Doanh nghiệp đau đầu vì lao động mắc Covid-19 tăng cao

Số lượng các ca F0 tăng cao ở nhiều tỉnh, thành khiến một số doanh nghiệp rơi vào tình trạng thiếu hụt lao động trầm trọng.

GD&TĐ - Số lượng các ca F0 tăng cao ở nhiều tỉnh, thành khiến một số doanh nghiệp rơi vào tình trạng thiếu hụt lao động trầm trọng.

Nhiều công ty thiếu hụt lao động vì các ca mắc Covid-19 tăng cao. Ảnh minh họa

Nhiều công ty thiếu hụt lao động vì các ca mắc Covid-19 tăng cao. Ảnh minh họa

Thiếu lao động, đứt gãy chuỗi sản xuất

Tại Hà Nội, số ca nhiễm Covid-19 tăng cao trong nhiều ngày khiến doanh nghiệp bị ảnh hưởng lớn đến sản xuất. Một số đơn vị, thay vì tuyển công nhân hàng tuần đã phải tuyển lao động hàng ngày.

Giám đốc Công ty TNHH da giày Á Châu cho biết, hiện có hơn nửa người lao động mắc Covid-19. Điều này gây thiếu hụt lao động trầm trọng, ảnh hưởng tới việc sản xuất và các đơn hàng. Ngoài việc trực tiếp bị mắc Covid-19, nhiều lao động thuộc diện F1 cũng phải theo dõi, khó tham gia sản xuất.

Công ty TNHH Điện tử Meiko Việt Nam cho biết, có khoảng hơn 1 nghìn ca F0 trong tổng số hơn 5 nghìn công nhân lao động. Trước tình trạng trên, để duy trì sản xuất, công ty phải gấp rút tuyển dụng các vị trí quan trọng. Theo đó, trước đây công ty tuyển dụng theo tuần thì nay phải tuyển dụng hàng ngày để bảo đảm số lượng lao động. Những vị trí có thể làm thêm được thì sẽ cho công nhân tăng ca để bảo đảm sản xuất.

Công ty Cổ phần In và Bao bì Hà Nội cho biết, đã có tới 50% công nhân lao động bị mắc Covid-19. Theo đại diện, để đảm bảo duy trì sản xuất, ngoài việc sắp xếp nhân sự thay phiên nhau làm việc, công ty phải tuyển thêm lao động thời vụ để thay thế các vị trí còn trống, đảm bảo sản xuất được thông suốt. Tuy nhiên, trong thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp như hiện nay, việc tuyển lao động thời vụ cũng không phải là việc dễ dàng với nhiều doanh nghiệp.

Công ty Trách nhiệm hữu hạn Sakurai Việt Nam hiện có trên 12 nghìn công nhân lao động. Từ sau Tết Nguyên đán, lượng F0 ghi nhận tương đối nhiều, có thời điểm F0 và F1 thống kê lên đến 8 nghìn người. Để hạn chế tình trạng dịch bệnh lây lan, công ty đã cho người lao động là F0, F1 cách ly tại nhà và vẫn được hưởng mọi chế độ tiền lương, thưởng.

Tuy nhiên, do lượng người nghỉ quá nhiều, doanh nghiệp rơi vào tình trạng thiếu lao động nghiêm trọng, có thời điểm phải hoạt động cầm chừng chờ công nhân khỏi bệnh đi làm trở lại. Dự kiến đến giữa tháng 3/2022, sau khi khỏi bệnh, toàn bộ công nhân sẽ đi làm bình thường.

Tình trạng lao động bị nhiễm F0 gia tăng đang làm ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh, nhất là doanh nghiệp xuất khẩu vì vẫn phải đảm bảo về sản lượng, theo tiến độ đơn hàng. Có thời điểm, doanh nghiệp bị đứt gãy chuỗi sản xuất, không bảo đảm đơn hàng theo kế hoạch đề ra. Bên cạnh đó, nhiều công nhân khi khỏi bệnh, quay trở lại làm việc năng suất cũng chưa đạt hiệu quả như trước đó.

Ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội, cho biết, có những doanh nghiệp ghi nhận số lao động mắc Covid-19 nhiều. Người lao động mắc Covid-19 đều được tạm thời nghỉ việc, điều trị theo quy định.

“Tác động này sẽ ảnh hưởng trong vài tháng tới bởi tình trạng này sẽ dai dẳng, hết người này mắc rồi đến người khác nên sẽ ảnh hưởng đến dây chuyền sản xuất. Nhất là việc tăng ca sẽ khó thực hiện được đối với doanh nghiệp sản xuất có độ chuyên môn hóa. Vì vậy, trước tình trạng thiếu hụt lao động mang tính tạm thời này, nhiều doanh nghiệp đang lên phương án, sắp xếp lại sản xuất cho phù hợp”, ông Mạc Quốc Anh cho biết.

Lên phương án sắp xếp sản xuất

Khắc phục tình trạng thiếu lao động trước mắt, hầu hết các doanh nghiệp đều vận động công nhân tăng ca, tăng giờ làm, hoặc xin giãn tiến độ giao hàng. Nhiều công ty đăng tuyển dụng thêm lao động hoặc sử dụng biện pháp thuê lại lao động từ các công ty cho thuê trong thời gian ngắn để bù vào số lượng thiếu hụt.

Để bảo đảm an toàn cho người lao động, Công ty TNHH Điện tử Meiko Việt Nam tiếp tục duy trì các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 như chú ý đến khoảng cách, phân chia bữa ăn ca. Đồng thời tổ chức test nhanh khi người lao động có biểu hiện sốt, ho, khó thở để cách ly kịp thời. Bên cạnh đó, công ty cũng điều chỉnh hoạt động của “Tổ An toàn Covid-19” cho phù hợp với tình hình hiện tại.

Công ty TNHH da giày Á Châu tiếp tục duy trì các biện pháp phòng, chống dịch như bảo đảm khoảng cách, yêu cầu công nhân lao động đeo khẩu trang trong suốt thời gian làm việc. Đồng thời tạo các vách ngăn tại nhà ăn. Công ty duy trì việc test nhanh 100% đầu vào ca sáng, đêm cho người lao động.

Tại nhiều công ty, Ban chấp hành Công đoàn đã động viên tinh thần người lao động bằng các hoạt động như tặng khẩu trang; viên sủi vitamin C; nhu yếu phẩm hoặc tiền mặt. Điều này phần nào giúp người lao động yên tâm làm việc.

Để giải bài toán thiếu hụt lao động, nhiều công ty còn động viên công nhân là F0 sớm trở lại làm việc sau khi điều trị khỏi. Đồng thời tiếp tục triển khai hàng loạt biện pháp phòng, chống Covid-19 như khuyến cáo 5K, tránh tiếp xúc, khoanh vùng F0, khử khuẩn…

Để làm được điều đó, nhiều doanh nghiệp đề nghị hoàn thành tiêm mũi bổ sung cho người lao động, nghiên cứu thành lập các đơn vị thu dung, điều trị cho người lao động mắc Covid-19. Các doanh nghiệp cũng đề nghị các cơ quan chức năng tháo gỡ khó khăn do thiếu công nhân trong thời điểm này. Đồng thời, kiến nghị lãnh đạo địa phương xem xét việc kết nối với các trường đào tạo nghề trên địa bàn để đưa học sinh, sinh viên đến thực tập, làm việc. Nhiều doanh nghiệp còn sẵn sàng trả lương cho sinh viên chưa có kinh nghiệm. Đây là cách tuyển dụng của một số doanh nghiệp khi thiếu hụt nguồn lao động trầm trọng.

Thậm chí, nhiều doanh nghiệp đề nghị tuyển sinh viên chưa ra trường về tập sự. Có doanh nghiệp đồng ý trả lương nhân viên chính thức cho sinh viên mới ra trường chưa có kinh nghiệm trong thời gian thử việc, đào tạo lại…

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/kinh-te-xa-hoi/doanh-nghiep-dau-dau-vi-lao-dong-mac-covid-19-tang-cao-TsGT3ULng.html