Doanh nghiệp đành chịu bị ép giá đến 50% để có đơn hàng

Bị ép giá, song doanh nghiệp đành phải chấp nhận để tạo công ăn việc làm cho người lao động, chờ thị trường phục hồi trở lại.

Kết quả khảo sát từ hơn 100 doanh nghiệp mới đây của Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM (Huba) cho thấy, hiện có 83% doanh nghiệp đang gặp khó khăn. Nguyên nhân đến từ việc thị trường bị thu hẹp (41,2%), hàng tồn kho nhiều (30,1%), giá nguyên liệu đầu vào tăng (17,6%), khó tiếp cận vốn (40%), lãi suất cho vay cao (43%), thủ tục cho vay phức tạp tốn nhiều thời gian (38,2%). Điều bất thường so với các năm trước là không ít doanh nghiệp lớn đã phải ngừng ký hợp đồng lao động với số lượng lớn công nhân do không có đơn hàng.

 Giá đơn hàng vừa xuất khẩu sang Mỹ và châu Âu của Dony giảm khoảng 14% so với trước - Nguồn: Kỳ Hoa

Giá đơn hàng vừa xuất khẩu sang Mỹ và châu Âu của Dony giảm khoảng 14% so với trước - Nguồn: Kỳ Hoa

Ông Phạm Quang Anh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Quốc tế Dony (Dony) cho biết, trong tình thế nhu cầu may mặc tại thị trường châu Âu giảm hơn 60% và giảm hơn 40% tại Mỹ, các nhà nhập khẩu đã đưa ra mức giá thấp nhất để “ép” doanh nghiệp.

Đơn cử, giá đơn hàng vừa xuất khẩu sang Mỹ và châu Âu của Dony giảm khoảng 14% so với trước. Song, ông Phạm Quang Anh nói rằng doanh nghiệp đành phải chấp nhận để tạo công ăn việc làm cho người lao động, chờ thị trường phục hồi trở lại.

Một số doanh nghiệp khác thậm chí đã phải chấp nhận xuất hàng với giá chỉ bằng 40 - 50% so với trước trong khi chất lượng hàng vẫn phải đảm bảo, thời gian giao hàng gấp rút.

Ông Nguyễn Chánh Phương, Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TPHCM (Hawa) cũng cho biết, nhìn chung đơn hàng xuất khẩu của các doanh nghiệp trong hội đang sụt giảm, họ hoạt động cầm chừng để giữ chân người lao động. Hiện có khoảng 10% doanh nghiệp còn 50 - 60% đơn hàng, 50% doanh nghiệp còn 30 - 40% đơn hàng, các doanh nghiệp còn lại không có đơn hàng. Dự kiến đơn hàng của ngành còn giảm đến hết quý II/2023 với mức giảm khoảng 50 - 60%.

Theo ông Nguyễn Thanh Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Gỗ VAM Furniture, đa phần các doanh nghiệp ngành gỗ bị “ép” phải giảm giá từ 30 - 50%. Nhiều doanh nghiệp đang phải gồng lỗ để chờ thị trường phục hồi, số khác buộc phải đóng cửa.

Thậm chí, các doanh nghiệp cơ khí điện còn bị đối tác từ Mỹ, châu Âu yêu cầu giá phải rẻ hơn nhưng chất lượng phải tốt hơn hàng Trung Quốc cùng loại, nếu không họ sẽ chọn nguồn cung từ Trung Quốc.

Ông Phạm Ngọc Hưng, Phó chủ tịch Huba cho rằng, ngoài đề nghị hỗ trợ vốn, tín dụng đa phần các doanh nghiệp đều kiến nghị nhiều giải pháp hỗ trợ về thuế. Trong đó cần thực hiện ưu đãi thuế thu nhập cá nhân đối với người làm công ăn lương. Nên tiếp tục chính sách giảm thuế VAT còn 8% đến hết năm 2023 cho tất cả ngành nghề kinh tế chứ không giới hạn ở một số ngành nghề.

Đối với thuế thu nhập doanh nghiệp, tiền thuê đất, thuế tiêu thụ đặc biệt cũng cần xem xét miễn giảm. Theo ông, Nhà nước cũng cần sửa đổi thuế xuất nhập khẩu, không để tồn tại tình trạng doanh nghiệp nhập nguyên thiết bị máy móc phải chịu thuế 0 - 10%, trong khi nhập nguyên vật liệu, linh kiện để chế tạo máy trong nước phải chịu thuế nhập khẩu 15%.

Kỳ Hoa

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/doanh-nghiep-danh-chiu-bi-ep-gia-den-50-de-co-don-hang-post240537.html