Doanh nghiệp đề xuất 5 giải pháp để phát triển ngành lúa gạo xanh – tuần hoàn
Phát triển ngành lúa gạo theo mô hình kinh tế tuần hoàn là giải pháp cốt lõi cho nông nghiệp bền vững, tuy nhiên cần có sự phối hợp giữa nhà nước – doanh nghiệp – nông dân – thị trường. Trong bối cảnh đó, doanh nghiệp đưa ra 5 giải pháp để phát triển hạt gạo Việt theo hướng xanh, tuần hoàn.
Chia sẻ tại Diễn đàn “Nông nghiệp 2025: Thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp”, anh hùng Lao động Trần Mạnh Báo, Chủ tịch VSTA, Chủ tịch ThaiBinh Seed nhận định, ngành lúa gạo là một trong những trụ cột quan trọng của nền nông nghiệp Việt Nam. Ông đã nhắc lại câu chuyện tại Hội nghị thượng đỉnh BRICS vừa qua tại Brasil, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã gặp gỡ và làm việc với lãnh đạo nhiều quốc gia. Trong đó, lãnh đạo các nước như Brasil, Indonesia, Malaysia… đều bày tỏ mong muốn Việt Nam duy trì ổn định xuất khẩu lúa gạo cho họ.
“Điều này khẳng định rằng, hạt gạo Việt Nam không chỉ là sản phẩm thiết yếu phục vụ đời sống người dân trong nước, mà còn là công cụ ngoại giao và là thành tố quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu, một niềm tự hào cho Việt Nam và ngành lúa gạo nước nhà. Tuy nhiên, để ngành lúa gạo thực sự trở thành một ngành kinh tế tuần hoàn, phát triển bền vững, chúng ta vẫn còn nhiều việc phải làm...”, Anh hùng lao động Trần Mạnh Báo nhấn mạnh.

Hạt gạo Việt Nam đang ngày càng khẳng định thương hiệu trên thị trường quốc tế.
Đặc biệt, trong bối cảnh biến đổi khí hậu, suy giảm tài nguyên, chi phí đầu vào tăng cao và yêu cầu ngày càng khắt khe từ thị trường quốc tế, phát triển ngành lúa gạo theo hướng tuần hoàn – bền vững – xanh là con đường tất yếu. Mô hình này không chỉ giúp giảm chi phí sản xuất, tận dụng phụ phẩm, mà còn gia tăng giá trị, giảm phát thải, bảo vệ môi trường và nâng cao thu nhập cho người trồng lúa.
“Không thể nói là phụ phẩm mà phải nói là tài nguyên”, ông Báo nhấn mạnh. Đồng thời chia sẻ thực tế, tại Việt Nam hiện nay đã xuất hiện nhiều mô hình kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp mang lại hiệu quả tích cực.
Trong ngành lúa gạo, có thể kể đến một số mô hình tiêu biểu như: Mô hình sản xuất lúa - cá - vịt ở ĐBSCL, giúp tận dụng phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn chăn nuôi và kiểm soát sâu bệnh sinh học; Mô hình thu gom rơm rạ để trồng nấm, sản xuất phân hữu cơ, làm chất đốt thay thế nhiên liệu hóa thạch tại các tỉnh miền Bắc và miền Trung.
Bên cạnh đó, một số hợp tác xã ở Thái Bình, An Giang, Đồng Tháp đã ứng dụng canh tác hữu cơ, sử dụng chế phẩm vi sinh và tái tạo phụ phẩm sau thu hoạch, hướng đến tiêu chuẩn gạo sạch, gạo hữu cơ.
Tuy nhiên, Chủ tịch ThaiBinh Seed cũng thẳng thắn, phần lớn các mô hình này còn mang tính tự phát, thiếu liên kết vùng, thiếu cơ chế hỗ trợ đồng bộ về vốn, kỹ thuật và đầu ra thị trường. Việc phát triển tuần hoàn vẫn còn rời rạc, chưa hình thành chuỗi khép kín từ giống, canh tác, thu hoạch, chế biến đến tiêu thụ và tái tạo tài nguyên .
Chính vì vậy, cần có sự kết nối giữa các bên liên quan trong chuỗi sản xuất kinh tế tuần hoàn. Bởi chỉ có Nhà nước trong hoàn thiện chính sách, đưa ra cơ chế là chưa đủ. Và nếu chỉ có nông dân, HTX đơn phương thực hiện thì sẽ không tạo ra động lực để phát triển các chuỗi kinh tế tuần hoàn bền vững. Thêm vào đó, cần sự tham gia, hỗ trợ từ các tổ chức, các quốc gia.
Từ thực tiễn của doanh nghiệp ThaiBinh Seed, ông Trần Mạnh Báo khẳng định: “Phát triển ngành lúa gạo theo mô hình kinh tế tuần hoàn không chỉ là hướng đi tất yếu để nâng cao giá trị chuỗi ngành hàng mà còn là giải pháp cốt lõi để xây dựng một nền nông nghiệp bền vững thân thiện với môi trường, đảm bảo sinh kế cho nông dân và đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về lương thực trong tương lai. Để làm được điều đó cần có sự phối hợp đồng bộ giữa nhà nước – doanh nghiệp – nông dân – thị trường”.
Ông đề xuất, thứ nhất, xây dựng một chương trình quốc gia phát triển ngành hàng lúa gạo theo mô hình kinh tế tuần hoàn, với sự tham gia của cả hệ thống chính trị, các doanh nghiệp, HTX, nhà khoa học và nông dân.
Thứ hai, ưu tiên nghiên cứu và phát triển giống lúa phù hợp với sản xuất tuần hoàn: giống ngắn ngày, chống chịu tốt, giảm phát thải, sử dụng ít tài nguyên và có khả năng tạo giá trị từ phụ phẩm.
Thứ ba, hỗ trợ tín dụng, hạ tầng, chuyển giao kỹ thuật cho các doanh nghiệp và HTX trong thu gom, xử lý, tái tạo phụ phẩm từ sản xuất lúa.
Thứ tư, xây dựng các mô hình chuỗi khép kín từ giống – sản xuất – chế biến – phụ phẩm – tiêu thụ – tái tạo tài nguyên, có thể áp dụng rộng rãi và hiệu quả.
Thứ năm, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, HTX tham gia sâu hơn vào quy hoạch vùng nguyên liệu, mã số vùng trồng, và các chương trình xúc tiến thương mại gạo chất lượng cao.