Doanh nghiệp còn gặp khó trong triển khai mô hình kinh tế tuần hoàn
Sáng 23/4, tại Ban Quản lý các khu công nghiệp (KCN) tỉnh diễn ra tọa đàm 'Đánh giá các quy định về pháp luật và thực tiễn thi hành pháp luật bảo vệ môi trường thúc đẩy việc thực hiện kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam hiện nay và kiến nghị hoàn thiện'.
Chương trình là một phần trong kế hoạch khảo sát nhiệm vụ bảo vệ môi trường theo nội dung trên, được diễn ra trong 3 ngày của Viện Chiến lược và Khoa học pháp lý thuộc Bộ Tư pháp phối hợp Sở Tư pháp, Sở Tài nguyên & Môi trường và Ban Quản lý các KCN, theo tinh thần chỉ đạo của UBND tỉnh.
Dự tọa đàm có bà Chu Thị Hoa - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học pháp lý, dẫn đầu đoàn khảo sát; ông Lâm Văn Quý – Phó Ban Quản lý các KCN tỉnh; đại diện Sở Tư pháp và các chủ đầu tư KCN, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Kinh tế tuần hoàn (KTTH) là mô hình kinh tế trong đó các hoạt động thiết kế, sản xuất và dịch vụ đặt ra mục tiêu kéo dài tuổi thọ của vật chất và loại bỏ tác động tiêu cực đến môi trường. Theo Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO), nền KTTH là một chu trình sản xuất khép kín, các chất thải được quay trở lại, trở thành nguyên liệu cho sản xuất, từ đó giảm mọi tác động tiêu cực đến môi trường, bảo vệ hệ sinh thái và sức khỏe con người. Vài năm trở lại đây, Đảng và Nhà nước ta ưu tiên hướng tới phát triển KTTH và khẳng định trong định hướng chiến lược phát triển khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia.
Bà Chủ Thị Hoa - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học pháp lý phát biểu tại tọa đàm.
Bình Thuận hiện có 9 KCN đã được Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư với tổng diện tích là 3.048 ha. Trong đó có 6 KCN đã và đang đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng và đang thu hút các nhà đầu tư thứ cấp. Tính đến cuối năm 2023 đã có 88 doanh nghiệp thứ cấp đầu tư vào 5 KCN, trong đó có 66 dự án đã đi vào hoạt động.
Theo đó, mô hình KTTH đã và đang triển khai trong các doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp đã chuyển giao chất thải công nghiệp của đơn vị mình cho những đơn vị khác làm nguyên nhiên liệu sản xuất. Song loại hình kinh tế này vẫn chưa được áp dụng phổ biến, chưa có sự cộng sinh của các doanh nghiệp trong cùng KCN, chưa tối ưu hóa được mô hình KTTH tại các KCN.
Tại tọa đàm, các bên đã cùng nhau rà soát, phân tích, đánh giá các quy định trong hệ thống pháp luật hiện hành của nước ta về quản lý, tái chế chất thải và một số quy định khác có liên quan trong bảo vệ môi trường nhằm thúc đẩy việc thực hiện KTTH trong thời gian tới. Nhiều doanh nghiệp đã có ý kiến, kiến nghị những khó khăn, vướng mắc liên quan các quy định pháp lý còn chồng chéo, chưa rõ ràng, khiến việc triển khai mô hình KTTH không trơn tru.
Ông Lâm Văn Quý – Phó Ban Quản lý các KCN chia sẻ khó khăn với các doanh nghiệp. Đồng thời nhấn mạnh: kinh tế tuần hoàn đơn giản là việc kéo dài cuộc sống, đồng thời có thể đem lại cuộc sống thứ hai cho các nguyên vật liệu vốn sẽ bị coi là rác thải. Đây là một quá trình yêu cầu sự áp dụng các biện pháp thiết kế, sử dụng hợp lý, tái chế, tái sử dụng... nhằm sử dụng nguyên liệu một cách thông minh.
Trong bối cảnh cộng đồng đang phải đối mặt với những thách thức về môi trường và cạn kiệt tài nguyên ngày càng nghiêm trọng, mô hình kinh tế tuần hoàn mang đến một giải pháp tầm nhìn có thể biến đổi xã hội và nền kinh tế. Các doanh nghiệp cần quan tâm KTTH để không chỉ mang lại lợi ích cộng đồng mà còn cho mình. Bên cạnh đó ông đề nghị đoàn khảo sát quan tâm đến ý kiến của các doanh nghiệp, tháo gỡ những khó khăn vướng mắc để các doanh nghiệp triển khai mô hình KTTH thuận lợi. Nhất là các quy định còn chồng chéo, chưa rõ ràng, cần tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện. Ngoài ra có quy chế khen thưởng rõ ràng để khuyến khích các doanh nghiệp tham gia mô hình KTTH.
Phát biểu tại buổi tọa đàm, bà Chu Thị Hoa - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học pháp lý đánh giá cao những ý kiến, đề xuất của Ban Quản lý các KCN, các doanh nghiệp. Cùng với các ý kiến, kiến nghị của các tỉnh, thành khác, Viện Chiến lược và Khoa học pháp lý sẽ có những nghiên cứu làm rõ những vướng mắc ở khâu nào. Cụ thể, do bản thân các quy định còn chung chung hay do người thực thi làm chưa đến nơi đến chốn, để sớm hoàn thiện cơ chế, chính sách thúc đẩy KTTH đi vào cuộc sống tốt hơn.