Doanh nghiệp chuyển đổi xanh để gia tăng xuất khẩu

Sáng 20/5, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức Hội thảo với chủ đề: 'Doanh nghiệp chuyển đổi xanh để giữ vững lợi thế cạnh tranh gia tăng xuất khẩu trong giai đoạn mới'.

Tại hội thảo, các đại biểu cho rằng, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang có nhiều biến động, với những yêu cầu ngày càng khắt khe về phát triển bền vững và ứng phó với biến đổi khí hậu, “chuyển đổi xanh” đã trở thành một xu thế tất yếu giúp doanh nghiệp muốn tồn tại và phát triển lâu dài.

Hội thảo Doanh nghiệp chuyển đổi xanh để giữ vững lợi thế cạnh tranh gia tăng xuất khẩu trong giai đoạn mới

Hội thảo Doanh nghiệp chuyển đổi xanh để giữ vững lợi thế cạnh tranh gia tăng xuất khẩu trong giai đoạn mới

Theo bà Trần Thị Thanh Tâm, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (VCCI), chuyển đổi xanh không chỉ đáp ứng yêu cầu của thị trường, mà còn mang lại nhiều giá trị thiết thực cho doanh nghiệp.

“Yêu cầu đặt ra cho các doanh nghiệp là nâng cao uy tín và hình ảnh thương hiệu, thể hiện trách nhiệm xã hội và môi trường kinh doanh. Tối ưu hóa quy trình sản xuất, tiết kiệm năng lượng và nguyên liệu, từ đó giảm chi phí vận hành. Cùng với đó tạo cơ hội tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi, tài trợ quốc tế và các chương trình hỗ trợ phát triển bền vững. Đặc biệt, chuyển đổi số và chuyển đổi xanh là hai quá trình bổ trợ lẫn nhau, ứng dụng công nghệ giúp doanh nghiệp nâng cao hiệu quả sản xuất - kinh doanh, tự động hóa, phân tích dữ liệu, giảm chi phí và nâng cao năng lực cạnh tranh”, bà Tâm nói.

Hiện xu hướng người tiêu dùng đang ngày càng không chỉ quan tâm đến chất lượng và giá cả sản phẩm, còn chú trọng đến yếu tố môi trường, quy trình sản xuất và nguồn gốc bền vững của sản phẩm. Bên cạnh đó, các thị trường xuất khẩu trọng điểm của Việt Nam như châu Âu, Mỹ, Nhật Bản đang ngày càng áp dụng các tiêu chuẩn môi trường nghiêm ngặt hơn với hàng hóa nhập khẩu. Những quy định như cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) của EU, hay các yêu cầu về chứng nhận sản phẩm hữu cơ, sản phẩm có hàm lượng carbon thấp... nếu doanh nghiệp không kịp thích ứng sẽ không thể thâm nhập vào các thị trường này.

Các đại biểu đã cùng nhau trao đổi về xuất khẩu số và xu thế chuyển đổi xanh: Cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam; Kinh nghiệm xúc tiến thương mại quốc tế cho doanh nghiệp khởi nghiệp xanh… Ông Nguyễn Văn Thành, Trưởng phòng Chính sách, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho biết, thương mại điện tử xuyên biên giới đang phát triển mạnh trong thời gian qua, tại Việt Nam năm 2022 đạt 3,5 tỷ USD, tăng 7% so với năm trước.

Nhiều ý kiến tại Hội thảo đã chỉ ra xu hướng chuyển đổi xanh mang lại nhiều giá trị thiết thực cho doanh nghiệp

Nhiều ý kiến tại Hội thảo đã chỉ ra xu hướng chuyển đổi xanh mang lại nhiều giá trị thiết thực cho doanh nghiệp

Dự báo đến năm 2027 con số này có thể đạt 5,5 tỷ USD, vì thế để gia tăng xuất khẩu, doanh nghiệp cần nâng cao chất lượng sản phẩm theo hướng xanh hóa, phát triển bền vững đảm bảo yêu cầu đặt ra đối với các nước trên thế giới. Cùng với đó, đẩy mạnh đào tạo cho các doanh nghiệp về phát triển nhân lực số, hạ tầng logistic; xây dựng tiếp cận đa kênh trên các sàn thương mại điện tử, thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa trong nước qua thương mại điện tử… để gia tăng xuất khẩu.

“Các doanh nghiệp cũng cần có một hành lang pháp lý, có những quy định quy chế quản lý một cách chặt chẽ, đảm bảo công bằng minh bạch, nhưng cũng cần thúc đẩy phát triển thương mại điện tử và đặc biệt là thương mại điện tử xuyên biên giới. Cùng với đó, nhà nước cần kết nối các dịch vụ hỗ trợ cho thương mại điện tử, thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa trong nước thông qua thương mại tử và tối ưu các thủ tục hành chính, cũng như thuận lợi hóa các thủ tục để hỗ trợ xuất khẩu cho các doanh nghiệp trong thời gian tới”, ông Thành nêu giải pháp.

Nguyễn Hằng/VOV1

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/doanh-nghiep-chuyen-doi-xanh-de-gia-tang-xuat-khau-post1200781.vov