chuyên gia giao thông, những vấn đề như công nghệ, hạ tầng, quản trị, nhận thức, thói quen… là những góc cạnh cần quan tâm để thời gian tới thực hiện chuyển đổi “xanh” trong ngành giao thông vận tải “cán đích”. Thực tế, các nước phát triển đã đưa ra tiêu chuẩn, thể chế chính sách để tạo chuyển đổi “xanh” nhất là trong lĩnh vực công nghệ. Cùng với đó là phát triển thương mại hóa các sản phẩm công nghệ nhằm giảm giá thành để phương tiện giao thông đường bộ chuyển sang sử dụng công nghệ, nhiên liệu “xanh” được hỗ trợ tài chính hợp lý.

Ông Thái Hồ Phương - Giám đốc Trung tâm Điều hành giao thông công cộng nhận định, việc chuyển đổi phương tiện “xanh” là tất yếu và mang lại lợi ích tương đối rõ rệt. Cụ thể, thời gian qua 10 tuyến buýt “xanh” của Hà Nội khi đi vào hoạt động đã giảm phát thải 36,5 nghìn tấn CO2, tương đương trồng 1,68 triệu cây xanh.

Ông Thái Hồ Phương cũng nhấn mạnh, qua việc đưa vào sử dụng xe buýt “xanh”, tuyến đường sắt đô thị “xanh” và trợ giá để người dân chuyển đổi “xanh”. Điều này cho thấy, Nhà nước, Thành phố và cả các doanh nghiệp cũng rất tích cực tham gia vào khâu chuyển đổi “xanh” của Thủ đô.

Được biết, theo lộ trình đưa ra của Hà Nội, ngay đầu năm 2025, có 4 đơn vị vận tải, gồm: Tổng công ty Vận tải Hà Nội (Transerco), Công ty cổ phần Vận tải Newway, Công ty Liên doanh vận chuyển quốc tế Hải Vân, Công ty TNHH Du lịch dịch vụ xây dựng Bảo Yến sẽ vận hành thí điểm 5 tuyến buýt điện với 76 xe (11 xe loại nhỏ, 65 xe loại trung bình) để xây dựng định mức, đơn giá. Ngoài ra, với các tuyến buýt hết hạn thầu trong năm 2025, dự kiến sẽ chuyển đổi đối với các phương tiện buýt cỡ lớn chạy bằng dầu diesel sang xe buýt điện cỡ lớn (đã có định mức, đơn giá). Tổng số phương tiện dự kiến chuyển đổi trong năm 2025 là 103 xe, đạt 5%.

Trong giai đoạn 2026 - 2030 sẽ chuyển đổi 1.813 xe. Tỷ lệ chuyển đổi phương tiện sử dụng điện, năng lượng xanh đến năm 2030 dự kiến đạt 93,4% tổng số phương tiện chuyển đổi. Giai đoạn 2031 - 2035 chuyển đổi 238 xe. Dự kiến đến năm 2035, tỷ lệ chuyển đổi phương tiện sử dụng điện, năng lượng “xanh” đạt 100%. Theo tính toán của các cơ quan chức năng, để “xanh hóa” xe buýt như lộ trình nêu trên, Hà Nội cần 48.625 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách Thành phố cần 35.996 tỷ đồng. Còn lại 12.629 tỷ đồng doanh nghiệp phải tự bố trí để mua phương tiện; chi trả một phần chi phí lãi vay; đầu tư hạ tầng trạm sạc…

Với khối lượng công việc khi chuyển đổi phương tiện “xanh” lớn và nhiều, TS. Hoàng Dương Tùng cho rằng, điều quan trọng nhất để thực hiện được việc này chính là quyết tâm. Phải có quyết tâm thực hiện bởi kể cả có giải pháp gì nữa mà không có quyết tâm thì thực hiện đều rất khó.

Luyện Đinh

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/doanh-nghiep-can-ho-tro-trong-chuyen-doi-xanh-182295.html