Doanh nghiệp cần tích cực tham gia vào 'Cuộc đua xanh toàn cầu'

Doanh nghiệp dù ở quy mô nào, trong lĩnh vực nào cũng đều có cơ hội, vị thế, tiềm năng và hứa hẹn có những đóng góp trong 'Cuộc đua xanh toàn cầu.'

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà phát biểu chỉ đạo tại Diễn đàn Doanh nghiệp Phát triển bền vững Việt Nam năm 2023. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà phát biểu chỉ đạo tại Diễn đàn Doanh nghiệp Phát triển bền vững Việt Nam năm 2023. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Các chuyên gia cho rằng, các doanh nghiệp giữ vai trò hết sức quan trọng trong việc giảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ tài nguyên, đa dạng sinh học, hướng tới phát triển bền vững.

Thông tin trên được đưa ra tại Diễn đàn Doanh nghiệp Phát triển bền vững Việt Nam thường niên lần thứ 10 (VCSF) với chủ đề “Cuộc đua xanh toàn cầu: Từ chiến lược đến thực hành kinh doanh bền vững” do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Hội đồng Doanh nghiệp vì sự Phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD) tổ chức ngày 23/8.

Cuộc đua xanh toàn cầu

Phát biểu chỉ đạo tại diễn đàn, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà nhấn mạnh phát triển bền vững phải gắn với phát triển bao trùm trên 3 trụ cột: Phát triển bền vững kinh tế, Phát triển bền vững xã hội, văn hóa và con người và Phát triển bền vững môi trường. Theo đó, tất cả doanh nghiệp, dù ở quy mô nào, trong lĩnh vực nào cũng đều có cơ hội, vị thế, tiềm năng và hứa hẹn có nhiều đóng góp trong "Cuộc đua xanh toàn cầu."

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng đánh giá cao sáng kiến Bộ chỉ số doanh nghiệp bền vững (CSI) của VBCSD-VCCI đang được áp dụng rộng rãi trong cộng đồng doanh nghiệp.

Phó Thủ tướng khẳng định Chính phủ sẽ tiếp tục chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp thúc đẩy thực hiện hiệu quả về mục tiêu phát triển bền vững trên tất cả những lĩnh vực, trong đó tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp thực hành các giải pháp này.

“Các hành động và chính sách tích cực sẽ được tiếp tục lồng ghép vào các chiến lược, kế hoạch, chính sách đầu tư trong từng ngành, lĩnh vực kinh tế-xã hội,” Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Tháng 9/2023, Hội nghị thượng đỉnh về phát triển bền vững (SDG) của Liên hợp quốc sẽ diễn ra tại New York, Mỹ với mục tiêu rà soát lại một nửa chặng đường đã qua trong tiến trình thực hiện Chương trình nghị sự 2030 đồng thời vạch ra kế hoạch tăng tốc hành động hướng tới 17 Mục tiêu SDG.

Tại cột mốc này, thế giới vẫn đang đối mặt với ngày càng nhiều thách thức đến từ biến đổi khí hậu, khủng hoảng an ninh lương thực, an ninh năng lượng, bệnh dịch, suy giảm kinh tế toàn cầu, bất ổn địa chính trị... Đặc biệt là sự suy giảm đa dạng sinh học, cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, biến đổi khí hậu tạo ra những sức ép nặng nề hơn cả cho nhân loại.

Trước những thách thức đó, toàn cầu cùng hướng tới xây dựng tương lai xanh, phát triển bền vững. Với trách nhiệm quốc tế, Việt Nam cam kết không tăng trưởng bằng mọi giá, không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng.

Diễn đàn VCSF kỷ niệm 10 năm nỗ lực bền bỉ với nhiều đề xuất sáng kiến đồng thời thúc đẩy đối thoại giữa Chính phủ và doanh nghiệp trong phát triển bền vững. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Diễn đàn VCSF kỷ niệm 10 năm nỗ lực bền bỉ với nhiều đề xuất sáng kiến đồng thời thúc đẩy đối thoại giữa Chính phủ và doanh nghiệp trong phát triển bền vững. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), chia sẻ Việt Nam đang nỗ lực, khẩn trương chuyển đổi, thúc đẩy mô hình tăng trưởng xanh, bền vững, kinh tế tuần hoàn với phát thải carbon thấp, bảo vệ tài nguyên cùng sự đa dạng sinh học.

Trong phát triển xanh, ông Phạm Tấn Công nhấn mạnh khu vực doanh nghiệp giữ vai trò hết sức quan trọng. Cụ thể, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp quyết định mức phát thải khí nhà kính. Do đó, doanh nghiệp vừa là chủ thể vừa là tác nhân tác động tới biến đổi khí hậu.

“Hơn lúc nào hết, các doanh nghiệp cần phải tăng tốc hành động hướng tới mô hình sản xuất kinh doanh có trách nhiệm và bền vững,” ông Phạm Tấn Công nói.

Cân bằng tốt hơn các mục tiêu phát triển

Tại diễn đàn, các đại biểu đã được chia sẻ nhiều thông tin cập nhật các nội dung: Định hướng hỗ trợ phát triển kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế, góp phần thúc đẩy tăng trưởng xanh; Hiện thực hóa Kế hoạch hành động quốc gia về Tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030: Thách thức và cơ hội; Xây dựng mô hình kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam: Các công cụ chính sách hiện nay, khoảng cách giữa Việt Nam và thế giới và khuyến nghị cho doanh nghiệp.

Đại diện Ngân hàng Thế giới, bà Zayra Romo, Trưởng Chương trình Hạ tầng, Chuyên gia trưởng về Năng lượng, chỉ ra để đạt được mức thu nhập cao, Việt Nam cần phải vượt qua tốc độ tăng trưởng lịch sử đã đạt được trong giai đoạn 1990-2020 và sẽ cần nhiều năng lượng hơn.

Theo bà, trong hai thập kỷ qua, Việt Nam là một trong những quốc gia có mức phát thải khí nhà kính tính theo đầu người tăng nhanh trên thế giới. Cụ thể, từ năm 2000-2015, GDP bình quân đầu người tăng từ 390 USD lên 2.000 USD đồng thời lượng khí thải CO2 tăng gần gấp bốn lần.

“Lượng phát thải khí nhà kính của Việt Nam có liên quan đến tình trạng ô nhiễm không khí độc hại, ảnh hưởng đến sức khỏe và năng suất lao động. Trong đó, ngành điện là nguồn phát thải khí nhà kính lớn nhất ở Việt Nam; tiếp theo là công nghiệp và giao thông vận tải,” bà Bà Zayra Romo nói.

Trên cơ sở đó, đại diện đến từ Ngân hàng Thế giới kiến nghị Việt Nam cần cân bằng tốt hơn các mục tiêu phát triển với rủi ro khí hậu ngày càng gia tăng bằng cách xây dựng mô hình phát triển mới dựa trên hai lộ trình được kết nối với nhau. Cụ thể, lộ trình tăng cường khả năng chống chịu (trong đó tăng cường khả năng chống chịu khí hậu có ý nghĩa rất quan trọng cho sự phát triển trong tương lai) và lộ trình khử carbon. Hiện, Việt Nam đóng góp khoảng 0,8% lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu nhưng quá trình khử carbon chính là vì lợi ích cạnh tranh của quốc gia.

Ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Binu Jacob, Tổng Giám đốc Nestlé Việt Nam, đồng Chủ tịch VBCSD đã trình bày về “Sáng tạo và Phát triển bền vững: Thúc đẩy chuyển đổi kép trong doanh nghiệp.”

Qua đó, ông Binu Jacob đưa ra sáng kiến thúc đẩy nỗ lực phát triển bền vững thông qua đổi mới sáng tạo nhằm tạo tác động tích cực đến môi trường và xã hội.

Bên cạnh đó, các diễn giả cũng đưa ra các giải pháp và kiến nghị chính sách hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp thực hiện hiệu quả hơn các mô hình sản xuất kinh doanh phát thải thấp, tăng cường chuỗi cung ứng bền vững...

Ban tổ chức cho biết các kiến nghị trên sẽ được VBCSD-VCCI tập hợp và báo cáo lên Chính phủ, làm đầu vào cho việc hoạch định các chính sách mới./.

/.

Hạnh Nguyễn (Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/doanh-nghiep-can-tich-cuc-tham-gia-vao-cuoc-dua-xanh-toan-cau/890712.vnp