Doanh nghiệp đầu tầu - khó khăn lớn nhất trong phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp

'Khó khăn lớn nhất trong phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp là lựa chọn và tìm kiếm được doanh nghiệp đầu tàu, các doanh nghiệp đồng hành cùng nông dân, đặc biệt là nông dân nghèo, sản xuất nhỏ, vùng sâu xa', theo TS. Đào Thế Anh, Phó Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam.

Các chuyên gia, doanh nghiệp tham gia Diễn đàn Nông nghiệp Mùa Xuân 2018 chủ đề “Đổi mới chuỗi cung ứng nhằm tăng cường hiệu quả nền nông nghiệp Việt Nam”

Ngày 24/4/2018, Liên minh Nông nghiệp và Hội Khoa học Phát triển Nông thôn Việt Nam phối hợp tổ chức Diễn đàn Nông nghiệp Mùa Xuân 2018 chủ đề “Đổi mới chuỗi cung ứng nhằm tăng cường hiệu quả nền nông nghiệp Việt Nam”, với sự hỗ trợ của Tổ chức Oxfam tại Việt Nam và Công ty Cổ phần Lina Network.

Đây là hoạt động lớn nhất trong năm của chuỗi các hội thảo thuộc Diễn đàn Chính sách Nông nghiệp Việt Nam (VAPF), thu hút nhiều chuyên gia, nhà quản lý và doanh nghiệp tham gia thảo luận về các vấn đề chính sách quan trọng của ngành nông nghiệp hiện nay.

Đưa ra một thực trạng đáng buồn, TS. Đào Thế Anh, Phó Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam cho biết, tính đến nay, có khoảng 700 chuỗi giá trị nông sản an toàn nhưng chỉ 50% chuỗi hoạt động có hiệu quả. Các chuỗi nông sản hoạt động thấp là do chi phí giao dịch cao, công nghệ chế biến thấp, chưa áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đặc biệt là do chưa có doanh nghiệp đầu tầu.

“Khó khăn lớn nhất trong phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp là lựa chọn và tìm kiếm được doanh nghiệp đầu tàu, các doanh nghiệp đồng hành cùng nông dân, đặc biệt là nông dân nghèo, sản xuất nhỏ, vùng sâu xa. Bên cạnh đó, nhận thức của người dân về vấn đề tổ chức sản xuất cùng xây dựng, kiểm soát lẫn nhau khi hợp tác với doanh nghiệp còn hạn chế”, TS. Đào Thế Anh chia sẻ.

PGS.TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) cũng thừa nhận mặc dù đã có những chính sách của Nhà nước hướng tới việc sản xuất sản phẩm nông nghiệp theo chuỗi giá trị như các Quyết định 62, Quyết định 210, Quyết định 889 nhưng việc lựa chọn được doanh nghiệp đầu tầu, đặc biệt là các doanh nghiệp dám đồng hành cùng nông dân nghèo, sản xuất nhỏ. Đó là chưa kể, nhận thức của người dân về vấn đề tổ chức sản xuất, cùng nhau xây dựng kế hoạch và kiểm soát lẫn nhau khi hợp tác với doanh nghiệp còn rất hạn chế.

Khuyến nghị mà cả giới học giả và doanh nghiệp tham gia Diễn đàn là Nhà nước cần tạo cơ chế cho doanh nghiệp lớn hơn lên và bản thân doanh nghiệp bắt buộc phải tự lớn, cùng với đó thúc đẩy hơn nữa sự liên kết giữa doanh nghiệp với hộ nông dân, hợp tác xã.

PGS.TS Vũ Trọng Khải, nguyên Hiệu trưởng Trường Đào tạo Cán bộ Nông nghiệp Nông thôn Miền Nam đưa ra ý kiến rất tâm đắc: Trong chuỗi giá trị nông nghiệp, liên kết chủ yếu nhất vẫn là nhà doanh nghiệp và nông dân. Điều quan trọng, doanh nghiệp phải giải quyết được 3 vấn đề: thị trường, thương hiệu và vốn. Làm sao để thị trường phải do doanh nghiệp tự kết nối cho nông dân chứ không phải nông dân phải qua thương lái.

"Doanh nghiệp phải tạo được niềm tin với nhà nông, phải lãnh đạo chuỗi và đưa công nghệ vào. Điều này bắt buộc doanh nghiệp phải tự lớn lên. Bên việc hỗ trợ cho doanh nghiệp về vốn với lãi suất thấp, Nhà nước cần có chính sách giảm thuế, thậm chí là miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 3 năm cho doanh nghiệp. Để hạn hạn chế tình trạng "bẻ kèo" (từ người nông dân và cả phía doanh nghiệp), mức giá khi doanh nghiệp ký hợp đồng với người nông dân cần được tính toán phân chia kỹ lưỡng cả về lợi ích và rủi ro, chứ không thể cứ theo mức giá thông thường hiện nay", ông Khải khuyến nghị.

Khi doanh nghiệp chưa đủ làm đầu tầu, kinh nghiệm thực tế mà bà Tuyết My thuộc Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ đưa ra là: Cần thực hiện liên tục chu trình kết nối - đào tạo - kết nối giữa doanh nghiệp với nông dân để sản phẩm của họ được ra thị trường. Người nông dân, với tầm hạn chế của mình, đôi khi không hiểu là họ sai. Nhiệm vụ của doanh nghiệp là phải tiếp cận thị trường, liên tục đào tạo cách thức canh tác để để người nông dân làm tốt việc sản xuất ở địa phương theo hướng an toàn thực phẩm. Khách hàng cần được tham gia khâu giám sát cùng doanh nghiệp và người nông dân.

Đây cũng là cách mà bà Lê Na, đại diện cho Công ty Cổ phần Trang trại Nông sản Phủ Quỳ Cam Vinh Kỳ Yến chia sẻ về thành công của doanh nghiệp mình đang quản lý. Tăng cường liên kết giữa doanh nghiệp và người nông dân, tạo nên đặc sản cho sản phẩm và sáng tạo thêm mô hình du lịch sinh thái đang là hướng đi đúng để phát triển chuỗi giá trị cung ứng nhằm tăng cường hiệu quả cho doanh nghiệp nông sản hiện nay.

Minh Hoa

Nguồn Doanh Nhân VN: https://doanhnhanvn.vn/y-kien/doanh-nghiep-dau-tau-kho-khan-lon-nhat-trong-phat-trien-chuoi-gia-tri-nong-nghiep-1389.html