Doanh nghiệp có thể vừa làm thủ tục vừa triển khai dự án

ĐBP - Hiện nay, toàn tỉnh có 11 dự án trồng mắc ca được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư, với quy mô dự kiến trồng 71.415ha, tổng mức đầu tư 12.343 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến ngày 10/6, toàn tỉnh mới trồng được 3.498ha cây mắc ca, so tiến độ cam kết của nhà đầu tư mới đạt 25% và đạt 5% so tổng quy mô các dự án được phê duyệt. Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, các cấp, ngành tỉnh đã triển khai các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư; trong đó, cho phép các nhà đầu tư có thể vừa hoàn thiện thủ tục về đất đai vừa triển khai dự án.

Công nhân Công ty Cổ phần Him Lam mắc ca Tây Bắc chăm sóc mắc ca giống.

Năm 2019, Công ty Cổ phần Him Lam mắc ca Tây Bắc (trước là Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển mắc ca Tây Bắc) triển khai Dự án trồng mắc ca công nghệ cao tại huyện Mường Nhé. Dự án được UBND tỉnh phê duyệt với tổng diện tích 10.105ha thuộc quy hoạch đất rừng sản xuất và đất nông nghiệp khác. Nhà đầu tư dự kiến trồng trên diện tích thuê đất của Nhà nước là 7.105ha còn lại dự kiến liên kết với người dân thực hiện trồng mắc ca là 3.000ha, được thực hiện trên địa bàn 11/11 xã. Mặc dù thời gian qua, huyện Mường Nhé đã tích cực vào cuộc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nhưng tiến độ thực hiện đo đạc, trồng mắc ca còn chậm.

Tính đến đầu tháng 6/2022, nhà đầu tư mới phối hợp với các cơ quan chuyên môn và các xã hoàn thiện các thủ tục đo đạc, quy chủ với tổng diện tích hơn 2.410ha, đạt 23,9% so với tổng diện tích Dự án phải đo đạc. Trong khi đó, tổng diện tích trồng cây mắc ca là 452,22ha, chỉ đạt 42% so với tổng quy mô phê duyệt Dự án; trong đó, 100% diện tích do nhà đầu tư thực hiện trồng tại xã Leng Su Sìn gần 53ha, xã Sen Thượng hơn 382ha và Sín Thầu hơn 17ha. Diện tích liên kết với người dân hiện nay chưa thực hiện trồng được. Để thực hiện liên kết trồng mắc ca giữa người dân và doanh nghiệp thông qua hợp tác xã đảm bảo quyền và lợi ích hài hòa giữa các bên tham gia, huyện Mường Nhé đề nghị nhà đầu tư liên kết với hợp tác xã, hướng dẫn và hỗ trợ kỹ thuật, cung ứng dịch vụ đầu vào (giống, phân bón…), hợp đồng bao tiêu sản phẩm, đảm bảo kịp thời vụ trồng mắc ca năm 2022.

Đại diện lãnh đạo Công ty Cổ phần Him Lam mắc ca Tây Bắc cho biết, nguyên nhân chậm tiến độ chủ yếu do gặp khó khăn trong việc thực hiện các thủ tục liên quan đến đất đai. Cùng với đó, hiện nay dự án giao đất lâm nghiệp chưa có rừng và dự án trồng cây mắc ca cùng triển khai thực hiện trên địa bàn, gây khó khăn trong việc đo đạc quy chủ và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Bởi dự án trồng mắc ca chưa có phê duyệt dự án cụ thể để xác định rõ phạm vi, vùng triển khai đo đạc quy chủ, dẫn đến có thể trùng lặp với đo giao đất không có rừng. Mâu thuẫn về hạn mức giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với đất sản xuất nông nghiệp, đất lâm nghiệp, đất trống đồi núi trọc giữa vùng ngoài dự án và trong dự án trồng mắc ca cũng là lý do khiến tiến độ thực hiện chậm.

Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo thực hiện các dự án đầu tư trồng cây mắc ca tỉnh, tiến độ của 11 dự án đang rất chậm so với cam kết của các nhà đầu tư. Hiện đã bước vào mùa vụ trồng rừng của tỉnh, nhưng tiến độ thực hiện công tác đo đạc, quy chủ đất đai vùng dự án, công tác chuẩn bị hiện trường, chuẩn bị cây giống để tổ chức trồng mắc ca rất chậm, khó có khả năng hoàn thành kế hoạch trồng trong năm 2022 theo khối lượng đã đăng ký của các nhà đầu tư (ngoại trừ dự án trồng mắc ca kết hợp với trồng rừng, dược liệu và xây dựng khu chế biến sản phẩm tại xã Phu Luông, huyện Điện Biên). Các nhà đầu tư chưa quan tâm đến hình thức liên kết, hợp tác với người dân trong vùng dự án, chưa xây dựng được nội dung, cơ chế hợp tác, liên kết. Bên cạnh đó, trên địa bàn một số huyện, các dự án thực hiện với cơ chế, hình thức sử dụng đất khác nhau.

Trước những khó khăn của địa phương và phía nhà đầu tư, Ban Chỉ đạo thực hiện các dự án đầu tư trồng cây mắc ca tỉnh yêu cầu các huyện, thành phố có dự án trồng cây mắc ca tăng cường phối hợp, hỗ trợ các doanh nghiệp trong quá trình tổ chức thực hiện tuyên truyền, vận động để người dân hiểu, định hướng về cơ chế, chính sách của tỉnh và lợi ích, từ đó đồng thuận tham gia.

Đặc biệt, tham mưu điều chỉnh một số nội dung về đất đai đối với cơ chế, chính sách của các dự án trồng mắc ca theo hướng cho phép UBND các huyện và các nhà đầu tư đo đạc, quy chủ, xác định thực trạng sử dụng đất hàng năm của người dân đang quản lý, sử dụng bao gồm cả diện tích người dân đang quản lý, sử dụng ngoài vùng dự án để tính toán hạn mức tối đa không quá 5ha/hộ gia đình, cá nhân để góp phần tăng diện tích cho các nhà đầu tư thuê. Đối với diện tích giao, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân theo hạn mức 5ha/hộ gia đình, cá nhân, cho phép người dân được toàn quyền quyết định kể cả việc trả lại đất để nhà nước cho các nhà đầu tư thuê đất thực hiện dự án theo cơ chế hiện nay.

Bài, ảnh: Văn Tâm

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.info.vn/tin-tuc/kinh-te/197872/doanh-nghiep-co-the-vua-lam-thu-tuc-vua-trien-khai-du-an