Doanh nghiệp chế tác kim hoàn kêu cứu

Doanh nghiệp chế tác kim hoàn tại TP.HCM kêu cứu khi đầu vào - đầu ra của thị trường vàng không minh bạch. Nhiều cơ sở muốn duy trì nghề chế tác kim hoàn buộc phải mua hàng trôi nổi, khi bị thanh - kiểm tra thì kiểu gì cũng vướng.

Bắt một vụ buôn lậu vàng tại An Giang

Bắt một vụ buôn lậu vàng tại An Giang

Buôn lậu vàng tính bằng… tấn

Theo Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mai và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389), từ năm 2022 trở lại đây, lực lượng công an đã phát hiện và triệt phá nhiều đường dây, tổ chức buôn lậu vàng với quy mô lớn, tính bằng tấn chứ không phải kg như trước.

Điển hình, tháng 9/2022, Cục Cảnh sát kinh tế (C03 - Bộ Công an) triệt phá đường dây buôn lậu hơn 4 tấn vàng từ Campuchia về Việt Nam qua cửa khẩu Chàng Riệc (Tây Ninh), khởi tố 18 bị can.

Tháng 6/2023, C03 phá chuyên án buôn lậu, trốn thuế trên 3 tấn vàng với tổng trị giá trên 5.000 tỷ đồng từ Lào về Việt Nam qua cửa khẩu Lao Bảo (Quảng Trị), do Nguyễn Thị Hóa cầm đầu. Vụ việc này có tới 20 người bị khởi tố.

Đó là chưa kể những vụ buôn lậu vàng số lượng vài chục kg bị phát hiện, như vụ Công an tỉnh An Giang triệt phá đường dây do Nguyễn Thị Kim Hạnh cầm đầu đang vận chuyển 51 kg vàng với giá trị hơn 70 tỷ đồng từ Campuchia về Châu Đốc (An Giang), hay vụ bắt giữ băng nhóm Hồ Văn Sơn, Nguyễn Tấn Phong, Nguyễn Hoài Tâm, Nguyễn Xuân Kiếm và Lý Thị Huệ hồi tháng 8/2023 khi buôn lậu 19 kg vàng…

Được biết, Ngân hàng Nhà nước sẽ có tổng kết về Nghị định 24/2012/NĐ-CP, trong đó đề xuất sửa đổi, bổ sung một số quy định quản lý thị trường vàng để phù hợp với bối cảnh mới của thị trường.

Theo Ban Chỉ đạo 389, hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép, trốn thuế đối với mặt hàng vàng tập trung chủ yếu vào các tuyến đường bộ đất liền biên giới phía Tây Nam giáp Campuchia tại địa bàn các tỉnh An Giang, Long An, Tây Ninh và biên giới khu vực miền Trung giáp Lào tại địa bàn tỉnh Quảng Trị và Hà Tĩnh, tuyến Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, Tân Sơn Nhất...

Các đối tượng vi phạm lợi dụng triệt để quy định thông thoáng trong chính sách (quản lý hoạt động kinh doanh vàng, ngoại hối của Nhà nước; quản lý xuất, nhập khẩu hàng hóa; quản lý thuế; chính sách cư dân biên giới...), địa hình, địa vật (đường biên giới dài, nhiều kênh, rạch, sông, suối hiểm trở, lợi dụng đêm tối, ngày nghỉ lễ, Tết, giao ca của các lực lượng chức năng...); sử dụng phương thức thủ đoạn tinh vi (tổ chức theo đường dây, chia nhiều công đoạn vận chuyển cất giấu vàng, ngoại tệ trong người, phương tiện, hàng hóa, khò, nung chảy xóa ký hiệu, dấu vết truy xuất nguồn gốc...) để buôn lậu, vận chuyển trái phép vàng vào Việt Nam. Sau đó số vàng “chìm” này được tuồn vào các doanh nghiệp, tiệm vàng, các cơ sở sản xuất, chế tác trang sức mỹ nghệ tại Hà Nội, TP.HCM và các tỉnh, thành phố khác để tiêu thụ.

Nguyên nhân do khan hiếm và lệch nhịp thị trường

Theo phân tích của Ban Chỉ đạo 389, nguyên nhân nạn buôn lậu vàng hoành hành là bởi chính sách quản lý vàng của thế giới khá thông thoáng với mức thuế, phí thấp. Một số quốc gia, vùng lãnh thổ gần Việt Nam như Hồng Kông, Singapore đều có các sàn giao dịch vàng lớn, uy tín, được Tập đoàn Metalor (Thụy Sỹ) đặt các nhà máy tinh chế vàng nhằm thu mua nguyên liệu và sản xuất các sản phẩm vàng thanh, cung cấp cho thị trường châu Á và Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Đặc biệt, các quốc gia như Lào, Campuchia quy định về khai thác, quản lý, mua bán vàng khá thuận lợi, nguyên liệu vàng khai thác không được chế biến sâu nên giá thành rẻ hơn so với Việt Nam. Do đó, các đối tượng buôn lậu dễ dàng tiếp cận nguồn vàng và giao dịch theo chỉ số giá thế giới.

Mặt khác, tại Việt Nam, theo Nghị định 24/2012/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng, Nhà nước độc quyền xuất khẩu, nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng; cấp phép kinh doanh mua, bán vàng miếng; nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ. Tuy nhiên, để tránh tình trạng “vàng hóa” nền kinh tế, Ngân hàng Nhà nước mới chỉ cấp phép nhập khẩu vàng nguyên liệu cho 2 đối tượng (doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ để xuất khẩu và doanh nghiệp kinh doanh vàng có hợp đồng gia công vàng trang sức, mỹ nghệ với nước ngoài), dẫn đến nguồn cung khan hiếm, thiếu hụt nguyên liệu sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ và các nhu cầu khác.

Bên cạnh đó, thị trường vàng trong nước mặc dù có diễn biến theo xu thế thị trường vàng quốc tế, nhưng biên độ, nhịp độ chưa đều, thường phản ánh chậm hơn, dẫn đến chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới, giữa giá vàng miếng SJC với vàng nguyên liệu và chênh lệch giữa giá mua vào - bán ra.

Ngoài ra, không loại trừ hệ lụy từ việc làm giả vàng miếng SJC, hoặc tình trạng các thương hiệu vàng lớn (Doji, PNJ) neo giá vàng tiệm cận giá vàng miếng SJC.

Trong khi đó, vàng lại là loại hàng hóa nhỏ, gọn, có giá trị cao, dễ ngụy trang, cất giấu, khó truy nguyên được nguồn gốc, chỉ xác định đặc tính hóa lý theo hàm lượng tỷ trọng vàng. Vàng nguyên liệu, vàng khai thác và vàng trôi nổi có nguồn gốc trong dân chưa được quản lý chặt chẽ, thực tiễn nhiều vụ việc cơ quan chức năng bắt giữ khi các đối tượng mua bán, vận chuyển vàng trong nội địa không xử lý được, do không có căn cứ xác định nguồn gốc vàng bất hợp pháp.

Chính vì lợi nhuận thu được cao đã thúc đẩy động cơ phạm tội của các đối tượng.

Muốn “sống” buộc phải mua vàng “chìm”

Những nguyên nhân trên dẫn tới thực tế vừa được “phơi sáng” qua một kiến nghị gửi UBND TP.HCM mới đây.

Cụ thể, Hội Mỹ nghệ - Kim hoàn - Đá quý TP.HCM đã “thú thật” với lãnh đạo Thành phố là, hiện nay đầu vào và đầu ra sản phẩm kim hoàn không minh bạch. Doanh nghiệp muốn duy trì nghề chế tác kim hoàn buộc phải mua hàng trôi nổi. Điều này không chỉ dẫn tới việc doanh nghiệp gặp nhiều rủi ro, mà còn đối diện với việc làm không hợp pháp.

“Khi các cơ quan chức năng vào cuộc thanh - kiểm tra, hầu hết doanh nghiệp bị vướng về mặt pháp lý”, đại diện Hội Mỹ nghệ - Kim hoàn - Đá quý TP.HCM nêu.

Hậu quả của vàng “chìm”, theo Ban Chỉ đạo 389, còn làm thất thu ngân sách, tạo ra sự cạnh tranh không bình đẳng cho những doanh nghiệp làm ăn chân chính, gây “vàng hóa” nền kinh tế.

Hơn thế, buôn lậu vàng còn tác động trực tiếp đến tỷ giá USD, gây áp lực lên thị trường ngoại tệ và tỷ giá chính thức, từ đó ảnh hưởng bất lợi tới việc điều hành chính sách tiền tệ, kiểm soát lạm phát, cũng như ổn định kinh tế vĩ mô.

Siết “toàn lực” vẫn chưa đủ?

Với thực tế muốn “sống” phải mua vàng “chìm”, Hội Mỹ nghệ - Kim hoàn - Đá quý TP.HCM khẩn khoản đề nghị lãnh đạo Thành phố “Sử dụng quyền được phép theo Nghị quyết 98/2023/QH15 ngày 24/6/2023 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM, để quy định những gì luật pháp chưa quy định; tìm nguyên liệu hợp pháp cho ngành vàng bạc, đá quý; kiểm soát được quy trình từ nguyên liệu sản xuất đến lưu thông trong nước và xuất khẩu; không hình sự hóa các hoạt động dân sự, quan hệ kinh tế để ngành chế tác vàng thoát khỏi tình trạng không có nguyên liệu hợp pháp như hiện nay”.

Tuy nhiên, TP.HCM không đủ quyền quyết định về cơ chế và luật pháp liên quan đến thị trường vàng.

Trong phạm vi của mình, Ban Chỉ đạo 389 kiến nghị Ngân hàng Nhà nước, cơ quan công an, quân đội, cảnh sát biển, quản lý thị trường tăng cường kiểm tra đối với hoạt động mua bán, xuất nhập khẩu, sản xuất, gia công vàng trang sức, mỹ nghệ, xác lập các chuyên án đấu tranh với đường dây, ổ nhóm, các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh buôn lậu, vận chuyển vàng trái phép, trốn thuế lớn; kiến nghị Tổng cục Hải quan quản lý chặt các hoạt động nhập khẩu, xuất khẩu, tạm nhập tái xuất vàng của các doanh nghiệp được cấp phép, giám sát chặt chẽ hàng hóa, hành lý, xuất, nhập qua các cửa khẩu; phối hợp chặt chẽ và trao đổi thông tin kịp thời với lực lượng công an, quân đội để đấu tranh với các đường dây buôn lậu vàng xuyên quốc gia; Tổng cục Thuế rà soát tham mưu ban hành chính sách thuế đối với hoạt động kinh doanh vàng phù hợp trong từng thời kỳ, phối hợp với cơ quan liên quan kiểm tra hoạt động các doanh nghiệp, các cơ sở kinh doanh, chế tác vàng trang sức, mỹ nghệ, quản lý chặt chẽ hoạt động nhập vào - bán ra, kịp thời phát hiện vàng nhập lậu và các hành vi trốn thuế.

Nhưng theo các doanh nghiệp, gốc rễ của vấn đề khan hiếm vàng nguyên liệu và sự chênh lệch giá vàng trong nước với thế giới dẫn tới bùng phát nạn buôn lậu là bởi Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý vàng đã tồn tại 12 năm, có quá nhiều bất cập và không còn phù hợp.

“Hội mong muốn chấp hành đúng pháp luật, chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị Nhà nước sửa đổi Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý vàng, nhưng chưa có gì thay đổi”, đại diện Hội Mỹ nghệ - Kim hoàn - Đá quý TP.HCM cho biết.

Ngô Nguyên

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/doanh-nghiep-che-tac-kim-hoan-keu-cuu-d207900.html