Doanh nghiệp cần làm gì để kiểm soát chất ethylene oxide trong thực phẩm?

Theo Văn phòng SPS Việt Nam, quy định về chất ethylene oxide trong thực phẩm của mỗi thị trường là khác nhau. Vì vậy, doanh nghiệp cần tuân thủ đúng quy định về mức dư lượng tối đa cho phép đối với thuốc bảo vệ thực vật của từng thị trường và kiểm soát chặt đầu vào để tránh vi phạm.

SPS Việt Nam là Văn phòng thông báo và điểm hỏi đáp quốc gia về vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động thực vật Việt Nam. Văn phòng này cũng khuyến cáo doanh nghiệp kiểm soát chặt chẽ hồ sơ lưu trữ sản xuất, truy xuất nguồn gốc, đồng thời thường xuyên cập nhật các thông báo thay đổi về SPS (biện pháp vệ sinh và kiểm dịch động – thực vật) để có hướng sản xuất đáp ứng yêu cầu của thị trường xuất khẩu.

Các thị trường có quy định khác nhau về chất EO

Thời gian vừa qua, liên tục xuất hiện các thông tin một số sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam bị thu hồi vì phát hiện có chứa dư lượng ethylene oxide (EO), nhiều người thắc mắc, tại sao chất EO bị cấm sử dụng tại một số quốc gia, đặc biệt ở các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) nhưng một số doanh nghiệp vẫn sử dụng trong quá trình sản xuất thực phẩm.

Trao đổi với KTSG Online về vấn đề này, tiến sĩ Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng Văn phòng SPS Việt Nam, cho rằng mọi người cần hiểu đúng về những thông tin liên quan đến việc các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam bị cảnh báo về dư lượng EO.

Cụ thể, tại Việt Nam, trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật cấm sử dụng tại Việt Nam, theo thông tư số 19 ngày 28-12-2021 của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn ban hành, chất ethylene oxide không nằm trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật được đăng ký sử dụng và EO cũng không thuộc danh mục được quy định về giới hạn tối đa dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong thực phẩm theo Thông tư 50/2016/TT-BYT của Bộ Y tế.

Tuy nhiên, tại các thị trường như EU, Hàn Quốc, Canada và Mỹ quy định về EO hoặc 2-chloroethanol là khác nhau.

Với thị trường EU, theo quy định về việc áp dụng tạm thời các biện pháp kiểm soát chính thức và khẩn cấp một số thực phẩm được nhập khẩu vào thị trường này, quy định ngưỡng tồn dư tối đa (MRL) của EO của gia vị là 0,1 ppm, các loại thảo mộc 0,05 ppm, tỏi, hành tây, ớt bột và cà chua là 0,02 ppm…

Với thị trường Hàn Quốc, giới hạn tạm thời đối với 2-chloroethanol là 30 ppm trong thực phẩm thông thường, 10 ppm với thực phẩm cho trẻ sơ sinh. Tại Mỹ và Canada, quy định EO đối với các loại rau khô và hạt khô; hạt có dầu quy định ngưỡng tồn dư tối đa là EO là 7 ppm và 2-chloroethanol là 940 ppm.

Ngoài ra, hiện Việt Nam chưa ban hành quy định cho phép, cấm sử dụng EO trong sản xuất nông nghiệp hay giới hạn dư lượng EO cho phép trong thực phẩm. Vì vậy, mức giới hạn dư lượng EO cho phép đối với cùng một mặt hàng thực phẩm có thể đáp ứng quy định của quốc gia, khu vực này nhưng lại vượt ngưỡng cho phép của các quốc gia khác.

Đây là một yếu tố các doanh nghiệp cần nghiên cứu, thường xuyên cập nhật thông tin để kiểm soát tiêu chuẩn sản phẩm trước khi xuất khẩu.

Một số sản phẩm mì ăn liền xuất khẩu từ Việt Nam bị EU phát hiện có dư lượng Ethylene oxide quá ngưỡng cho phép. Ảnh: Freepik

Một số sản phẩm mì ăn liền xuất khẩu từ Việt Nam bị EU phát hiện có dư lượng Ethylene oxide quá ngưỡng cho phép. Ảnh: Freepik

Kiểm soát chặt nguyên liệu đầu vào

Để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng trong nước cũng như giảm thiểu mức độ rủi ro cho doanh nghiệp khi xuất khẩu sản phẩm ra nước ngoài, Phó giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam khuyến cáo, các doanh nghiệp cần biết quy định các biện pháp SPS của mỗi thị trường là khác nhau.

Chẳng hạn như với quả táo, khi xuất khẩu sang nước A có thể đáp ứng yêu cầu về kiểm dịch nhưng khi xuất sang nước B có thể không được đáp ứng yêu cầu kiểm dịch, vì việc kiểm soát dịch bệnh của mỗi quốc gia là khác nhau.

“Điều này hoàn toàn dựa trên cơ sở khoa học và có đánh giá rủi ro, không phải là các quốc gia tự áp đặt. Vì vậy, các doanh nghiệp cần chú ý và hiểu đúng các quy định của từng thị trường để tổ chức quy trình sản xuất đúng”, ông Nam lưu ý.

Nhằm giải quyết bài toán về sản phẩm an toàn và đáp ứng được yêu cầu của thị trường, các doanh nghiệp cũng phải xây dựng được các chuỗi liên kết giữa nhà sản xuất, hợp tác xã, hộ nông dân trong vùng nguyên liệu để kiểm soát chặt các mối nguy mất an toàn thực phẩm, an toàn toàn dịch bệnh để đáp ứng yêu cầu của thị trường.

“Nếu doanh nghiệp chỉ có lập nhà máy và thu mua nguyên liệu không rõ nguồn gốc thì tôi khẳng định nguy cơ rủi ro rất có thể xảy ra”, ông Nam cho biết.

Để đảm bảo đáp ứng yêu cầu của thị trường, doanh nghiệp cũng phải tuyệt đối tuân thủ quy định về hồ sơ lưu trữ trong quá trình sản xuất, quy định bao bì, nhãn mác, truy xuất nguồn gốc…

Theo các quy định hiện hành, khi xảy ra sự cố mất an toàn thực phẩm, việc truy xuất nguồn gốc, truy xuất về hồ sơ, tài liệu rất quan trọng bởi điều này giúp doanh nghiệp tìm ra được mối nguy và đưa hướng giải quyết kịp thời, tránh trường hợp không truy xuất được nguồn gốc, không nắm được nguyên nhân do khâu sản xuất nào.

Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam cũng khuyến cáo, các nhà sản xuất cần kiểm soát được nguyên liệu đầu vào, tuyệt đối không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật mà thị trường nhập khẩu cấm sử dụng và tuân thủ chặt chẽ mức dư lượng tối đa cho phép đối với thuốc bảo vệ thực vật theo quy định của thị trường.

Bên cạnh đó chỉ sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong danh mục được phép sử dụng theo quy định của pháp luật của Việt Nam, đồng thời tuân thủ nghiêm ngặt theo hướng dẫn sử dụng là đúng thuốc, đúng lúc, đúng liều lượng và nồng độ, đúng cách và thời gian cách ly.

Doanh nghiệp cũng phải kiểm soát được các biện pháp sản xuất nông nghiệp theo hướng thực hành nông nghiệp tốt như tiêu chuẩn VietGAP, AseanGAP hoặc GlobalGAP… nhằm hướng tới nền nông nghiệp xanh, nông nghiệp sinh thái và nông nghiệp bền vững.

Ngoài ra, doanh nghiệp nên phối hợp chặt chẽ với Văn phòng SPS Việt Nam, các cơ quan có thẩm quyền, hiệp hội ngành hàng để thường xuyên cập nhật thông tin thị trường. Việc thường xuyên cập nhật thông tin thông báo về dự thảo và những thay đổi về biện pháp SPS của thành viên WTO (Tổ chức thương mại thế giới) là rất cần thiết để có định hướng tổ chức sản xuất nhằm đáp ứng yêu cầu của thị trường nhập khẩu.

Vừa qua, Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Đài Loan thông báo, sản phẩm mì gói Omachi hương vị tôm chua do Công ty TNHH Qianyu nhập khẩu từ Việt Nam bị phát hiện có chứa ethylene oxide. Cơ quan này đã yêu cầu thu hồi để tiêu hủy. Đây không phải lần đầu tiên các sản phẩm mì gói của Việt Nam xuất khẩu sang nước ngoài bị thu hồi vì dư hàm lượng hóa chất.Trước đó, ngày 20-8-2021, Cơ quan an toàn thực phẩm Ireland (FSAI) tuyên bố thu hồi một số lô hàng mì ăn liền Hảo Hảo vị tôm chua cay và miến Good vị sườn heo do công ty Acecook Việt Nam sản xuất. Không lâu sau, Liên minh châu Âu (EU) tiếp tục đưa cảnh báo sản phẩm mì khô vị bò gà (có tên tiếng Anh là “Dried noodles with chicken and beefspices”) của Công ty cổ phần thực phẩm Thiên Hương và thu hồi lại mặt hàng này ở thị trường Na Uy.

Nguồn Sài Gòn Tiếp Thị: https://www.sgtiepthi.vn/doanh-nghiep-can-lam-gi-de-kiem-soat-chat-ethylene-oxide-trong-thuc-pham/