Doanh nghiệp có thể thanh toán trái phiếu bằng bất động sản

Doanh nghiệp được phép thanh toán trái phiếu bằng sản phẩm bất động sản, trái phiếu đã phát hành được kéo dài kỳ hạn thêm 2 năm.

Đây là nội dung trong Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 65 về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ vừa được Bộ Tài chính trình Chính phủ.

Cụ thể, trường hợp doanh nghiệp không thể thanh toán gốc và lãi trái phiếu bằng tiền có thể đàm phán với nhà đầu tư để thanh toán bằng tài sản khác theo nguyên tắc tuân thủ quy định của pháp luật dân sự, pháp luật chuyên ngành, pháp luật có liên quan và phải được người sở hữu trái phiếu chấp thuận.

Để hỗ trợ doanh nghiệp huy động vốn phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh và cơ cấu lại các khoản nợ, Bộ Tài chính trình Chính phủ quy định cho phép các trái phiếu đã phát hành trước đây còn dư nợ được đàm phán để thay đổi kỳ hạn của trái phiếu. Thời gian tối đa là 2 năm.

Một nội dung cũng khá quan trọng trong Dự thảo Nghị định 65 sửa đổi là ngưng hiệu lực thi hành đối với một số quy định tại Nghị định 65 đến hết ngày 31/12.

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp 2023 rủi ro tăng cao. (Nguồn: FiinGroup)

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp 2023 rủi ro tăng cao. (Nguồn: FiinGroup)

Trong đó, quy định về việc xác định tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là cá nhân, Bộ Tài chính đưa ra hai phương án. Phương án 1: tạm ngưng thực hiện quy định này đến hết ngày 31/12 và thực hiện lại từ ngày 1/1/2024. Phương án 2 là vẫn tiếp tục thực hiện quy định của Nghị định 65.

Về quy định xếp hạng tín nhiệm bắt buộc, Bộ Tài chính đề xuất ngưng thực hiện quy định đến hết ngày 31/12 và sẽ thực hiện lại từ ngày 1/1/2024. Riêng với trái phiếu doanh nghiệp phát hành ra công chúng vẫn phải xếp hạng tín nhiệm từ kể từ ngày 1/1 năm nay.

Về quy định giảm thời gian phân phối trái phiếu, Bộ Tài chính đề xuất ngưng thực hiện quy định về giảm thời gian phân phối trái phiếu tại Nghị định 65 trong vòng một năm. Theo đó, việc phân phối trái phiếu của từng đợt vẫn là 90 ngày. Kể từ ngày 1/1/2024, tiếp tục thực hiện Nghị định 65, giảm thời gian phân phối từng đợt xuống còn 30 ngày.

Theo dữ liệu của Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA) tổng hợp từ Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (SSC), tính đến ngày 31/1/2023, chưa có đợt phát hành nào trong năm 2023.

Các đợt phát hành được công bố trong tháng 1/2023 hầu hết đều được phát hành vào tháng 12/2022.

Trong các đợt phát hành này, nhóm Ngân hàng chiếm đa số với 3.269,5 tỷ phát hành trái phiếu riêng lẻ và 10.637,8 tỷ đồng phát hành ra công chúng. Trong 3 đợt phát hành còn lại đến từ nhóm các công ty chứng khoán và bất động sản, chỉ chiếm khoảng 3%.

Tại Tọa đàm “Điểm sáng đầu tư 2023 - FiinGroup Invest Summit" tổ chức chiều 15/2, các chuyên gia cho biết, dư nợ trái phiếu doanh nghiệp hiện tại sẽ đạt đỉnh đáo hạn vào năm 2023, cụ thể là quý III và quý IV. Đặc biệt, năm 2024, khối lượng đáo hạn lớn.

Trong năm 2023, mức độ phân hóa về năng lực tín dụng của doanh nghiệp trở nên rõ ràng. Các nhóm doanh nghiệp có năng lực tín dụng kém sẽ mất khả năng thanh khoản và doanh nghiệp buộc phải làm việc với trái chủ cũng như là chủ nợ để tái cấu trúc.

Những doanh nghiệp có xếp hạng tín dụng ở ngưỡng khá và tốt sẽ có nhiều lựa chọn hơn. Có thể là thu hẹp hoạt động sản xuất kinh doanh, mua lại các trái phiếu trước kỳ hạn và chờ đợi những tín hiệu tốt từ nền kinh tế vĩ mô. Một số doanh nghiệp có thể chủ động trong các hoạt động mua bán và sáp nhập tìm kiếm các quỹ đất tiếp theo cho những năm tới.

Trước mắt, để thoát khỏi tình cảnh vỡ nợ, theo PGS-TS. Đinh Trọng Thịnh, doanh nghiệp bất động sản chỉ có các lựa chọn sau: giảm sâu giá bất động sản, đưa giá nhà về mức phù hợp để kích thích dòng tiền từ người mua; liên doanh, liên kết để tìm thêm nguồn vốn bổ sung cho các dự án sắp hoàn thành, có sản phẩm đưa ra thị trường; với các dự án chưa khởi công hoặc không có khả năng hoàn thiện, buộc phải giảm giá để bán cả dự án; đàm phán với trái chủ để giãn nợ trái phiếu.

“Trong lúc này, doanh nghiệp phải chấp nhận nhìn vào thực tế, chấp nhận bán rẻ tài sản để hoàn thành nghĩa vụ trả nợ và có vốn đầu tư, giữ uy tín, ‘chờ thời’ để làm lại”, PGS-TS. Đinh Trọng Thịnh nhấn mạnh.

Cũng theo ông Thịnh, cần cân nhắc sửa đổi Nghị định 65/2022/NĐ-CP một cách toàn diện, chứ không nên theo hướng ân hạn 1-2 năm như dự thảo mà Bộ Tài chính đưa ra thời gian qua. Các quy định mà nghị định này đưa ra quá chặt, gây khó khăn cho cả nhà đầu tư lẫn doanh nghiệp phát hành. Việc ân hạn 1-2 năm không có nhiều ý nghĩa, bởi thị trường sẽ khó khăn không chỉ vài năm và niềm tin của nhà đầu tư không thể sớm lấy lại.

Theo Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước), riêng dư nợ cho vay với bất động sản kinh doanh năm 2022 lên tới 825.000 tỷ đồng, trong đó tập trung lớn nhất vào các dự án xây dựng khu đô thị, dự án phát triển nhà ở. Còn theo thống kê của Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội, tính đến cuối năm 2022, dư nợ trái phiếu riêng lẻ hiện hữu của các doanh nghiệp bất động sản khoảng 419.000 tỷ đồng.

Như vậy, qua hai kênh tín dụng và trái phiếu, các doanh nghiệp bất động sản đang vay tới 1,24 triệu tỷ đồng. Báo cáo tài chính quý IV/2022 cho thấy, tính đến cuối năm 2022, nợ phải trả của nhiều doanh nghiệp bất động sản gấp 4-5 lần vốn chủ sở hữu.

Thanh Hoa

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//tien-te/doanh-nghiep-co-the-thanh-toan-trai-phieu-bang-bat-dong-san-1090837.html