Doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất dịp cuối năm
Cuối năm thường là cơ hội 'vàng' để các doanh nghiệp gia tăng tiêu thụ hàng hóa do nhu cầu tiêu dùng của thị trường tăng cao. Tại Hà Nam, thời điểm này, các doanh nghiệp vừa tích cực đẩy mạnh sản xuất để hoàn thành số lượng đơn hàng trong năm, vừa chủ động nghiên cứu thị trường, đổi mới mẫu mã sản phẩm, tìm kiếm đối tác, mở rộng thị truờng tiêu thụ nhằm tạo tiền đề vững chắc cho hoạt động sản xuất, kinh doanh những tháng đầu năm 2023.
Cuối năm thường là cơ hội “vàng” để các doanh nghiệp gia tăng tiêu thụ hàng hóa do nhu cầu tiêu dùng của thị trường tăng cao. Tại Hà Nam, thời điểm này, các doanh nghiệp vừa tích cực đẩy mạnh sản xuất để hoàn thành số lượng đơn hàng trong năm, vừa chủ động nghiên cứu thị trường, đổi mới mẫu mã sản phẩm, tìm kiếm đối tác, mở rộng thị truờng tiêu thụ nhằm tạo tiền đề vững chắc cho hoạt động sản xuất, kinh doanh những tháng đầu năm 2023.
Năm 2022, dịch bệnh Covid -19 đã cơ bản được kiểm soát nhưng hoạt động sản xuất, kinh doanh trên nhiều lĩnh vực, ngành nghề vẫn phải đối mặt với những khó khăn, thách thức do tình hình thế giới có nhiều bất ổn; chính sách thắt chặt tiền tệ tại nhiều quốc gia tăng; giá nguyên vật liệu, giá dầu, tỷ giá USD/VNĐ tăng cao tạo sức ép lên mặt bằng giá sản xuất trong nước. Bên cạnh đó, tình trạng thiếu hụt xăng, dầu tại các thành phố lớn như TP Hồ Chí Minh và Hà Nội thời gian vừa qua cũng khiến cho chi phí vận chuyển hàng hóa tăng mạnh, gây khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Trước tình hình đó, các cấp, ngành, chính quyền địa phương trong tỉnh đã tiến hành rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp. Nhờ đó, trong những tháng cuối năm 2022, hoạt động sản xuất công nghiệp đạt tốc độ tăng trưởng khá, trong 2 tháng 10 và 11, chỉ số sản xuất công nghiệp lần lượt tăng 26% và 14,7% so với cùng kỳ năm 2021. Theo đánh giá của ngành chức năng, trong tháng cuối năm 2022, hoạt động sản xuất công nghiệp vẫn duy trì tốt đà tăng trưởng khi có nhiều doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn về thị trường tiêu thụ và ký kết được thêm các đơn hàng mới.
Sản xuất tại Công ty TNHH Set Vina, KCN Châu Sơn, TP Phủ Lý. Ảnh: Hải Yến
Đơn cử như tại Công ty cổ phần Nhựa Kiên An (Cụm Công nghiệp Kim Bình, TP Phủ Lý), trong 9 tháng năm 2022, công ty gặp không ít khó khăn do phần lớn hàng hóa xuất khẩu sang thị trường châu Âu bị ảnh hưởng. Hàng hóa không tiêu thụ được, doanh thu của công ty bị sụt giảm đáng kể. Trước khó khăn đó, Nhựa Kiên An đã tập trung tìm hiểu, nghiên cứu thị trường và đã tìm kiếm được các đối tác mới ở thị trường Mỹ, các nước châu Á và tăng cường tiêu thụ tại thị trường trong nước. Trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh, mặc dù tại nhiều thời điểm, sản lượng hàng hóa xuất khẩu bị giảm sút nghiêm trọng nhưng công ty vẫn thực hiện đầy đủ các cơ chế, chính sách, chế độ đối với người lao động. Nhờ đó, ngay khi ký kết thêm được nhiều đơn hàng mới trong những tháng cuối năm 2022, Công ty cổ phần Nhựa Kiên An vẫn bảo đảm đủ nguồn lao động để làm thêm giờ, tăng tốc sản xuất, đáp ứng yêu cầu về tiến độ giao hàng cho đối tác...
Ông Trần Hoàng Hoan, Giám đốc công ty cổ phần Nhựa Kiên An cho biết: Thời gian vừa qua, tôi đã trực tiếp sang một số nước châu Âu, châu Mỹ để tìm hiểu thị trường, thị hiếu tiêu dùng của các nước. Từ đó, đã mang về cho công ty nhiều đơn hàng mới, giúp phần nào bù đắp sự sụt giảm về đơn hàng trong những tháng đầu năm 2022. Nhựa Kiên An đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất để tiếp tục duy trì, phục hồi và phát triển sản xuất.
Chỉ còn một tuần lễ nữa là kết thúc năm 2022, các doanh nghiệp trong tỉnh vẫn đang chạy đua với thời gian để hoàn thành kế hoạch sản xuất, kinh doanh của năm. Bên cạnh những thuận lợi về mặt bằng, cơ sở hạ tầng, nguồn lao động, dịch vụ phục vụ sản xuất, nhất là nguồn điện được duy trì ổn định, thời điểm này, nhiều doanh nghiệp vẫn đang gặp khó khăn về vốn đầu tư, thị trường tiêu thụ bị thu hẹp. Do vậy, bên cạnh việc nghiên cứu, mở rộng thị trường tiêu thụ, các doanh nghiệp cũng tích cực cải tiến dây chuyền, công nghệ, phát động phong trào thi đua lao động sáng tạo trong cán bộ, công nhân viên, người lao động. Nhờ mở rộng được thị trường tiêu thụ và ký kết đơn hàng mới, nhiều doanh nghiệp liên tục tuyển thêm công nhân lao động nhằm đẩy nhanh tiến độ sản xuất, hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch sản xuất, kinh doanh đã đề ra từ đầu năm.
Ông Nguyễn Viết Thạo, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Casablanca Việt Nam – một trong những doanh nghiệp có mức đóng góp ngân sách cao nhất năm 2022 tại KCN Châu Sơn (TP Phủ Lý) cho biết: Tác động của đại dịch Covid -19 khiến công ty gặp khó khăn trong một số thời điểm. Để tăng uy tín, sức cạnh tranh, mở rộng hơn nữa thị trường tiêu thụ trong bối cảnh tình hình thế giới còn diễn biến phức tạp, năm 2022, Casablanca đã tiến hành nâng cấp các dây chuyền máy móc theo hướng tiếp cận công nghệ tiên tiến hiện đại, từ đó giúp Casablanca ngày càng tăng sức cạnh tranh trên thị trường về giá, mẫu mã, chất lượng sản phẩm. Sản phẩm của công ty hiện đã có mặt tại hầu khắp các thị trường khó tính trên thế giới, trong đó, tập trung nhiều nhất là Mỹ, Canada, Pháp, Tây Ban Nha, I-ta-li-a, Hàn Quốc, Nhật Bản… Mới đây, 2 nhà máy sản xuất túi siêu thị của Casablanca đã phải tuyển thêm hàng trăm lao động để hoàn thành tiến độ các đơn hàng trong năm và phục vụ sản xuất cho các đơn hàng mới của năm 2023. Thời điểm này, hai nhà máy đang duy trì công việc ổn định cho khoảng 750 lao động. Năm 2022, doanh thu tại hai nhà máy ước đạt trên 3.100 tỷ đồng, tăng xấp xỉ 35% so với năm 2021.
Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có khoảng 5.600 doanh nghiệp đang hoạt động thường xuyên tại các địa phương, khu, cụm công nghiệp. Năm 2022, trước nhiều khó khăn về giá nguyên liệu đầu vào, thị trường đầu ra, một số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dệt may, da giày, sản xuất đồ gỗ, sản xuất kim loại, xe máy… có sản lượng tiêu thụ giảm so với trước. Thế nhưng nhìn chung, hoạt động sản xuất công nghiệp của tỉnh vẫn duy trì tốt đà tăng trưởng với giá trị sản xuất công nghiệp năm 2022 ước đạt 176.078 tỷ đồng, tăng 15,2% so với năm 2021. Trong đó, ngành khai khoáng, công nghiệp chế biến, chế tạo, sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu, sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic, sản xuất đồ uống, sản xuất đồ chơi trẻ em, sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy… là những lĩnh vực có mức tăng trưởng khá trong những tháng cuối năm cũng như trong cả năm 2022.
Nền kinh tế thế giới vẫn còn diễn biến bất thường, dự báo sẽ tiếp tục tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp Việt Nam nói chung, doanh nghiệp tại Hà Nam nói riêng trong thời gian tới. Vì vậy, việc nắm bắt thời cơ, tập trung thực hiện các giải pháp để thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ sản phẩm dịp cuối năm càng được các doanh nghiệp chú trọng nhằm bảo đảm về mặt doanh số, sản lượng hàng hóa tiêu thụ theo kế hoạch đề ra trong năm 2022. Với sự quan tâm, hỗ trợ tích cực từ các cấp, ngành, chính quyền địa phương cùng sự nỗ lực, quyết tâm cao của cộng đồng doanh nghiệp, tin tưởng rằng, Hà Nam sẽ có nhiều doanh nghiệp hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu, kế hoạch đề ra trong năm 2022, tiếp tục vươn lên để tạo bứt phá trong năm 2023 và những năm tiếp theo.