Doanh nghiệp dệt may, giày da nỗ lực giữ vững đơn hàng
Xu hướng tiêu dùng tại nhiều nước đang chuyển dần sang xanh hóa, sạch và phát triển bền vững. Để không bị loại khỏi cuộc chơi bởi các tiêu chuẩn khắt khe do các thị trường nhập khẩu đặt ra, nhiều doanh nghiệp (DN) dệt may, giày da trên địa bàn tỉnh đã chuyển đổi mô hình theo hướng sản xuất xanh để đáp ứng yêu cầu.
Nâng cao sức cạnh tranh
Ngành dệt may, da giày thời gian qua ngoài việc khó khăn về đơn hàng xuất khẩu giảm còn phải đáp ứng các tiêu chuẩn xanh về lao động, nguyên vật liệu, điều kiện sản xuất... Trong đó, nổi bật là “Chiến lược dệt may bền vững và tuần hoàn” với tầm nhìn đến năm 2030 do EU (thị trường xuất khẩu lớn của ngành dệt may, giày da) đề ra. Trước tình hình đó, các DN đã có nhiều nỗ lực giữ vững đơn hàng, nâng cao sức cạnh tranh.
Theo bà Nguyễn Thị Ngọc, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH Ever Tech Plastic Việt Nam (TP.Tân Uyên), sau 20 năm hoạt động sản xuất và gia công đế giày, khuôn mẫu giày, 2 nhà máy của công ty hiện có 1.857 lao động, thu nhập bình quân đạt 9,3 triệu đồng/người/ tháng. Năm 2022 tuy còn gặp khó khăn về đơn hàng nhưng doanh thu đạt 1.073 tỷ đồng, với các sản phẩm được bán tại thị trường trong và ngoài nước (châu Âu, châu Á và Nam Mỹ).
“Để có được đơn hàng trong thời điểm này, chúng tôi dựa trên những nền tảng đã xây dựng trong 20 năm, tạo dựng được niềm tin với khách hàng về sự nỗ lực để phát triển bền vững. Trong thời gian hơn 20 năm hoạt động tại địa bàn TP.Tân Uyên, công ty luôn chú trọng các vấn đề về môi trường, ủng hộ các hoạt động về bảo vệ môi trường và phát triển bền vững do các nhãn hàng và địa phương khởi xướng”, bà Nguyễn Thị Ngọc cho biết thêm.
Cũng theo bà Nguyễn Thị Ngọc, hiện nay ngoài việc chấp hành các quy định của pháp luật Việt Nam, công ty còn phải bảo đảm thực hiện chính sách của khách hàng, nhãn hàng. Công ty đã tham gia dự án giảm thiểu năng lượng và giảm phát thải hiệu ứng khí nhà kính của các nhãn hàng như Adidas, Nike… Khi tham gia các dự án, công ty đã chủ động lắp đặt hệ thống năng lượng mặt trời áp mái nhằm phát triển sản xuất xanh.
Tạo môi trường làm việc xanh - sạch
Bà Nguyễn Thị Ngọc cho biết Công ty Ever Tech Plastic Việt Nam luôn bảo đảm tuân thủ việc phân loại và thu gom rác thải tại nguồn nhằm hạn chế việc xả rác ra môi trường xung quanh, gây ô nhiễm môi trường. Công ty sắp xếp khu vực lưu trữ rác và ký hợp đồng với đơn vị có chức năng xử lý rác bảo đảm đúng quy định. Định kỳ hàng tháng, công nhân công ty tham gia nạo vét cống rãnh khu vực xung quanh nhà máy, thu gom rác để tránh nghẹt cống và ngập nước khi trời mưa. Ngoài ra, công ty luôn chú trọng các mảng xanh trong và ngoài khuôn viên xung quanh nhà máy, tạo mỹ quan hài hòa và môi trường xanh. Hiện tổng diện tích dành cho cây xanh của công ty chiếm 20% diện tích xây dựng nhà máy.
Theo ông Vũ Thông Hiệp, Trưởng phòng Hành chính nhân sự Công ty KUNG KIU Việt Nam (Cụm công nghiệp Phú Chánh), để bắt kịp xu hướng tiêu dùng của thị trường nhập khẩu, DN đã chuyển hướng đầu tư sản xuất xanh, sản xuất tuần hoàn, sử dụng năng lượng tái tạo để giảm phát thải carbon, nâng cao năng lực cạnh tranh, đồng thời ứng dụng công nghệ số để thiết kế sản phẩm mẫu.
Hiện nay, công ty đã tham gia dự án giảm thiểu năng lượng và giảm phát thải hiệu ứng khí nhà kính của nhãn hàng H&M. Sau khi tham gia chương trình công ty đã chủ động chuyển hướng sử dụng lò hơi đốt viên nén sang sử dụng 100% bàn ủi điện. Ngoài công tác trên công ty luôn bảo đảm coi trọng việc thu gom rác trên các chuyền sản xuất ngay từ khâu đầu tiên nhằm hạn chế việc phát tán rác, bụi ra môi trường xung quanh. “Trong đợt khảo sát nhà máy vào tháng 3-2023, các tập đoàn lớn như Adidas, H&M đánh giá cao mô hình sắp xếp sản xuất theo hình chữ U của công ty vì mở rộng được không gian làm việc theo hướng thông thoáng, hiệu quả”, ông Vũ Thông Hiệp chia sẻ.
Để sản xuất an toàn, công ty thành lập hội đồng bảo hộ lao động và với mạng lưới an toàn vệ sinh viên gồm 46 người, đội sơ cấp cứu 50 người, thực hiện phân công nhiệm vụ và tổ chức kiểm tra hàng ngày, định kỳ họp rút kinh nghiệm mỗi tháng/lần. “Với ngành nghề may mặc, công ty có số lượng công nhân rất đông và nguy cơ xảy ra tai nạn là rất cao. Song do làm tốt khâu kiểm tra giám sát, nhắc nhở bảo đảm an toàn lao động nên công ty chưa có trường hợp tai nạn lao động nào xảy ra”, ông Vũ Thông Hiệp cho biết thêm.
Bà Phan Thị Khánh Duyên, Phó Giám đốc Sở Công thương: UBND tỉnh cũng đã có kế hoạch cam kết hành động mạnh mẽ để thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng 0 đến năm 2050. Trên cơ sở đó, các DN phải xác định chuyển đổi xanh, phát triển bền vững sẽ là xu hướng chủ đạo trong thời gian tới. Ngành công thương sẽ tăng cường công tác quản lý nhà nước về phổ biến, tuyên truyền sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, phát triển năng lượng tái tạo, đồng thời kết hợp xu thế chuyển đổi nền kinh tế xanh, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.