Doanh nghiệp chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững

Mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do tác động bởi dịch Covid-19, chi phí sản xuất và giá nguyên, nhiên liệu đầu vào tăng cao, song, với sự đồng hành, hỗ trợ của tỉnh, các doanh nghiệp (DN) đã nỗ lực vượt khó, chủ động thích ứng, phục hồi nhanh, mở rộng quy mô sản xuất, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển KT-XH của tỉnh.

Bình quân mỗi tháng, Công ty TNHH CDL Precision Technology Việt Nam (KCN Bình Xuyên) sản xuất khoảng 150 triệu sản phẩm linh kiện điện tử cung cấp cho khách hàng

Bình quân mỗi tháng, Công ty TNHH CDL Precision Technology Việt Nam (KCN Bình Xuyên) sản xuất khoảng 150 triệu sản phẩm linh kiện điện tử cung cấp cho khách hàng

Dịch Covid-19 thời gian qua được xem là giai đoạn “lửa thử vàng” của các DN nói chung, DN trên địa bàn tỉnh nói riêng khi cùng lúc phải thực hiện “mục tiêu kép” đó là vừa chống dịch, vừa thực hiện trách nhiệm xã hội, vừa duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh (SXKD). Là địa phương đầu tiên trên cả nước có ca dương tính với SARS-CoV-2, với tinh thần chủ động, sáng tạo, vượt khó vươn lên của các DN cùng với quyết sách đúng đắn của tỉnh đã tạo nên những bứt phá của Vĩnh Phúc trong phát triển KT-XH, xây dựng được niềm tin vững chắc trong nhân dân.

Khi dịch Covid-19 bùng phát, thay vì co cụm, trì trệ, Công ty TNHH CDL Precision Technology Việt Nam (KCN Bình Xuyên) đã chủ động thích ứng, linh hoạt đưa ra các quyết sách để vượt qua khó khăn, duy trì sản xuất đó là chủ động đổi mới mô hình SXKD, tái cấu trúc DN gắn với chuyển đổi số, đổi mới và sáng tạo; nâng cao năng suất, năng lực, sức cạnh tranh; quan tâm đến việc giữ chân người lao động; đầu tư nhiều hơn cho công nghệ, nguồn nhân lực chất lượng cao, trình độ quản lý và quản trị DN.

Cùng với đó là sự trợ giúp đắc lực của tỉnh về việc cho phép công ty chậm nộp thuế, được miễn thuế nhập khẩu nguyên vật liệu; các nhóm mạng xã hội của Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ban Quản lý các Khu công nghiệp, Bảo hiểm xã hội, Sở LĐ-TB&XH, Văn phòng UBND tỉnh cung cấp rất nhiều thông tin hữu ích, nhanh chóng, tiện lợi. Nhiều thắc mắc của DN được giải đáp ngay qua những kênh này. Qua đó đã tạo điều kiện quan trọng để DN nhanh chóng phục hồi và tăng trưởng. 7 tháng đầu năm 2022, sản lượng của công ty đều tăng trưởng cao và mở rộng thị trường xuất khẩu.

Một điểm đáng mừng trong bối cảnh hiện nay là niềm tin của các nhà đầu tư và DN tiếp tục được củng cố và có xu hướng tích cực. 7 tháng đầu năm 2022, toàn tỉnh có gần 800 DN đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký hơn 7.800 tỷ đồng, tăng 16,97 về số DN và tăng 4,6% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước.

Vốn đăng ký bình quân một DN thành lập mới đạt hơn 10 tỷ đồng. Số lượng DN tham gia quay trở lại thị trường có xu hướng tích cực với 291 DN, tăng 9,4% so với cùng kỳ năm trước, nâng tổng số DN thành lập mới và DN quay trở lại hoạt động lên hơn 1.000 DN. Tỉnh thu hút được 15 dự án FDI mới và 23 lượt dự án tăng vốn với tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng thêm hơn 360 triệu USD. Điều đáng mừng là các DN mới đầu tư vào tỉnh có vốn đầu tư, quy mô lớn, chất lượng cao. Lĩnh vực đầu tư chủ yếu là hàng điện tử, công nghiệp hỗ trợ ô-tô, xe máy, phù hợp định hướng thu hút đầu tư của tỉnh.

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tỉnh đã quán triệt, triển khai nghiêm túc các chính sách, giải pháp hỗ trợ DN tháo gỡ khó khăn, thích ứng bối cảnh mới; tập trung giải quyết các vấn đề cấp bách và những tồn tại yếu kém, điểm nghẽn đang cản trở hoạt động đầu tư SXKD, hỗ trợ tích cực cho DN phục hồi, phát triển. 6 tháng qua, Tổ giúp việc Chủ tịch UBND tỉnh tiếp nhận khoảng 70 văn bản, 90 cuộc điện thoại, 120 tin nhắn của DN liên quan đến quy trình thủ tục đầu tư, thủ tục nhập cảnh, mặt bằng xây dựng nhà máy... Hầu hết các khó khăn, vướng mắc của DN được tháo gỡ và giải quyết kịp thời, triệt để.

Chia sẻ với những khó khăn của DN, nhất là những DN bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh tỉnh đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vốn vay, giữ nguyên nợ theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư số 03/2022/TT-NHNN của NHNN Trung ương. Từ năm 2020 đến nay, các tổ chức tín dụng đã thực hiện miễn, giảm lãi vay cho hơn 1.680 khách hàng, số tiền lãi được miễn, giảm 45 tỷ đồng; cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ 3.370 tỷ đồng cho 572 khách hàng...

Khó khăn, thách thức của nền kinh tế trong thời gian tới đó là nguy cơ dịch Covid-19 và một số dịch bệnh mới bùng phát; lạm phát tăng cao. Để tiếp tục hỗ trợ các DN chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững, tỉnh tiếp tục chỉ đạo các đơn vị liên quan tổng rà soát lại các khó khăn, vướng mắc của tất cả các loại hình DN để kịp thời giải quyết; làm tốt công tác nắm tình hình, nghiên cứu, dự báo chiến lược, cung cấp thông tin chính xác, kịp thời giúp DN phát triển SXKD, đa dạng hóa các loại thị trường, đổi mới công nghệ, chuyển đổi số; tăng cường hiệu quả triển khai các chính sách và nguồn lực hỗ trợ DN nâng cao năng lực cạnh tranh, chủ động hội nhập quốc tế, nắm bắt và đón đầu các xu hướng kinh doanh mới, xu hướng thị trường mới.

Cùng với đó, các DN cần chủ động đổi mới mô hình SXKD thích ứng với các biến động khách quan, hướng tới kinh doanh sáng tạo, kinh doanh xanh và bền vững; đẩy mạnh chuyển đổi số và ứng dụng KHCN nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của DN.

Bài, ảnh: Mai Liên

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/kinh-te/81923/doanh-nghiep-chu-dong-thich-ung-phuc-hoi-nhanh-va-phat-trien-ben-vung.html