Doanh nghiệp cần nắm vững pháp lý khi tranh chấp xuyên biên giới

Hoạt động thương mại, đầu tư ra nước ngoài có nhiều cơ hội nhưng cũng đi kèm rủi ro khi xảy ra tranh chấp. Vì vậy, khi 'vươn ra biển lớn', các doanh nghiệp Việt cần có những bộ kỹ năng cần thiết để phòng ngừa, quản lý rủi ro pháp lý, xử lý tranh chấp trong thương mại quốc tế.

Chuỗi sự kiện VIAC Symposium 2024, với chủ đề “Doanh nghiệp Việt Nam vươn ra quốc tế trong bối cảnh kinh tế biến động

Chuỗi sự kiện VIAC Symposium 2024, với chủ đề “Doanh nghiệp Việt Nam vươn ra quốc tế trong bối cảnh kinh tế biến động

Những thông tin đáng lưu ý trên được các chuyên gia, doanh nghiệp chia sẻ trong hai ngày 26, 27/6 tại sự kiện VIAC SYMPOSIUM 2024 được tổ chức với chủ đề “Thương mại và đầu tư xuyên biên giới trong thời kỳ kinh tế biến động: Tranh chấp và Trọng tài”.

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) cho biết những năm qua, hoạt động thương mại và đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế.

Nông sản, ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam gia tăng cả về số lượng và giá cả tăng mạnh. Hoạt động đầu tư ra nước ngoài đều đặn có lợi nhuận chuyển về nước cho thấy doanh nghiệp Việt Nam vươn ra biển lớn, góp phần thu ngoại tệ về cho đất nước, góp phần vào cán cân thanh toán quốc gia, ổn định tiền tệ quốc gia.

Ông Vũ Tiến Lộc đồng thời khẳng định: “Thời đại của chúng ta đang sống hiện giờ là thời đại của thế giới phẳng, là thế giới với biên giới số, đặt ra câu hỏi cho chúng ta về bản sắc Việt Nam trong lĩnh vực kinh tế. Chúng ta cần phải có nhiều hơn những doanh nghiệp Việt Nam tiên phong, bơi ra biển lớn, sẵn sàng và kiên trì với cạnh tranh toàn cầu để thực hiện được khát vọng hùng cường của đất nước. Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng từng nói: “Không Make in Việt Nam thì Việt Nam không thể tự cường. Không Make in Việt Nam thì chúng ta không thể thịnh vượng

Bên cạnh đó, sự dịch chuyển chuỗi cung ứng, xu hướng đa dạng hóa nguồn cung, hay nhu cầu tiêu dùng mới đang mở ra cánh cửa cho các doanh nghiệp Việt Nam vươn ra thị trường quốc tế. Vì vậy, ông Lộc cho rằng, việc nắm bắt và tận dụng những cơ hội này đòi hỏi các doanh nghiệp phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về mặt pháp lý, cũng như chiến lược linh hoạt và khả năng thích ứng nhanh chóng với các thay đổi của thị trường.

Ông Vũ Văn Chung, Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ KH&ĐT, cho biết tính đến nay, Việt Nam có 1.733 dự án đầu tư ra nước ngoài, đầu tư tại 81 quốc gia/vùng lãnh thổ, tổng vốn hơn 22 tỉ USD.

Thời điểm hiện tại, Việt Nam đã ký kết với gần 80 quốc gia/vùng lãnh thổ về hiệp định khuyến khích và bảo vệ đầu tư; khoảng 80 quốc gia/vùng lãnh thổ về hiệp định tránh đánh thuế 2 lần. Đây là 2 nội dung rất quan trọng để bảo vệ, bảo hộ cho hoạt động đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp Việt.

Tuy nhiên, theo ông Vũ Văn Chung, nhiều doanh nghiệp chưa quan tâm đúng mức tới việc nghiên cứu, tìm hiểu cơ chế, chính sách pháp luật của thị trường quốc tế, dễ gặp phải rủi ro pháp lý.

" Doanh nghiệp Việt cần phải nắm chắc các vấn đề pháp lý, đặc biệt, doanh nghiệp cần cẩn trọng khi đầu tư sang những địa bàn có điều kiện khó khăn, nền tảng pháp lý chưa thực sự tốt. Có trường hợp kiện ra tòa cũng không giải quyết được vì người bị kiện không có khả năng đáp ứng yêu cầu, thậm chí không có cơ chế để buộc họ phải tuân thủ phán quyết.' - ông Chung Khuyến nghị.

Liên quan đến vấn đề này, PGS.TS Phạm Duy Nghĩa, Giám đốc Chương trình chính sách công, Đại học Fulbright Việt Nam, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Đào tạo Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIART) trực thuộc VIAC cho biết, những lĩnh vực được doanh nghiệp Việt chú trọng đầu tư thời điểm này có thể kể đến như dầu khí, ga, khai khoáng, nông lâm nghiệp, thương mại, bất động sản, xây dựng...

Ông Nghĩa cho rằng, cơ hội luôn đi kèm rủi ro, đặc biệt là các rủi ro chính trị, chính sách, pháp luật. Đây là rủi ro phi thị trường thường trực nhất mà các nhà đầu tư cần phải biết. Theo ông Nghĩa, các doanh nghiệp có quy mô nhỏ, mới trưởng thành từ thị trường nội địa, nếu chưa đủ kinh nghiệm chủ động tài trợ chính trị, đối thoại, vận động chính sách ở nước nhận đầu tư thì nên chọn chiến lược ưu tiên rà soát trước khi gia nhập thị trường. Bên cnahj đó, cần quan sát các doanh nghiệp đi trước, xem cách họ ứng xử với chính quyền nước nhận đầu tư, từ đó rút ra kinh nghiệm cho đơn vị mình.

Từ góc độ doanh nghiệp, bà Quách Thúy An - PGĐ Công ty CP Headway Việt Nam, cho biết: "Doanh nghiệp Việt Nam hiện nay đang gặp khó khăn về rào cản pháp lý. Để xuất khẩu, doanh nghiệp Việt Nam cần đầu tư về nguồn nhân lực, nắm rõ về nước nhập khẩu, các thủ tục để đảm bảo lô hàng được thông quan".

Việt Nam đã tham gia 19 FTA song phương và đa phương với hầu hết các nền kinh tế trên thế giới. Đây là những cơ hội thuận lợi cho doanh nghiệp khi thâm nhập vào thị trường quốc tế.Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội là rất nhiều thách thức. Ngoài các tiêu chuẩn quốc tế, các vấn đề về rủi ro pháp lý khi xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang các thị trường chủ lực đang là những rào cản hiện nay.

Chia sẻ về những vụ việc tranh chấp trong thời gian vừa qua, ông Vũ Ánh Dương, Tổng thư ký VIAC dẫn con số trong giai đoạn 1993-2023, VIAC tiếp nhận 2.940 vụ tranh chấp với tổng giá trị tranh chấp hơn 2,7 tỉ USD, tương đương hơn 63.000 tỉ đồng. Trong đó, hơn 46% tranh chấp trong nước, còn lại là tranh chấp có ít nhất một bên là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) hoặc một bên là doanh nghiệp nước ngoài.

Theo ông Dương, khi đầu tư ra nước ngoài, doanh nghiệp cần nghiên cứu và cân nhắc lựa chọn cơ chế tài phán để bảo vệ mình trong trường hợp có rủi ro tranh chấp. Doanh nghiệp nếu muốn giải quyết tranh chấp bằng trọng tài kinh tế thì cần đưa thỏa thuận trọng tài vào hợp đồng và phải chỉ rõ tên tổ chức trọng tài hoặc hình thức trọng tài. Các doanh nghiệp có thể sử dụng điều khoản trọng tài mẫu của các trung tâm trọng tài.

Để hỗ trợ doanh nghiệp phòng ngừa tranh chấp, lừa đảo trong thương mại quốc tế, ông Ngô Khắc Lễ, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), Phó Tổng thư ký Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam cho biết, doanh nghiệp nên chỉ định ngân hàng quốc tế có uy tín tại nước nhập khẩu để thu tiền, ký hậu vận đơn, chi phí tăng thêm không đáng kể so với trị giá lô hàng để bảo đảm an toàn.

Với đối tác mới giao dịch lần đầu thì cần tìm hiểu, điều tra kỹ thương nhân để có độ an toàn cao nhất. Doanh nghiệp cũng nên chủ động gửi đăng ký kinh doanh của mình trước cho đối tác để có cơ sở đề nghị họ gửi đăng ký kinh doanh và coi đây là việc bình thường khi giao dịch, qua đó biết được thông tin của đối tác.

Ngoài ra, doanh nghiệp có thể tìm hiểu đối tác qua sự giúp đỡ của đại sứ quán, thương vụ Việt Nam ở nước sở tại. Lựa chọn đối tác gần như là khâu quyết định của các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, đối tác có uy tín, làm ăn lâu năm thì dù giá có tăng hay giảm, họ vẫn duy trì hợp đồng.

“Doanh nghiệp nên dùng Trọng tài giải quyết tranh chấp thay cho Tòa án như các doanh nghiệp trong vụ việc này đã thỏa thuận trong hợp đồng để linh hoạt và nhanh chóng khi sự việc xảy ra. Đồng thời, phối hợp chặt trẽ, nhanh chóng với các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài như trong vụ việc này để hạn chế hoặc tránh thiệt hại”, ông Lễ nhấn mạnh.

Hà An

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/doanh-nghiep-can-nam-vung-phap-ly-khi-tranh-chap-xuyen-bien-gioi-152971.html