Doanh nghiệp dệt may trước áp lực sụt giảm đơn hàng

Sau những bước phục hồi, tăng trưởng ấn tượng trong năm 2022, ngành dệt may Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều khó khăn khi đơn hàng và giá bán đều sụt giảm mạnh. Cùng với đó là thách thức từ việc phải tăng cường đầu tư để xanh hóa chuỗi sản xuất theo yêu cầu của các nhà nhập khẩu. Để vượt qua khó khăn, các doanh nghiệp dệt may phải giải quyết tốt bài toán về chuyển đổi đầu tư, thay đổi mô hình sản xuất cũng như định vị lại sản phẩm, thị trường để không bị loại khỏi chuỗi cung ứng.

Thiếu đơn hàng, đơn giá thấp

Nhìn chung quý I-2023, tình hình không mấy khả quan đối với ngành dệt may, khi các thị trường nhập khẩu chính của Việt Nam cũng phải đang xoay xở với các chính sách ổn định kinh tế vĩ mô. Đối với ngành sợi, nhu cầu về mặt hàng này trên thế giới đã giảm đi rõ rệt khiến cho giá bán sợi cũng giảm mạnh từ quý III-2022 tới nay. Đối với ngành may, tình hình sản xuất khá ảm đạm do thiếu đơn hàng, thậm chí bị dừng đơn hàng; chủ yếu là các hàng nhỏ lẻ, đơn giá thấp, giảm khoảng 20-50% so với năm 2022.

“Lượng đặt hàng giảm đáng kể trong năm 2023, nhiều doanh nghiệp may thậm chí còn phải thay đổi cơ cấu sản phẩm, buộc phải làm các mặt hàng không phải chủ đạo để có thể duy trì được hoạt động sản xuất”, ông Cao Hữu Hiếu, Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam chia sẻ thực tế.

Cũng khó khăn vì nhu cầu thị trường sụt giảm là Tổng công ty Cổ phần May 10, khi đơn hàng từ thị trường xuất khẩu chính của May 10 là châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, trong quý I đã giảm 10% so với cùng kỳ. Về tình hình hiện nay, ông Thân Đức Việt, Tổng giám đốc Tổng công ty Cổ phần May 10 cho hay, thông thường quý II và III thường là cao điểm của doanh nghiệp may, nhưng hiện nay đơn hàng quý II đã giảm 20-30% so với hằng năm. Còn quý III, tình hình rất khó dự đoán, bởi các khách hàng đều chưa có thông tin. Họ chờ lượng tồn kho giảm, rồi mới ra quyết định.

Hoạt động sản xuất tại Tổng công ty Cổ phần May 10. Ảnh: ĐỨC QUANG

Hoạt động sản xuất tại Tổng công ty Cổ phần May 10. Ảnh: ĐỨC QUANG

Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam trong quý I ước đạt 8,701 tỷ USD, giảm 18,63% so với cùng kỳ năm 2022. Ở chiều ngược lại, tổng kim ngạch nhập khẩu nguyên phụ liệu dệt may quý I đạt 5,087 tỷ USD, giảm 17,97% so với cùng kỳ năm 2022.

Thông tin từ Tổng cục Thống kê cũng cho thấy, khó khăn đang bủa vây đối với ngành dệt may. Tình hình thiếu đơn hàng đã kéo theo tình trạng thiếu việc, mất việc, sụt giảm tiền lương ở ngành dệt may. Trong quý I, số lao động giãn việc của các doanh nghiệp trên cả nước là gần 294.000 người, trong đó ngành dệt may chiếm tới 18,8%. Quý I, cả nước có gần 149.000 lao động bị mất việc; trong đó, ngành dệt may chiếm tỷ trọng 19,5%.

Lo tìm vốn để xanh hóa chuỗi sản xuất

Theo Bộ Công Thương, trong quý II-2023, nhìn chung tình hình vẫn không mấy khả quan đối với kinh tế thế giới nói chung và ngành dệt may nói riêng. Suy thoái kinh tế toàn cầu, chính sách tiền tệ thắt chặt đã khiến nhu cầu tiêu dùng suy giảm tại các thị trường nhập khẩu dệt may lớn như: Mỹ, Liên minh châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản... Việc Trung Quốc mở cửa cũng sẽ mang lại những thách thức khi doanh nghiệp Việt Nam phải cạnh tranh với các doanh nghiệp nội địa của họ sau một thời gian dài phải đóng cửa vì đại dịch Covid-19. Ở trong nước, ngành dệt may Việt Nam tiếp tục gặp khó khăn trong bối cảnh chi phí đầu vào tăng cao, đồng thời mặt bằng lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp vẫn ở mức cao.

Nhận định của Hiệp hội Dệt may Việt Nam cũng cho thấy, dự kiến đến tháng 7, tháng 8-2023, thị trường mới "ấm" trở lại. Tuy nhiên, để có thể tìm kiếm các cơ hội đầu tư mới, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam khuyến cáo, các doanh nghiệp cần đặc biệt quan tâm tới tính bền vững, tuần hoàn trong sản xuất, kinh doanh hàng may mặc. Bởi, hiện nhiều quốc gia phát triển đã có những quy định rất khắt khe liên quan đến vấn đề này. Nếu không đáp ứng được các yêu cầu về sản xuất xanh, doanh nghiệp sẽ không có đơn hàng. "Tuy nhiên, để thực hiện lộ trình đầu tư xanh hóa sản xuất, doanh nghiệp cần có nguồn vốn lớn, nhân lực chất lượng hơn và điều này dường như đang là rào cản lớn với nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa", ông Vũ Đức Giang nêu quan điểm.

Từ thực tế doanh nghiệp, để vượt qua khó khăn trong giai đoạn hiện nay, theo ông Cao Hữu Hiếu, trước tiên các doanh nghiệp phải tối ưu hóa hoạt động sản xuất, tập trung vào nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Bên cạnh đó, cần bám sát khách hàng, thị trường để có các chính sách linh hoạt, kịp thời. “Tập đoàn Dệt may Việt Nam nhận định rằng đây là một khó khăn chưa từng có tiền lệ đối với ngành. Các doanh nghiệp trong hệ thống tập đoàn đang nỗ lực thích ứng với bối cảnh thị trường bất định hiện nay với mục tiêu ổn định được tài chính, duy trì bộ máy sản xuất, đặc biệt là bảo đảm đời sống cho cán bộ, công nhân, người lao động”, ông Cao Hữu Hiếu chia sẻ. Về lâu dài, Tập đoàn Dệt may Việt Nam kiên định tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, xây dựng chuỗi cung ứng hoàn chỉnh theo hướng xanh và bền vững; phát triển nguồn nhân lực, chuyển đổi số...

Chia sẻ cụ thể về những giải pháp đối phó với bối cảnh thị trường hiện nay, ông Thân Đức Việt cho rằng, doanh nghiệp đang tập trung vào định vị lại sản phẩm, thị trường, quản trị, công nghệ, mô hình sản xuất và tìm kiếm thêm các cơ hội hợp tác, đầu tư mới. Ví dụ, từ khâu thiết kế, Tổng công ty Cổ phần May 10 hiện có thể may sản phẩm mô phỏng trên phần mềm, trình diễn thời trang trên phần mềm, qua đó rút ngắn được rất nhiều công đoạn, thời gian và chi phí. Đặc biệt, nhấn mạnh tới yêu cầu chuyển đổi sang sản xuất xanh, ông Thân Đức Việt nêu rõ, nếu doanh nghiệp không đạt tiêu chuẩn cao về chất lượng sản phẩm sẽ không có đơn hàng xuất khẩu.

Chính vì vậy, Tổng công ty định hướng sẽ là một nhà sản xuất xanh. Đó là, tăng cường sử dụng điện mặt trời áp mái, sử dụng nguyên liệu từ sản phẩm từ hữu cơ hay sợi tái chế. Tuy nhiên, để thực hiện được điều này cần nguồn vốn khá lớn. Do đó, doanh nghiệp cần có lộ trình thực hiện chuyển đổi xanh và cần những chính sách hỗ trợ từ Nhà nước trong quá trình thực hiện lộ trình này.Hiện nay, khó khăn về dòng tiền, bao gồm vốn lưu động và vốn đầu tư trung, dài hạn đang đặt nhiều doanh nghiệp vào những tình thế hết sức cấp bách, khó khăn. Mặc dù Chính phủ có rất nhiều chính sách ưu đãi vốn vay được ban hành, song doanh nghiệp vẫn rất khó tiếp cận và thụ hưởng các nguồn vốn ưu đãi này.

Nhiều ý kiến doanh nghiệp kiến nghị, Chính phủ cần chỉ đạo ngành ngân hàng cần tiếp tục giảm lãi suất cho vay cũng như tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn; tiếp tục triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động, phát động các chương trình kích cầu nội địa, hỗ trợ xúc tiến thương mại, tìm kiếm khai thác thị trường mới, đơn hàng mới cho doanh nghiệp.

VŨ DUNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/doanh-nghiep-det-may-truoc-ap-luc-sut-giam-don-hang-725054