Doanh nghiệp chọn chiến lược ESG: Để tăng trưởng nhanh và xanh

Đối mặt nhiều thách thức khi áp dụng E-S-G, song các doanh nghiệp nhìn nhận việc áp dụng các tiêu chuẩn này đang trở thành một yếu tố quan trọng.

Dây chuyền sản xuất tại một đơn vị thành viên của Công ty CP Tập đoàn PAN. Ảnh: DNCC

Dây chuyền sản xuất tại một đơn vị thành viên của Công ty CP Tập đoàn PAN. Ảnh: DNCC

Dù đối mặt nhiều thách thức khi áp dụng E-S-G (môi trường, xã hội, quản trị), song các doanh nghiệp đều nhìn nhận việc áp dụng các tiêu chuẩn này đang trở thành một yếu tố quan trọng trong tái cấu trúc và tăng cường khả năng chịu đựng, chống chọi của doanh nghiệp.

Bắt kịp xu hướng kinh tế xanh

Bà Nguyễn Vân An - Giám đốc Chiến lược, Công ty CP Việt Nam Food (VNF) cho biết, doanh nghiệp đã ưu tiên chọn các hoạt động không đòi hỏi chi phí đầu tư quá cao, nhưng hỗ trợ tiết kiệm chi phí vận hành sau khi triển khai.

VNF cũng kết hợp với việc kiểm soát vận hành chặt chẽ để tối ưu hóa chi phí. Khi cần, công ty ưu tiên chọn những hoạt động E-S-G phục vụ nhiều mục đích khác nhau, chấp nhận tốn chi phí ban đầu nhưng sau đó tiết giảm chi phí vận hành.

“Trong bối cảnh khó khăn hiện tại, việc chú trọng đến các yếu tố môi trường, xã hội và quản trị không chỉ giúp tăng cường sự tin cậy của doanh nghiệp trong mắt cộng đồng và nhà đầu tư, mà còn giúp tạo ra giá trị bền vững và giảm rủi ro dài hạn”, bà An chia sẻ.

Ông Phan Minh Thông - Chủ tịch HĐQT Phúc Sinh Group cho biết, xuất phát từ yêu cầu của một đối tác lớn tại Hà Lan, từ năm 2010, Phúc Sinh đã bắt tay vào làm hồ tiêu theo tiêu chuẩn RA (Rainforest Alliance - Tiêu chuẩn nông nghiệp bền vững) của Hà Lan về phát triển bền vững.

Thời gian đầu Phúc Sinh gặp khá nhiều khó khăn. “Trong 2 năm đầu, chúng tôi tiêu gần hết số tiền công ty dành cho ngân sách phát triển bền vững là 250.000 USD, nhưng không đạt được chứng nhận.

Đặc biệt, Phúc Sinh phải làm việc với hàng nghìn nông hộ, thuyết phục họ tham gia vào dự án và thay đổi quy trình canh tác theo hướng bền vững càng khó khăn hơn. Tuy nhiên, nhận định đây là tiêu chí vô cùng quan trọng để bán hàng sang châu Âu và cũng là nền tảng cho sự phát triển bền vững trong tương lai, Phúc Sinh đã huy động thêm ngân sách để tiếp tục triển khai”, ông Thông chia sẻ.

Sự kiên trì, bền bỉ đã mang lại kết quả xứng đáng. Năm 2014, Phúc Sinh đã đạt chứng nhận RA. Nhờ đó, việc bán hàng vào châu Âu trở nên rất dễ dàng và chỉ sau 1 năm, công ty đã thu hồi được toàn bộ số tiền đầu tư để làm chứng nhận RA.

Ông Trần Lâm - CEO Julyhouse cho hay, từ cuối năm 2023 đến nay đã tập trung vào các hoạt động sản xuất xanh, đầu tư vào nông trại, nhà máy sản xuất định hướng theo mô hình E-S-G.

Cụ thể, Julyhouse tập trung vào các hoạt động sản xuất giảm hiệu ứng nhà kính thông qua việc hợp tác với các nông trại khai thác nguyên liệu thiên nhiên đưa vào sản phẩm: Hiện Julyhouse sử dụng các loại tinh dầu như sả chanh, sả java, bạch đàn chanh… Các nguyên liệu sau khi chiết xuất tinh dầu sẽ hướng đến việc tái sử dụng làm phân hữu cơ, cung cấp chất dinh dưỡng cho cây trồng.

Tại Châu Đức (Bà Rịa - Vũng Tàu), Julyhouse đang triển khai nông trại sả chanh, trồng theo tiêu chuẩn không thuốc vào đất, không thuốc trừ sâu. Đây cũng là vùng có quỹ đất nông nghiệp lớn, tương lai sẽ mở rộng thêm loại cây khác, sẽ đặt nhà máy sản xuất tinh dầu, có các hoạt động chế biến phía sau, giúp giữ được chất lượng tinh dầu tốt nhất.

Công ty CP Tập đoàn PAN cũng là một trong những doanh nghiệp sớm chuyển mình theo con đường phát triển bền vững. Tuy nhiên, việc chuyển mình này cũng không hề dễ dàng. Điển hình như quyết định đầu tư nhà máy chế biến gạo công nghệ cao trị giá 350 tỷ đồng của công ty thành viên là Vinarice đã vấp phải không ít câu hỏi về chi phí và tính cần thiết.

Tuy nhiên, sau nhiều nỗ lực, đề xuất này cũng đã được phê duyệt. Nhờ đó, giá bán gạo của Vina Rice tới các thị trường châu Âu, Mỹ đạt tới 1.100 USD/tấn, cao gấp đôi mức thông thường.

Ngoài ra, PAN Group cũng đang áp dụng nhiều giải pháp để giảm phát thải ra môi trường, điển hình như việc áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn trong hệ sinh thái các công ty thành viên.

Điển hình như phân tôm, cá tại Công ty CP thực phẩm Sao Ta và Công ty CP xuất nhập khẩu thủy sản Bến Tre được nghiên cứu để sản xuất thành phân bón phục vụ cho việc trồng lúa của Vinaseed. Tương tự, đầu, vỏ tôm được bán cho một số công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi để vừa giảm phát thải vừa có thêm doanh thu cho doanh nghiệp…

 Ông Trần Lâm - CEO Julyhouse bên nông trại sả chanh ở Châu Đức (Bà Rịa - Vũng Tàu). Ảnh: DNCC

Ông Trần Lâm - CEO Julyhouse bên nông trại sả chanh ở Châu Đức (Bà Rịa - Vũng Tàu). Ảnh: DNCC

Dấn thân để hái những “quả ngọt”

Sau hơn một thập kỷ theo đuổi con đường phát triển bền vững, ông Phan Minh Thông khẳng định, đó là một trong những quyết định sáng suốt của Phúc Sinh Group.

“Những hàng rào kỹ thuật mà châu Âu đặt ra trong thời gian gần đây đã được chúng tôi chuẩn bị từ cách đây 14 năm. Đây là lợi thế để chúng tôi tăng tốc tại thị trường này và trở thành một trong những công ty bán gia vị nhiều nhất vào châu Âu trong năm 2023”, ông Thông chia sẻ.

Đặc biệt, vào đầu năm nay, Phúc Sinh Group đã được định giá 320 triệu USD khi nhận vốn từ Quỹ Đầu tư châu Âu. Kết quả này được ông Thông nhìn nhận là “trái ngọt” của doanh nghiệp trong quá trình phát triển bền vững phù hợp định hướng E-S-G hiện tại. Đây cũng là yếu tố tiên quyết để một doanh nghiệp như Phúc Sinh có thể tiếp cận được nguồn vốn từ quỹ đầu tư này.

Trong khi đó, trong bối cảnh kinh tế vẫn đối mặt với nhiều khó khăn thách thức, 6 tháng đầu năm 2024, Julyhouse tăng trưởng doanh thu 237% so với cùng kỳ năm 2023. Đây là thành quả được tích lũy cả về mặt xây dựng thương hiệu lẫn xây dựng đội ngũ nhân sự trong công ty.

“Quyết liệt với định hướng theo mô hình E-S-G, Julyhouse sẽ tập trung vào hoạt động sản xuất, đầu tư nông trại và nhà máy sản xuất. Đồng thời, Julyhouse vẫn tích cực đồng hành cùng hợp tác xã tại địa phương để tạo thêm công ăn việc làm, giúp tăng trưởng kinh tế khu vực, hỗ trợ khởi nghiệp… trong thời gian tới”, ông Trần Lâm, chia sẻ.

PAN Group đã xuất khẩu được hàng hóa với giá trị cao vào các thị trường có yêu cầu cao về ESG như EU, Mỹ và Nhật. Đặc biệt, E-S-G còn giúp PAN tiếp cận với nguồn vốn xanh từ các tổ chức tài chính. Mới đây, trong khuôn khổ COP28, Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam và PAN đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác triển khai các giải pháp và dịch vụ tài chính E-S-G - một điểm nhấn quan trọng giúp phát triển thương hiệu, gia tăng uy tín và giúp công ty quản lý rủi ro tốt nhất.

Trần Hải

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/doanh-nghiep-chon-chien-luoc-esg-de-tang-truong-nhanh-va-xanh-post696549.html