Doanh nghiệp cần 'trợ thở' và hỗ trợ 'mềm'

Đại dịch được dự báo còn kéo dài dai dẳng, điều doanh nghiệp kỳ vọng là được 'trợ thở' như hỗ trợ về chi phí vật chất và hỗ trợ 'mềm' như đơn giản hóa thủ tục, rút ngắn thời gian...

Doanh nghiệp mong muốn hỗ trợ trực tiếp và thiết thực với chính sách đủ lớn.

Tại Diễn đàn Thuế - Hải quan 2021 với chủ đề “Chính sách thuế - hải quan đồng hành cùng doanh nghiệp” tổ chức ngày 15/12, ông Phan Đức Hiếu, Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhìn nhận, những chính sách hỗ trợ thời gian qua phần nào đồng hành, hóa giải khó khăn cho doanh nghiệp nhưng vẫn tạo ra nguồn thu, dư địa để Chính phủ tiếp tục có thể có những biện pháp tiếp theo.

Tuy nhiên, “liệu chúng ta có thể đi trước doanh nghiệp, để tạo ra những dư địa tốt hơn mà không phải đi song song hoặc đi thụt lùi được không”, ông Hiếu đặt vấn đề.

NẶNG GÁNH CHI PHÍ, TƯƠNG LAI NHIỀU BẤT ĐỊNH

Ông Phan Đức Hiếu chỉ rõ, cạn kiệt dòng tiền là một trong những khó khăn lớn của doanh nghiệp khi doanh thu bị sụt giảm, hoạt động sản xuất kinh doanh không duy trì liên tục nhưng chi phí doanh nghiệp phải bỏ ra không giảm, thậm chí còn tăng.

Cụ thể, ngoài chi phí sản xuất kinh doanh bình thường, doanh nghiệp phải chi thêm để kiểm soát dịch bệnh. Ông Hiếu dẫn chứng, doanh nghiệp phải test Covid-19 thường xuyên cho lao động, nếu chỉ có 10 lao động thì không đáng kể nhưng nếu có 1.000, 10.000 lao động, chi phí vô cùng lớn. Chưa kể sản xuất trong bối cảnh dịch bệnh, tài sản của doanh nghiệp không được khai thác đầy đủ, đó cũng là thiệt hại.

Bên cạnh đó, dưới tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, phí logistics tăng phi mã, thậm chí, có cước vận tải tăng gấp 10 lần. Đại diện Công ty May 10 gần đây chia sẻ, những phí, phụ phí đếm không xuể, thậm chí lên đến 10 loại và có những phí rất khó hiểu như phí cân bằng container chẳng hạn.

Ngoài ra, chưa biết đến khi nào Covid-19 sẽ đi qua và những biến thể biến thể mới, tương lai rất bất định và không thể dự báo trước, khiến doanh nghiệp vẫn bị khó khăn "bủa vây".

DOANH NGHIỆP CẦN HỖ TRỢ TIỀN VÀ THỜI GIAN

Theo TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), các chính sách hỗ trợ thời gian qua còn thiếu đồng bộ, hiệu quả thấp. Một số chính sách đưa ra thời gian thực hiện ngắn và chưa tạo sự chủ động cho các doanh nghiệp, người dân trong tiếp cận chính sách.

“Cứu doanh nghiệp, duy trì hoạt động của doanh nghiệp cần đi cùng với chính sách thúc đẩy nâng cao năng lực cạnh tranh ngay trong bối cảnh của đại dịch, chứ không phải chờ cho đến khi đại dịch qua đi, kết hợp cả ngắn hạn dài hạn, kết hợp cả việc "trợ thở" lẫn việc nuôi dưỡng năng lực cạnh tranh”.

Ông Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.

Ông Lộc cho rằng, cần có những điều chỉnh theo hướng cần phải có một chương trình tổng thể để hỗ trợ nền kinh tế với quy mô đủ lớn phù hợp với năng lực nội tại và các đặc điểm của nền kinh tế, khả năng trả nợ, đồng thời đảm bảo ổn định ngân sách tài chính quốc gia.

Đồng ý quan điểm trên, ông Phan Đức Hiếu cho rằng, thời gian tới, doanh nghiệp mong muốn được hỗ trợ hai điều.

Một là,kỳ vọng "trợ thở", hỗ trợ về chi phí vật chất như tiền.

Thời gian qua, chính sách tài khóa giãn, kéo dài thời gian thực hiện nghĩa vụ thuế giúp doanh nghiệp có dòng tiền, có một khoản vay không lãi nhưng cuối cùng doanh nghiệp vẫn phải trả. Khoản hỗ trợ trực tiếp miễn giảm thuế 23.000 tỷ chưa thấm tháp, doanh nghiệp mong muốn hỗ trợ trực tiếp và thiết thực với chính sách đủ lớn.

Hai là, hỗ trợ “mềm” về giảm thủ tục, rút ngắn về thời gian, tạo thuận lợi trong hoạt động sản xuất kinh doanh.

Theo đại diện Công ty May 10, trong bối cảnh bình thường, một sản phẩm phải cạnh tranh toàn cầu chịu nhiều áp lực. Từ lúc hình thành ý tưởng, thiết kế một sản phẩm may mặc đến khi đưa lên kệ trước đây khoảng 6 tháng. Tuy nhiên, trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt hiện nay, dù doanh nghiệp sản xuất ở bất kể ở đâu, áp lực thời gian giảm còn 4 tháng.

Bên cạnh đó, trong bối cảnh dịch bệnh còn khó khăn hơn rất nhiều. Dù doanh nghiệp có hàng nhưng thậm chí chờ hàng tuần mới có tàu, thời gian chờ đợi kéo dài cũng gây tổn thất cho doanh nghiệp.

Ngoài ra, theo ông Hiếu, tốc độ giải quyết thủ tục hải quan khác nhau cùng một mặt hàng vô hình chung làm méo mó môi trường kinh doanh.

Chẳng hạn, lô thuốc nhập về Việt Nam với hai cửa khẩu khác nhau, doanh nghiệp nào thông quan trước chỉ cần trước vài tiếng đồng hồ, thuốc ra thị trường. Những doanh nghiệp thông quan sau có thể mất cơ hội kinh doanh. Trong giải quyết thủ tục, sự đồng đều sự thống nhất mới tạo ra môi trường kinh doanh bình đẳng, minh bạch.

Như vậy, thời gian là "vàng", là cơ hội của doanh nghiệp.

Nghiên cứu những biện pháp nhiều quốc gia đang áp dụng, Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình cho hay, nhiều nước thiết lập một thủ tục gọi là fast track, đẩy nhanh tiến độ, rút ngắn thủ tục tạo cho doanh nghiệp dòng tiền để họ có thể duy trì sản xuất kinh doanh.

Thời gian qua, ngành Hải quan cắt giảm rất nhiều thủ tục, nộp giấy tờ điện tử nhưng theo ông Hiếu vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng của doanh nghiệp. Việc phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị và số hóa rõ ràng sẽ góp phần tạo thuận lợi lớn cho doanh nghiệp.

Trải nghiệm một thủ tục trong mùa dịch, ông Hiếu hiểu rõ thế nào là chuyển đổi số. Khi gửi một mặt hàng từ nước ngoài về Việt Nam, ngay lập tức người tiêu dùng nhận được một vận đơn điện tử được tạo ra từ một hệ thống, khác hoàn toàn so với việc buộc phải đi xin các giấy phép bản giấy.

Trong mùa dịch, việc đi khó khăn, phải xin bản giấy sau đó về phải scan rồi gửi đi – hồ sơ “giấy điện tử”, rất khác với giấy tờ điện tử được tạo ra từ hệ thống.

Vì vậy, ông Hiếu đề xuất, thứ nhất, trước mắt số hóa trên nền thủ tục hành chính cũ nhưng trong tương lai, buộc phải thiết kế các thủ tục, quy trình trên tư duy số hóa.

Thứ hai,chính sách đủ tốt nhưng khâu thực thi cũng trở nên rất quan trọng. Có những doanh nghiệp than phiền rất khó khăn trong việc áp dụng quy định miễn tiền phạt chậm nộp các nghĩa vụ. Vì vậy, việc tổ chức triển khai một cách thống nhất, đồng đều cả nước, tạo ra một môi trường kinh doanh bình đẳng.

Sự phối hợp giữa các cơ quan rất quan trọng. Một mặt hàng xuất khẩu, nhập khẩu có thể liên quan đến rất nhiều cơ quan, cần phối hợp giữa tất cả các cơ quan với nhau, tránh chậm trễ.

Cơ quan Hải quan cũng nên chủ động kiến nghị với Chính phủ, Quốc hội quy trình, giải pháp có thể cải cách thể chế căn cơ.

Thứ ba, không phải cải cách trên văn bản mà cuối cùng sự hưởng lợi của của doanh nghiệp và của người dân. Các cơ quan nhà nước cần ghi nhận ý kiến đóng góp của doanh nghiệp để cải thiện tốt hơn.

Ông Vũ Xuân Bách, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho hay, tính đến ngày 23/11/2021, ngành Thuế tiếp nhận và giải quyết gia hạn thời hạn nộp thuế cho gần 140.000 người nộp thuế. Tổng số tiền thuế, tiền thuê đất được gia hạn theo Nghị định số 52/2021/NĐ-CP ngày 19/4/2021 về gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2021 cho các doanh nghiệp, tổ chức, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh bị tác động tiêu cực bởi dịch bệnh Covid-19, là trên 92.000 tỷ đồng. Bên cạnh đó, tổng số thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất được miễn, giảm trong năm 2021 theo các chính sách nêu trên là khoảng 23.000 tỷ đồng. Trong thời gian tới, Tổng cục Thuế sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến và điều kiện thực tế; tổng kết, đánh giá hiệu quả các chính sách đã thực hiện để tham mưu, báo cáo cấp có thẩm quyền các giải pháp hỗ trợ phù hợp.

Trâm Anh -

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/doanh-nghiep-can-tro-tho-va-ho-tro-mem.htm