OCOP Ninh Bình - kết nối bản sắc địa phương với phát triển toàn cầu

Trong khuôn khổ Diễn đàn cấp cao liên khu vực về mô hình OCOP, đoàn Bộ trưởng và lãnh đạo ngành nông nghiệp các nước châu Phi và châu Á-Thái Bình Dương đã đến thăm mô hình OCOP tại tỉnh Ninh Bình.

Đoàn đại biểu tham quan và thưởng thức các sản phẩm OCOP tỉnh Ninh Bình.

Đoàn đại biểu tham quan và thưởng thức các sản phẩm OCOP tỉnh Ninh Bình.

Chuyến thăm là dịp để các bên trao đổi kinh nghiệm thúc đẩy phát triển sản phẩm nông nghiệp gắn với văn hóa bản địa, đồng thời khẳng định vai trò tiên phong của Việt Nam trong lan tỏa chương trình OCOP ra toàn cầu.

Gắn sản phẩm OCOP với bản sắc và phát triển bền vững

Đây là đoàn công tác cấp cao thứ hai của FAO làm việc tại Ninh Bình, sau chuyến thăm của Tổng Giám đốc FAO Khuất Đông Ngọc hồi tháng 2/2025. Tại buổi làm việc với lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình, các đại biểu quốc tế đã đánh giá cao những kết quả nổi bật trong thực hiện Chương trình OCOP của địa phương-mô hình được xem là điển hình trong phát triển kinh tế nông thôn tại Việt Nam.

 Đoàn Đại biểu làm việc tại tỉnh Ninh Bình.

Đoàn Đại biểu làm việc tại tỉnh Ninh Bình.

Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Trương Quốc Huy, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình bày tỏ vui mừng được đón tiếp đoàn công tác cấp cao đến từ các quốc gia châu Phi và châu Á-Thái Bình Dương. Đồng chí cho biết, Ninh Bình là tỉnh nằm ở cực nam Đồng bằng sông Hồng, có bề dày lịch sử và văn hóa, với nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng như Quần thể danh thắng Tràng An-Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới đầu tiên của Việt Nam, cùng các di tích lịch sử gắn với các triều đại phong kiến và tín ngưỡng dân gian đặc sắc.

Về kinh tế, Ninh Bình nằm trong nhóm 10 tỉnh có quy mô kinh tế lớn nhất cả nước với GRDP năm 2025 dự kiến đạt khoảng 355.000 tỷ đồng. Tỉnh đang định hướng phát triển ba trụ cột: công nghiệp công nghệ cao, du lịch bền vững và nông nghiệp công nghệ cao gắn với chuỗi giá trị.

"Chúng tôi xác định phát triển nông nghiệp xanh, tuần hoàn, ứng dụng công nghệ hiện đại là hướng đi then chốt để nâng cao giá trị sản phẩm, cải thiện đời sống người nông dân, đồng thời góp phần bảo vệ môi trường và gìn giữ tài nguyên bản địa", đồng chí Trương Quốc Huy nhấn mạnh.

 Các đại biểu quốc tế quan tâm các sản phẩm OCOP tỉnh Ninh Bình.

Các đại biểu quốc tế quan tâm các sản phẩm OCOP tỉnh Ninh Bình.

Lãnh đạo tỉnh cũng kỳ vọng FAO sẽ tiếp tục hỗ trợ Ninh Bình trong phát triển nông nghiệp bền vững, đặc biệt là lĩnh vực nông nghiệp hữu cơ, trồng cây dược liệu, cây ăn quả đặc sản, xây dựng các vùng sản xuất tập trung, trang trại quy mô lớn nhằm thúc đẩy kinh tế nông thôn và bảo đảm an ninh lương thực.

Thông tin với đoàn công tác, ông Trương Quốc Bảo, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Ninh Bình cho biết, sau hơn 6 năm triển khai Chương trình OCOP, đến nay tỉnh có 980 sản phẩm đạt từ 3 sao trở lên, trong đó hơn 80% là sản phẩm thuộc nhóm thực phẩm. Đáng chú ý, hầu hết sản phẩm OCOP sau khi được công nhận đều có sự tăng trưởng rõ rệt về doanh thu, giá trị, đóng góp tích cực vào xây dựng nông thôn mới, nâng cao thu nhập cho người dân địa phương.

Ninh Bình cũng là địa phương đầu tiên trong cả nước có sản phẩm OCOP 5 sao trong lĩnh vực du lịch nông thôn-mô hình Ecohost tại huyện Hải Hậu, góp phần tạo dấu ấn đặc sắc cho sản phẩm du lịch gắn với trải nghiệm văn hóa bản địa.

“Chúng tôi xác định, trong thời gian tới, Chương trình OCOP sẽ tiếp tục là một trong những giải pháp trọng tâm để thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn, xây dựng nông thôn mới hiện đại, bền vững và giàu bản sắc”, ông Trương Quốc Bảo nhấn mạnh.

 Đại biểu quốc tế hứng thú lắng nghe quy trình sản xuất cơm cháy, đặc sản Ninh Bình.

Đại biểu quốc tế hứng thú lắng nghe quy trình sản xuất cơm cháy, đặc sản Ninh Bình.

Cũng theo lãnh đạo ngành nông nghiệp tỉnh, mỗi sản phẩm OCOP cần được xem như một “sứ giả” văn hóa, không chỉ mang giá trị kinh tế mà còn lan tỏa những nét đặc trưng về truyền thống, tín ngưỡng, bản sắc của vùng đất và con người Ninh Bình ra thị trường trong nước và quốc tế.

Chuyển đổi xanh-nâng tầm giá trị sản phẩm

Phát biểu tại Diễn đàn, TS, Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) cho biết, Chính phủ Việt Nam đang hướng tới mục tiêu đưa OCOP trở thành phong trào toàn cầu, gắn với bảo tồn di sản, văn hóa truyền thống của từng địa phương, góp phần phát triển kinh tế nông thôn theo hướng bền vững và hội nhập sâu rộng.

Để hiện thực hóa mục tiêu này, tỉnh Ninh Bình đang tập trung vào các giải pháp trọng tâm như phát triển sản phẩm OCOP theo chuỗi giá trị, gắn với lợi thế tài nguyên bản địa; chú trọng ứng dụng công nghệ, nâng cao chất lượng và mẫu mã sản phẩm; đồng thời thúc đẩy xúc tiến thương mại qua hội chợ, triển lãm, kết nối tiêu thụ qua các sàn thương mại điện tử.

 Các đại biểu tham quan, làm việc tại HTX Sinh Dược.

Các đại biểu tham quan, làm việc tại HTX Sinh Dược.

Tỉnh cũng đặc biệt quan tâm đến xây dựng cơ chế, chính sách tài chính hỗ trợ phát triển OCOP, khuyến khích mô hình hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ và vừa hoạt động theo hướng “OCOP xanh”, gắn với kinh tế tuần hoàn và vùng nguyên liệu ổn định. Công tác kiểm tra, giám sát chất lượng sản phẩm được tăng cường, bảo đảm an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường và nâng cao uy tín chương trình.

Trong khuôn khổ chuyến thăm, đoàn công tác đã đến thăm Hợp tác xã Sinh Dược – một trong những mô hình OCOP tiêu biểu của Ninh Bình. Các đại biểu bày tỏ ấn tượng về cách địa phương tổ chức sản xuất bài bản, kết hợp giữa tri thức bản địa và công nghệ hiện đại trong phát triển sản phẩm từ dược liệu tự nhiên.

 Phó Tổng Giám đốc FAO Beth Bechdol (áo xanh) đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam trong việc xây dựng mô hình OCOP trở thành một chương trình phát triển nông thôn hiệu quả, có khả năng lan tỏa quốc tế.

Phó Tổng Giám đốc FAO Beth Bechdol (áo xanh) đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam trong việc xây dựng mô hình OCOP trở thành một chương trình phát triển nông thôn hiệu quả, có khả năng lan tỏa quốc tế.

Phó Tổng Giám đốc FAO Beth Bechdol đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam trong việc xây dựng mô hình OCOP trở thành một chương trình phát triển nông thôn hiệu quả, có khả năng lan tỏa quốc tế. Theo bà Bechdol, qua OCOP, Việt Nam đã thành công trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu gắn với bản sắc văn hóa và thúc đẩy thị trường trong nước cũng như xuất khẩu.

“Chuyến thăm Ninh Bình là cơ hội để chúng tôi học hỏi kinh nghiệm từ Việt Nam. Các sản phẩm OCOP nơi đây đều phản ánh rõ nét văn hóa, tín ngưỡng và niềm tự hào của cộng đồng địa phương. Đây là yếu tố rất đáng để nhân rộng tại nhiều quốc gia”, bà Beth Bechdol chia sẻ.

Đại diện FAO cũng cho biết, các nước châu Phi đang ưu tiên phát triển một số loại cây trồng chiến lược như đậu tương, lúa gạo, chuối, kiwi..., với kỳ vọng nâng cao năng suất, tạo sinh kế bền vững cho nông dân. Trong đó, bài học từ Việt Nam về tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị, bảo tồn bản sắc địa phương và kết nối thị trường là những kinh nghiệm rất đáng giá.

 Đại biểu hứng thú với sản phẩm làm thiết kế trên lá bồ đề.

Đại biểu hứng thú với sản phẩm làm thiết kế trên lá bồ đề.

“Chúng tôi tin tưởng rằng những chia sẻ và hợp tác hôm nay sẽ mở ra những cơ hội phát triển mới cho các quốc gia, góp phần thực hiện mục tiêu bảo đảm an ninh lương thực toàn cầu trong bối cảnh nhiều thách thức”, đại diện FAO khẳng định.

Chương trình OCOP tại Việt Nam được triển khai từ năm 2018, nhằm phát triển các sản phẩm đặc trưng, thế mạnh của địa phương theo chuỗi giá trị khép kín, gắn với xây dựng nông thôn mới và nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn.

THANH TRÀ

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/ocop-ninh-binh-ket-noi-ban-sac-dia-phuong-voi-phat-trien-toan-cau-post894167.html