Doanh nghiệp Cao Bằng kiến nghị nhiều nội dung với chính quyền địa phương
Ngày 6/4, Hội đồng nhân dân tỉnh Cao Bằng phối hợp tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri chuyên đề năm 2023 với chủ đề 'Chính quyền đồng hành, phục vụ doanh nghiệp, hợp tác xã' .
Đông đảo doanh nghiệp, hợp tác xã tại địa phương đã tham dự hội nghị và đóng góp nhiều ý kiến nhằm cải thiện, khắc phục hạn chế trong môi trường đầu tư, kinh doanh tại địa phương.
Các doanh nghiệp, hợp tác xã mong muốn chính quyền tỉnh Cao Bằng tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.
Anh Hoàng Mạnh Ngọc, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Cao Bằng trình bày báo cáo tổng hợp kiến nghị của hội viên phản ánh. Trong đó, có ý kiến phản ánh Sở Xây dựng Cao Bằng công bố giá vật liệu xây dựng không sát với thực tế, đơn vị cung cấp vật liệu bán với giá cao hơn giá được công bố, áp dụng thanh toán.
Thủ tục cấp phép khai thác mỏ vật liệu xây dựng còn rườm rà, mất quá nhiều thời gian, trung bình, 2 năm mới hoàn thành được 1 giấy phép.
Khi khảo sát, thiết kế, lập dự án đối với những dự án cấp huyện làm chủ đầu tư thường không xác định rõ vị trí, cự ly và trữ lượng bãi đổ thải, gây khó khăn trong quá trình thi công dẫn đến việc các đơn vị thi công phải tự tìm kiếm vị trí đổ thải dẫn đến vi phạm môi trường, gây tăng chi phí về định mức dự toán.
Trong suốt những năm qua, giá nhân công xây dựng của tỉnh Cao Bằng vẫn đang áp dụng đơn giá do Bộ Xây dựng ban hành từ năm 2015, chưa phù hợp thực tiễn trong bối cảnh giá nhân công tăng lên từ thời điểm đó đến nay. Khảo sát cho thấy, tỉnh Cao Bằng đang áp dụng mức đơn giá tối thiểu khác với các tỉnh lân cận như: Hà Giang, Tuyên Quang, Bắc Kạn. Việc áp dụng mức đơn giá nhân công thấp gây thiệt hại cho các doanh nghiệp tại địa phương mỗi năm hàng trăm tỷ đồng.
Tỉnh Cao Bằng cần tiếp tục tăng cường tính công khai, minh bạch trong đấu thầu, thi công các công trình, dự án.
Trong những năm qua, tỉnh Cao Bằng đã có những cơ chế, chính sách thu hút các nhà đầu tư đến đầu tư tại Cao Bằng. Tuy nhiên, chỉ số tiếp cận đất đai tại địa phương đạt thấp, một số chính sách chưa thực sự đi vào cuộc sống, vẫn còn nhiều rào cản khi doanh nghiệp tiếp cận và khó thực thi; điều đó dẫn đến việc tại các cuộc xúc tiến đầu tư tại Cao Bằng, thì có nhiều doanh nghiệp đăng ký đầu tư các dự án, nhưng số đơn vị thật sự đầu tư thì còn ít.
Mức giá cho thuê đất để trồng rừng ở tỉnh Cao Bằng hiện nay quá cao. Một chu kỳ trồng rừng, trồng cây keo tai tượng bình quân là 10 năm thì phải trả tiền thuê đất là 10 triệu/1ha/năm; qua hơn 10 năm trồng rừng trị giá thuê đất cao gần bằng thu nhập trồng cây keo tai tượng. Đề nghị tỉnh xem lại giá cho các doanh nghiệp thuê đất.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Cao Bằng, Nông Thanh Tùng tiếp thu ý kiến, kiến nghị của doanh nghiệp để chuyển đến các cấp, ngành và địa phương trong tỉnh nắm bắt, xem xét, giải quyết.
Đồng thời, đề nghị, thời gian tới, các doanh nghiệp, hợp tác xã tiếp tục đồng hành, tham gia ý kiến đóng góp nhằm cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.
Các doanh nghiệp, hợp tác xã tích cực đổi mới hoạt động sản xuất, kinh doanh, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, kinh doanh hiệu quả, giải quyết việc làm, đóng góp ngân sách, thúc đẩy kinh tế-xã hội địa phương phát triển.