Doanh nghiệp có dễ tạo 'nhiệt' cho mùa mua sắm Tết 2024?

Từ sức mua chưa thật sự đột phá dù mở khuyến mãi 'khủng' vào thời điểm cuối năm này, sẽ thấy việc tạo 'nhiệt' cho mùa mua sắm Tết 2024 không phải là điều dễ dàng cho các doanh nghiệp Việt, đặc biệt là các nhà bán lẻ. Nhất là do tài chính còn eo hẹp nên người tiêu dùng vẫn còn 'thắt lưng buộc bụng', khó chi tiêu ào ạt và tiếp tục có xu hướng ưu tiên mặt hàng thiết yếu.

Mới đây, ở Tp.HCM đã tổ chức sự kiện khuyến mãi hàng hiệu – Flash Sale holiday đợt 2 với sự góp mặt của gần 60 doanh nghiệp (DN) với hơn 400 nhãn hiệu nổi tiếng trong nước và quốc tế, mức khuyến mại tối đa lên đến 90%.

Người tiêu dùng khó chi tiêu ào ạt

Đây được xem là sự kiện mua sắm hàng hiệu lớn nhất trong năm ở Tp.HCM với sự tham gia của nhiều DN nội địa nhằm tạo “nhiệt” cho mùa sắm Tết 2024.

Và thông qua đợt khuyến mãi lớn như vậy, điều mong mỏi của các DN là cải thiện sức mua, thu hút đông đảo người tiêu dùng tham gia, để góp phần thúc đẩy tăng trưởng tổng mức bán lẻ hàng hóa trong thời điểm cuối năm này.

Mùa Noel và mùa mua sắm Tết 2024 đang về nhưng sức mua ở Tp.HCM vẫn chưa thể tăng như mong đợi.

Mùa Noel và mùa mua sắm Tết 2024 đang về nhưng sức mua ở Tp.HCM vẫn chưa thể tăng như mong đợi.

Tuy nhiên, khi sức mua hiện tại vẫn còn đầy thách thức thì liệu các DN có dễ tạo “nhiệt” trong mùa mua sắm Tết? Ts. Hoàng Ái Phương, Chủ nhiệm cấp cao bộ môn Digital Marketing tại Đại học RMIT, lưu ý vấn đề “tập trung’ và “thận trọng” là hai từ khóa thể hiện nhu cầu mua sắm hàng hóa ngày Tết. Hơn nữa, chúng còn phản ánh rõ tâm lý tiêu dùng, như đã thấy trong dịp Black Friday vừa qua.

Cần nhắc lại, trong dịp Black Friday hồi gần cuối tháng 11/2023 ở Tp.HCM lẫn Hà Nội, tuy mùa giảm giá diễn ra khá sớm và có mức giảm rất sâu với các chương trình khuyến mãi hấp dẫn như: Mua 1 tặng 1, mua 2 tặng 1, càng mua nhiều giảm càng sâu, sale đồng giá…, thế nhưng sức mua vẫn khá thấp.

Điều đó có thể thấy rõ ở các cửa hàng trong các trung tâm thương mại, siêu thị khi hay cửa hàng ở các tuyến đường lớn (như ở Tp.HCM) không còn xếp hàng, chen chúc dù cho khuyến mãi “khủng” đến cỡ nào.

Theo Ts. Phương, người tiêu dùng đang có xu hướng ưu tiên cho nhu cầu thiết yếu, đặc biệt là những sản phẩm mang lại lợi ích sức khỏe và bền vững. Còn hàng hóa xa xỉ và không thiết yếu có thể sẽ ít được quan tâm hơn. Để tác động đến quyết định mua hàng, thay vì chỉ tập trung vào giảm giá hay quảng bá thương hiệu, các nhà bán lẻ nên dự đoán định hướng thị trường chú trọng vào giá trị, chất lượng và tính khả dụng của sản phẩm.

Còn theo bà Nguyễn Phương Nga, Giám đốc phát triển kinh doanh cấp cao thuộc Công ty nghiên cứu thị trường Kantar Việt Nam, mùa mua sắm Tết 2024 có sự khó khăn nhất định khiến người tiêu dùng sẽ không chi tiêu ào ạt.

Bà Nga nhận định dịp mua sắm Tết sắp đến người tiêu dùng sẽ chi tiêu cầm chừng, mua từ từ, sau đó thiếu thì họ mua thêm. Tuy vậy, cũng có thể như những mùa Tết khác, khoảng 3-4 tuần trước Tết, người tiêu dùng sẽ đi siêu thị mua sắm đầy trên những chiếc xe đẩy.

Trong sức mua chậm vào thời điểm cuối năm này, nhất là mùa Noel đang đến và cận kề Tết Dương lịch 2024 thì “túi tiền” của người tiêu dùng cũng là cả vấn đề nan giải. Như chia sẻ của vị giám đốc phát triển kinh doanh của Kantar Việt Nam, hiện có 25% hộ gia đình đang gặp khó khăn về tình hình tài chính. 53% các hộ gia đình cho biết tình hình tài chính sẽ tương tự hoặc tệ hơn trong 12 tháng tới. Khuynh hướng tiết kiệm, cắt giảm chi tiêu đang khiến cho hành vi mua sắm của người tiêu dùng đã thay đổi, sống tiết kiệm hơn.

Các nhà bán lẻ “đau đầu”

Không chỉ vậy, gần đây trong báo cáo ngành hàng tiêu dùng quý 4/2023 từ Bộ phận phân tích thuộc Công ty chứng khoán VCBS có cho rằng, giá cả hàng hóa cơ bản phần lớn tăng, tín dụng thắt chặt làm nhu cầu tiêu dùng hàng hóa không thiết yếu giảm mạnh. Giá cả hàng hóa thiết yếu phần lớn điều chỉnh tăng 3 – 8% so với đầu 2023 tạo áp lực lên chi tiêu nói chung. Cơ cấu tiêu dùng dịch chuyển theo hướng giảm tỷ trọng vào hàng hóa không thiết yếu, đặc biệt là các mặt hàng có tỷ trọng sử dụng tín dụng tiêu dùng cao.

Trong đó phải kể đến tiêu dùng ICT (sản phẩm công nghệ thông tin và truyền thông) được cho là chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Biên lợi nhuận nhà bán lẻ trong lĩnh vực này giảm mạnh. Doanh thu mảng ICT của nhiều DN bán lẻ trong gần 12 tháng qua đã giảm mạnh từ 20% đến 30% so với cùng kỳ năm trước, cùng với sự suy giảm chung của tiêu thụ điện thoại, laptop.

Theo giới phân tích, hành vi tiêu dùng thắt chặt khiến các nhà bán lẻ đẩy mạnh cạnh tranh về giá để giải phóng áp lực tồn kho. Điều này dẫn đến sự sụt giảm mạnh về biên lợi nhuận ròng đối với nhiều DN bán lẻ hàng đầu ở Tp.HCM.

Ngay như với CTCP Đầu tư Thế giới Di động (MWG), trong báo cáo cập nhật vào tháng 12/2023 từ Bộ phận phân tích thuộc Công ty chứng khoán ACBS đã điều chỉnh giảm dự phóng cho năm 2023-2024 để phản ánh khả năng biên lợi nhuận cải thiện chậm, do công ty hiện tập trung nhiều hơn vào việc thúc đẩy doanh thu thay vì biên lợi nhuận, và kế hoạch đóng 200 cửa hàng trong quý 4/2023.

Như dự phóng từ ACBS, doanh thu của chuỗi Thế giới Di động và Điện máy xanh có thể giảm lần lượt 17,6% và 19,2% so với cùng kỳ trong năm 2023. Mặc dù vậy, tăng trưởng sẽ trở lại trong năm 2024, dù vẫn thấp hơn những năm gần đây, dựa trên kỳ vọng rằng sức mua của người tiêu dùng có thể cải thiện khi khó khăn kinh tế giảm bớt.

Chuyên gia phân tích dự đoán tăng trưởng tương ứng của các chuỗi thuộc MWG được dự phóng ở mức 5,7% và 7,4% so với cùng kỳ trong năm 2024, thấp hơn 7% và 8% so với dự phóng trước sau khi cân nhắc khả năng sức mua có thể cải thiện chậm trong những tháng đầu năm 2024.

Từ khó khăn của các nhà bán lẻ trong ngành hàng tiêu dùng đang “đau đầu” nếm trải vào thời điểm này, để thấy việc tạo “nhiệt” cho mùa mua sắm Tết 2024 không phải là điều dễ dàng.

Để cải thiện sức mua cho mùa mua sắm Tết, Ts. Hoàng Ái Phương có lời khuyên cho DN và các nhà bán lẻ là cần nhấn mạnh vào giá trị và chất lượng của sản phẩm, phù hợp với sự chuyển hướng của người tiêu dùng tiến tới mua sắm các sản phẩm thiết yếu và có ý nghĩa.

Bên cạnh đó, theo Ts. Phương, các DN, nhà bán lẻ cần phát triển các chương trình khuyến mãi nhắm đến nhu cầu và sở thích cụ thể của người tiêu dùng. Chẳng hạn như việc kết hợp các gói khuyến mãi với những mặt hàng thiếu yếu hoặc sản phẩm tập trung vào sức khỏe. Hơn nữa, họ nên nắm bắt sự ưa chuộng ngày càng tăng đối với thương mại điện tử, để từ đó cải thiện trải nghiệm mua sắm trực tuyến.

Thế Vinh

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//thi-truong/doanh-nghiep-co-de-tao-nhiet-cho-mua-mua-sam-tet-2024-1097289.html