Doanh nghiệp chính là thị trường của khoa học công nghệ

Thị trường chính là hơi thở, là sức khỏe của doanh nghiệp. Doanh nghiệp chính là yếu tố giúp cho các viện, nhà khoa học hiểu thị trường cần gì, nghiên cứu gì.

Thông tin được đưa ra tại Diễn đàn Kết nối sản phẩm khoa học công nghệ với doanh nghiệp, hợp tác xã, người dân do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức ngày 10/7, tại Hà Nội.

'Ngay cả con dao cắt khoai tây, chúng ta cũng phải nhập khẩu'

Đại diện một doanh nghiệp nông nghiệp ở Vĩnh Phúc, gửi lời tới Bộ trưởng Lê Minh Hoan tại Diễn đàn, về tâm thư của các công ty tham gia lĩnh vực chế biến nông sản.

Theo doanh nghiệp này, đầu tàu để kéo ngành nông nghiệp lên là trồng trọt và chế biến. Doanh nghiệp chúng tôi nhỏ, doanh thu mỗi năm chỉ vài chục tỷ. Nhưng con số này với trồng trọt là rất nhiều sản phẩm.

Doanh nghiệp chính là thị trường của khoa học công nghệ

Doanh nghiệp chính là thị trường của khoa học công nghệ

Đơn cử như khoai tây, doanh nghiệp chúng tôi đang làm. Khoai tây hiện nay nhập khẩu bao nhiêu, Việt Nam trồng bao nhiêu?. Điều đáng buồn là khoai tây Việt Nam càng trồng càng lỗ. Vì chúng ta thiếu khâu chế biến, ví dụ như khoai tây cho nhà hàng, khách sạn, làm BBQ, thì 100% nhập với giá ít nhất 50.000 đồng/kg. Trong khi nông dân trồng ra chỉ bán được vài nghìn đồng/kg. Nhỏ như con dao răng cưa để chế biến khoai tây, mà chúng tôi tìm không ra suốt mấy tháng nay. Như thế làm sao chúng ta cạnh tranh được? Chúng tôi rất mong các nhà khoa học chủ động liên lạc với chúng tôi, để chúng ta đẩy mạnh khâu chế biến.

“San Hà muốn đặt hàng nhà khoa học, song chưa biết rõ Viện nào, khoa học gia nào. Quả thực chúng tôi không có thời gian rỗi để dứt khỏi lượng công việc khổng lồ hằng ngày. Do đó, doanh nghiệp San Hà vô cùng mong muốn nhà khoa học bớt chút thời gian tới giúp đỡ”, bà Phạm Thị Ngọc Hà -Tổng Giám đốc Công ty San Hà, chia sẻ tại Diễn đàn.

“Thay vì phải mua 70.000 con giống hay gia súc, gia cầm từ nước ngoài, San Hà thực sự mong muốn nhà khoa học Việt Nam sản xuất được từ trong nước”, Đại diện Công ty San Hà chia sẻ và cho hay mua sản phẩm nước ngoài thì phụ thuộc vào nhà phân phối, đây là điều bất cập.

Theo lãnh đạo Công ty San Hà, doanh nghiệp thực sự mong muốn các nhà khoa học, các viện nghiên cứu chú trọng hơn về truyền thông, để lan tỏa thông tin tới doanh nghiệp và người dân.

Làm sao đưa doanh nghiệp - nhà khoa học gặp nhau ngay từ giai đoạn ban đầu? Theo GS.TS. Nguyễn Hồng Sơn - Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, vấn đề này đã được đề cập từ lâu. Khẳng định thị trường chính là “bà đỡ” cho các đề tài nghiên cứu khoa học, ông Nguyễn Hồng Sơn cho hay, không có thị trường thì không thể đưa các nghiên cứu này ứng dụng vào sản xuất. Mỗi doanh nghiệp có một mục tiêu, định hướng riêng do đó họ mới chính là những khách hàng thiết thực. Còn với nguồn kinh phí của nhà nước đặt hàng thường là để giải quyết các vấn đề tầm vĩ mô, như xử lý hạn mặn, biến đổi khí hậu…

Các doanh nghiệp là những đơn vị cần nguồn lực thực sự. Mấy năm gần đây, doanh nghiệp sẵn sàng trích từ quỹ phát triển của mình để dành cho công tác nghiên cứu. Do đó, đặt hàng riêng của doanh nghiệp đối với các nhà nghiên cứu, nhà khoa học là rất quan trọng. Sự bắt tay ngày từ đầu là hết sức quan trọng để có được sự thành công.

Chia sẻ nội dung này, bà Trần Kim Liên - Chủ tịch - Tổng Giám đốc Tập đoàn Giống cây trồng phân tích: doanh nghiệp chính là thị trường của khoa học công nghệ, bởi mục tiêu của doanh nghiệp là tìm kiếm lợi nhuận từ thị trường, do đó họ hiểu hơn hết thị trường cần cái gì. Doanh nghiệp vừa hiểu thị trường cần gì trước mắt cũng như dự báo được sẽ cần gì trong thời gian tới.

Theo đó, giống lúa không chỉ phải thích nghi biến đổi khí hậu mà hàm lượng dinh dưỡng cao, hàm lượng đường thấp. Giống ngô không chỉ có màu mà để ăn liền cần có mùi thơm như dứa, mang hàm lượng dinh dưỡng cao.

"Công ty của tôi đã đặt hàng các nhà nghiên cứu, nhà khoa học trong nước nghiên cứu tạo ra giống cà chua có thể trồng ngoài đồng mà vẫn bảo đảm quả cứng, cho phép vận chuyển an toàn; hay là nghiên cứu giống dưa chuột trong nước mà không cần phải nhập giống từ Hà Lan, chúng tôi sẵn sàng trả tiền để đặt hàng các nhà nghiên cứu, khoa học trong nước. Hợp tác trước mắt là chuyển giao, còn hợp tác lâu dài, đấy là đặt hàng”, bà Liên khẳng định.

Doanh nghiệp, Viện nghiên cứu phải 'đánh trống, khua chiêng' lên

Phát biểu tại Diễn đàn, ông Lê Minh Hoan - Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn – đặt vấn đề: “Nếu không truyền thông tốt, thì người ta không biết tới sản phẩm của mình. Sản phẩm của chúng ta hôm nay, thì ngày mai có người làm tốt hơn thì sao? Nãy giờ tôi lướt web hàng loạt viện, không thấy viện nào đưa lên các sản phẩm. Thị trường là đi quảng cáo. Sản phẩm mới ra đời, mà không làm rần rần lên sao được”.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan trao đổi và gợi mở hướng phát triển sản phẩm khoa học công nghệ cho nông nghiệp tại diễn đàn

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan trao đổi và gợi mở hướng phát triển sản phẩm khoa học công nghệ cho nông nghiệp tại diễn đàn

Trước tâm thư của doanh nghiệp, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nói lại rằng đó là lời đề nghị rất tâm huyết với chế biến nông sản. "Chúng ta đặt câu hỏi tại sao một đất nước có bao nhiêu nhà khoa học mà không thể làm được con dao gọt khoai tây?" - ông đặt vấn đề.

Nhưng bên cạnh đó, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng nhìn nhận trong nền kinh tế thị trường, nếu mình chỉ nghiên cứu để sản xuất vài ngàn con dao thì có cạnh tranh được hay không? Hay chúng ta nên tập trung vào cái gì làm tốt thì làm tốt hơn.

Trở lại vấn đề về hợp tác liên kết kết nối thị trường khoa học công nghệ, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhìn nhận thị trường khoa học công nghệ là nơi gặp gỡ giữa cung - cầu. Thị trường trăm người bán vạn người mua mới ra một cái chợ. Trong chợ đó, doanh nghiệp có được quyền lựa chọn viện nghiên cứu và ngược lại. "Chúng ta phải đưa sản phẩm khoa học công nghệ tiến dần thị trường cạnh tranh" - Bộ trưởng nói.

Cũng theo ông Lê Minh Hoan, Viện nghiên cứu chỉ đứng một mình, thì không hiểu thị trường, khâu này cần doanh nghiệp. Do đó, hợp tác liên kết có ý nghĩa sâu xa hơn nhiều so với chỉ một từ “vốn”.

Có nhà khoa học nói với tôi: “Chúng tôi làm sao biết thị trường như nào. Nhà nước cứ mua hết đi rồi bán chứ”. Nói vậy là sai, chúng ta nghiên cứu cái gì cũng phải theo thị trường. Mọi sự thay đổi thị trường, doanh nghiệp là người đầu tiên biết. Giống như vị mặn, vị ngọt trong nước thì con tôm, con cá cảm nhận được đầu tiên. Nhà nước sẽ luôn đi sau doanh nghiệp trong vấn đề này. Vì sao? Vì thị trường chính là hơi thở, là sức khỏe của doanh nghiệp. Doanh nghiệp chính là yếu tố giúp cho viện, cho nhà khoa học hiểu thị trường cần gì, nghiên cứu gì.

“Hôm trước, chị Thành Thực gửi cho tôi một cái bao tay, để cho phụ nữ cắt ớt. Tôi chợt nhớ đến ở quê tôi, mấy chị phụ nữ bấm ớt bằng tay phải có mấy xô nước để cạnh. Khoa học có những cái cao siêu, nhưng cũng có những cái nho nhỏ - song giúp ích cho hàng triệu phụ nữ. Một sản phẩm thế thôi, giúp cho biết bao người từ Lào Cai đến tận miền Nam.

Tôi muốn khuyến khích các viện nghiên cứu về “giải pháp hữu ích”. Hãy nghĩ tới bà con nông dân, nghĩ làm sao cho họ bớt vất vả. Đó cũng là gợi ý với các nhà khoa học, hãy bước ra gặp nông dân, nghe họ nói thôi cũng có vô số ý tưởng”, ông Lê Minh Hoan gợi mở.

Ký kết hợp tác trong việc chuyển giao công nghệ giữa các đơn vị dưới sự chứng kiến của Bộ trưởng Lê Minh Hoan.

Ký kết hợp tác trong việc chuyển giao công nghệ giữa các đơn vị dưới sự chứng kiến của Bộ trưởng Lê Minh Hoan.

Tại Diễn đàn, dưới sự chứng kiến của Bộ trưởng Lê Minh Hoan, các nội dung ký kết hợp tác trong việc chuyển giao công nghệ thuộc các nhóm lĩnh vực: Trồng trọt - Bảo vệ thực vật; lâm nghiệp; thủy sản; cơ điện - Công nghệ sau thu hoạch; thủy lợi - Phòng chống thiên tai đã được ký kết.

Nguyễn Hạnh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/doanh-nghiep-chinh-la-thi-truong-cua-khoa-hoc-cong-nghe-331313.html