Doanh nghiệp đầu tư cho thương mại bền vững
Phát triển bền vững là một nội dung không thể thiếu trong các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới. Yêu cầu này thúc đẩy doanh nghiệp tăng đầu tư cho bảo vệ môi trường và cắt giảm phát thải.
Mở rộng không gian xuất khẩu
Trong công văn mới nhất về tổng kết tình hình thực hiện Nghị quyết 01/NQ-CP năm 2024 của Chính phủ và đề xuất nội dung đưa vào Nghị quyết năm 2025, Bộ Công thương nêu những con số ấn tượng về xuất nhập khẩu.
Theo đó, tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2024 ước tăng 15,8%, cao gần gấp 3 lần so với mục tiêu kế hoạch 6% mà Chính phủ giao; cán cân thương mại duy trì xuất siêu ở mức cao, khoảng 23,31 tỷ USD, cao hơn rất nhiều so với mục tiêu do Chính phủ giao là khoảng 15 tỷ USD.
Với việc đã ký kết và thực thi 17 hiệp định thương mại tự do (FTA), Việt Nam tiếp tục là trung tâm sản xuất hàng hóa lớn cho các nhà đầu tư quốc tế, đặc biệt trong ngành xuất khẩu chủ lực, từ điện tử, máy móc thiết bị cho tới nhóm nông, lâm, thủy sản… Tổng doanh thu xuất khẩu của riêng 7 nhóm ngành hàng lớn nhất trong 11 tháng năm 2024 đã lên tới 246 tỷ USD, xuất siêu 24,3 tỷ USD. Còn ở phạm vi cả nước, xuất khẩu 11 tháng đạt 370 tỷ USD, tăng 14,4%.
Việc thực thi các FTA thời gian qua mở ra cơ hội rất lớn cho Việt Nam trong phát triển thị trường, tăng trưởng thương mại, xuất nhập khẩu và đầu tư, góp phần đưa nền kinh tế Việt Nam duy trì mức tăng trưởng cao 6-7%/năm, lọt Top 20 quốc gia có quy mô thương mại lớn toàn cầu.
Nguồn: Bộ Công thương
Có thể nói, tham gia FTA đã mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp như cung cấp cơ hội cho doanh nghiệp tiếp cận các thị trường mới, giảm thuế quan và rào cản thương mại. Điều này giúp tăng cường khả năng xuất khẩu của doanh nghiệp, giúp gia tăng doanh số bán hàng, quy mô hoạt động.
17 FTA đã được ký kết và thực thi giúp mở rộng không gian cho ngoại thương Việt Nam, góp phần quan trọng thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu và cả nền kinh tế.
Các doanh nghiệp nội địa và khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thời gian qua đã tăng đầu tư để mở rộng xuất khẩu, đặc biệt vào thị trường có hiệp định thương mại với Việt Nam.
Bà Nguyễn Thị Huyền, CEO Công ty cổ phần Xuất khẩu quế hồi Việt Nam (Vinasamex) cho hay: “Các FTA mà Việt Nam ký kết với các nước mở ra cơ hội lớn cho những doanh nghiệp xuất khẩu, trong đó có những doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu quế hồi như Vinasamex”.
Vinasamex đang sản xuất và xuất khẩu các loại gia vị và tinh dầu hữu cơ, với Mỹ và châu Âu là hai thị trường xuất khẩu lớn nhất.
Kể từ khi Hiệp định Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Anh (UKVFTA) hay Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực, Vinasamex có nhiều thuận lợi, do thuế xuất khẩu giảm, tạo nên lợi thế cạnh tranh, giúp nông sản Việt sang khu vực châu Âu và đặc biệt là thị trường Anh có lợi thế hơn.
“Các thị trường mà Việt Nam đã ký kết FTA đều khó tính, tiêu chuẩn cao. Để tận dụng được cơ hội từ các FTA đã ký, những năm gần đây, Vinasamex tập trung đầu tư mạnh vào chất lượng hàng hóa và nâng cao giá trị sản phẩm, thay vì số lượng”, bà Huyền nói.
Nhưng, khi đã đầu tư đúng trọng tâm, giá xuất khẩu mà Vinasamex ký được với các đối tác vào thị trường châu Âu hay thị trường Anh luôn cao hơn khoảng 20% so với giá sản phẩm thông thường trước đây. Kết quả được nâng lên nhiều so với khoảng 10 năm trước, khi doanh nghiệp chỉ xuất khẩu sang Ấn Độ, Bangladesh hay Singapore - vốn không đòi hỏi cao về tiêu chuẩn chất lượng hay định hướng phát triển bền vững.
Với thực phẩm chế biến, Công ty GC Food đang mở rộng đầu tư lên 50.000 tấn/năm, nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của thị trường quốc tế, tăng khả năng tận dụng các FTA mà Việt Nam đã ký kết với hơn 60 nền kinh tế.
Sản phẩm của GC Food đã xuất khẩu sang hơn 20 quốc gia, chủ yếu ở châu Á như Ấn Độ, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc. Lợi thế của GC Food là xuất sang một số thị trường không phải chịu thuế, như Nhật Bản và Hàn Quốc, giúp gia tăng sức cạnh tranh với các quốc gia cùng xuất khẩu khác chưa có FTA tại các thị trường này.
Thúc đẩy thương mại bền vững
Thương mại và phát triển bền vững đã trở thành nội dung không thể thiếu trong các FTA thế hệ mới. Yêu cầu này đã thúc đẩy doanh nghiệp tăng đầu tư cho bảo vệ môi trường và cắt giảm phát thải.
Xu hướng tiêu dùng bền vững ngày càng mạnh và đã được cả Chính phủ, doanh nghiệp, người tiêu dùng và cộng đồng dân cư ở Anh coi như một trong những giá trị, yêu cầu hàng đầu. Nhìn rộng ra, trên thế giới hiện có hơn 70 quốc gia đưa các tiêu chuẩn xanh vào trong hoạt động thương mại.
TS. Lê Huy Huấn, Điều phối viên Chương trình Tăng trưởng xanh và Biến đổi khí hậu toàn cầu Việt Nam (CCG Việt Nam) cho rằng, các xu hướng, chính sách về sản xuất xanh và tiêu dùng bền vững tại các quốc gia châu Âu ngày càng trở nên chặt chẽ hơn. Điều này đặt các nhà xuất khẩu của Việt Nam chủ động thích ứng để đầu tư phù hợp nếu không, kể cả có FTA cũng khó khai thác hiệu quả.
Chỉ dấu tích cực là nhiều doanh nghiệp lớn đã và đang rất chủ động trong việc thích ứng với những sự thay đổi của chính sách thương mại xanh cũng như chủ động trong việc xây dựng các quy trình sản xuất, để đáp ứng được các tiêu chuẩn toàn cầu.
Tuy nhiên, chi phí tuân thủ là một vấn đề rất lớn, bởi mọi sự chuyển đổi đều phải mất thời gian, tiền bạc. Tại Việt Nam, với hơn 80% doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa, chi phí để chuyển đổi ban đầu, đầu tư ban đầu cho công nghệ xanh, cho các quy trình, nhân lực triển khai công nghệ này thực sự là một vấn đề rất khó khăn.
“Nếu doanh nghiệp không thích ứng được thì sẽ bị bỏ lại trong cuộc chơi, giảm thị phần, mất vị trí trong chuỗi cung ứng toàn cầu, mất đi lợi thế cạnh tranh”, TS. Lê Huy Huấn đánh giá.
Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/doanh-nghiep-dau-tu-cho-thuong-mai-ben-vung-d232375.html