Doanh nghiệp chủ động phòng dịch, sản xuất an toàn
Dịch bệnh xuất hiện trở lại đã làm thay đổi mọi kế hoạch sản xuất, kinh doanh (SXKD) mà mỗi doanh nghiệp (DN) đã hoạch định từ trước. Thời điểm hiện tại, chủ động giãn cách, ngăn ngừa nguy cơ lây lan dịch bệnh đang được các DN trên địa bàn tỉnh tiến hành nghiêm ngặt để bảo đảm an toàn cao nhất.
Chủ động giãn cách, ngăn ngừa nguy cơ lây lan dịch bệnh đang được các DN trên địa bàn tỉnh tiến hành nghiêm ngặt. Trong ảnh: Công ty Earth Corporation Việt Nam (KCN Nam Tân Uyên, TX.Tân Uyên), sắp xếp nơi ở cho công nhân ngay tại nhà máy Ảnh: QUANG TÁM
Nỗ lực duy trì sản xuất
Theo ông Bùi Minh Trí, Trưởng ban Quản lý các khu công nghiệp (KCN) tỉnh, trong bối cảnh hiện nay, các DN vừa phải phòng, chống dịch bệnh (PCDB) bảo đảm an toàn sức khỏe cho người lao động, vừa phải chủ động tổ chức SXKD thích ứng với tình hình mới để duy trì và phát triển. Đến thời điểm này, hầu hết các DN ở các KCN trên địa bàn tỉnh đều duy trì thường xuyên và nghiêm túc các biện pháp PCDB, chủ động phương án tối ưu nhất trong trường hợp xảy ra các ca F0, F1, phát huy vai trò của Tổ an toàn Covid-19 trong việc kiểm tra, giám sát hàng ngày... Ban Quản lý các KCN tỉnh đã ứng dụng tối đa công nghệ thông tin trong việc tuyên truyền, tiếp tục cập nhật thường xuyên tình hình thông qua phần mềm “Bản đồ an toàn Covid-19” của tỉnh.
Trước những diễn biến vô cùng phức tạp của đợt dịch lần này, các DN của tỉnh đã thực hiện tốt việc PCDB, bảo đảm an toàn sức khỏe của người lao động, duy trì SXKD. Dịch bệnh Covid-19 gây biến động lớn, song cũng là cơ hội đối với những DN biết nắm thời cơ, vượt qua thử thách. Trong khó khăn, cộng đồng DN cũng đã phản ứng linh hoạt, thay đổi mô hình SXKD, ứng dụng mạnh công nghệ số, tiết giảm chi phí. Nhiều DN không chỉ thích ứng để tồn tại mà còn cho thấy ý chí vươn lên, sẵn sàng tái cấu trúc DN, thị trường, đón cơ hội nhằm hướng đến mục tiêu phát triển mới.
Mặc dù giao thương với nhiều nước vẫn khó khăn, nhưng nhiều DN trong các KCN thông qua hình thức giới thiệu, quảng bá sản phẩm trực tuyến đã nhận được các đơn hàng lớn, bảo đảm cho sản xuất và xuất khẩu. Hiện tại nhiều DN nhận được đơn hàng đến quý III-2021, thậm chí có đơn đặt hàng cho cả năm và năm 2022. Một số thị trường xuất khẩu chính, như: Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Hồng Kông... đang dần hồi phục. Trong thời gian tới khi các hiệp định thương mại tự do được thực thi một cách toàn diện hơn, hiệu quả hơn sẽ góp phần thúc đẩy xuất khẩu những ngành chủ lực của tỉnh như dệt may, da giày ổn định và tăng cao hơn.
Theo ông Mai Bá Trước, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, để thực hiện tốt “mục tiêu kép”, các DN vẫn rất cần sự hỗ trợ của các cấp, các ngành, địa phương trong công tác PCDB và tháo gỡ khó khăn cho SXKD. Tỉnh xác định cần nỗ lực trên hai “mặt trận”, vừa chống dịch, vừa bảo đảm tăng trưởng kinh tế. Bên cạnh các giải pháp chống dịch quyết liệt, tỉnh cũng đã có những giải pháp hỗ trợ kịp thời như tạo điều kiện cho DN tiếp cận được các nguồn vốn vay ưu đãi để duy trì hoạt động SXKD.
Kích hoạt mọi giải pháp
Bình Dương hiện có 29 KCN, gần 3.000 dự án đang hoạt động với 485.671 người lao động. Tình hình dịch bệnh phức tạp chính là lo lắng lớn nhất của các DN. Vì vậy, công tác PCDB tại các nhà máy được nâng lên cấp độ cao nhất, thậm chí là tạm dừng một số dây chuyền. Theo ông Vương Vạn Nghĩa, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH Polytex Far Eastern (Việt Nam) tại KCN Bàu Bàng, dịch bệnh phức tạp, để bảo đảm giãn cách, nhà máy giảm một số mặt hàng xuất khẩu, tập trung nguồn lực cho mặt hàng thiết yếu thị trường trong nước. Hiện tại, nhà máy tập trung sản xuất khẩu trang, vừa cung cấp miễn phí cho người lao động sử dụng, vừa duy trì SXKD.
Ông Lư Quang Thứ, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Scancom Việt Nam (KCN Sóng Thần), cũng cho biết hiện tại, công tác PCDB tại công ty được nâng lên cấp độ cao nhất, thậm chí là tạm dừng một số dây chuyền. “Trước đây, chúng tôi tập trung rất nhiều người để phục vụ các line hàng, nay giảm hẳn. Chẳng hạn 1 tốp làm việc đến trưa rồi luân phiên sang tốp khác, nhân viên trong văn phòng thì chia ngày ra thay phiên nhau, không tập trung đông người”, ông Lư Quang Thứ cho biết thêm.
Nhiều DN cũng thực hiện việc giảm tối đa số công nhân và kiểm soát kỹ người ra vào. Công nhân tại nhiều DN cam kết ở lại công ty làm việc như Công ty TNHH Earth Corporation Việt Nam (KCN Nam Tân Uyên, TX.Tân Uyên), Công ty TNHH Điện tử Foster (KCN VSIP 2)…
Ông Bùi Minh Trí, Trưởng ban Quản lý các KCN tỉnh, cho biết tùy theo quy mô, mỗi DN sẽ có những mô hình phù hợp để bảo đảm an toàn. Các mô hình đều phải tuân thủ nguyên tắc “chủ động”, từ lãnh đạo cao nhất đến toàn thể nhân viên cần nhận thức rõ và đồng lòng cùng tham gia PCDB. Thực tế trên địa bàn tỉnh có một số DN khó khăn đã buộc phải dừng hoạt động, cắt giảm lao động… Tuy nhiên, với sự quyết tâm chống dịch hiệu quả và bảo đảm phát triển kinh tế, an sinh xã hội, các DN trên địa bàn tỉnh nói chung và tại các KCN nói riêng vẫn đang nỗ lực vượt khó, có nhiều kịch bản, giải pháp cụ thể để chủ động ứng phó với mọi tình huống, phấn đấu đứng vững và phát triển, đóng góp vào sự phát triển chung của tỉnh.