Doanh nghiệp địa ốc hy vọng thị trường sớm hồi phục

Đánh giá tác động của Nghị định số 08 của Chính phủ quy định về giao dịch, chào bán trái phiếu doanh nghiệp, nhiều nhà phát triển dự án bất động sản cho rằng, đây là tin vui cho doanh nghiệp, giúp thị trường sớm hồi phục.

Thị trường bất động sản có nhiều hy vọng phục hồi trong thời gian tới Ảnh: Đức Thanh

Thị trường bất động sản có nhiều hy vọng phục hồi trong thời gian tới Ảnh: Đức Thanh

“Nắng hạn gặp mưa rào”

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 08/2023/NĐ-CP (Nghị định 08) sửa đổi, bổ sung và ngưng hiệu lực thi hành một số điều tại các nghị định quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế.

Theo đó, Nghị định 08 vừa tháo gỡ được khó khăn, vướng mắc, vừa xác định lộ trình xây dựng thị trường trái phiếu theo hướng minh bạch, bền vững. Đây là căn cứ pháp lý để doanh nghiệp phát hành trái phiếu thực hiện đàm phán với trái chủ, nhất là nhà đầu tư cá nhân về kéo dài kỳ hạn của trái phiếu trong thời gian tối đa không quá 2 năm, hoặc thanh toán gốc, lãi trái phiếu đến hạn bằng tài sản khác trên cơ sở thỏa thuận tự nguyện, tuân thủ quy định của pháp luật dân sự.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, nhiều thành viên thị trường cho rằng, Nghị định 08 dù chưa phải đã giải quyết được mọi khó khăn cho thị trường, song đây là động thái từ chính sách giúp các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp phát hành trái phiếu nhẹ nhõm hơn.

Với sự quyết liệt của các ban ngành trong việc đưa ra giải pháp tháo gỡ khó khăn cho lĩnh vực bất động sản, sẽ từng bước giúp thị trường phục hồi trong thời gian tới.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM phấn khởi, đây là tin vui cho doanh nghiệp, cho thị trường bất động sản. “Nghị định 08 đã xây dựng được khung khổ pháp lý để xử lý vấn đề trái phiếu doanh nghiệp, trong đó có trái phiếu doanh nghiệp bất động sản”, ông Châu nói.

Dưới góc độ là lãnh đạo doanh nghiệp, ông Cao Hữu Phi, Tổng giám đốc Công ty COPiHOME cho rằng, việc ban hành Nghị định 08 thể hiện sự lắng nghe, thấu hiểu và hành động kịp thời của Chính phủ trong việc tháo gỡ các vướng mắc trên thị trường trái phiếu hiện nay. Đây là tín hiệu rất tích cực, tạo cơ hội cho thỏa thuận đàm phán giữa doanh nghiệp và nhà đầu tư, giúp doanh nghiệp tập trung nguồn lực sản xuất, kinh doanh, tái cấu trúc và duy trì công ăn việc làm cho người lao động.

“Có thể sẽ không nhanh, nhưng với sự quyết liệt của các ban, ngành trong việc đưa ra giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, sẽ từng bước giúp thị trường phục hồi trong thời gian tới”, ông Cao Hữu Phi đánh giá.

Còn nhiều việc phải làm

Theo nhận định của các chuyên gia trong ngành bất động sản, trước mắt, Nghị định 08 sẽ giúp giải tỏa tâm lý của doanh nghiệp, nhà đầu tư, nhưng để thị trường thực sự phục hồi thì còn nhiều việc phải làm. Có thể kể đến như gỡ vướng pháp lý, tìm đường để doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn và quan trọng là phải hạ lãi suất cho vay…

“Sau Nghị định 08, điều quan trọng là tiếp tục hoàn thiện thể chế chính sách về trái phiếu. Đồng thời, cần tiếp tục tháo gỡ vướng mắc pháp lý trong bất động sản. Việc các thủ tục pháp lý chưa được đẩy nhanh đang ảnh hưởng đến tiến độ dự án, làm gia tăng chi phí, tăng giá bất động sản bán ra”, ông Phi nói.

Đồng quan điểm, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính cũng cho rằng, việc ban hành Nghị định 08 là cần thiết, được thị trường, nhà đầu tư và doanh nghiệp mong đợi. Dù vậy, đây chỉ có thể coi là giải pháp tình thế, giúp tháo gỡ vướng mắc liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn năm nay và năm tới.

Cũng theo ông Lực, để thị trường trái phiếu phát triển bền vững, rất cần tinh thần trách nhiệm, nghiêm túc thực hiện cam kết của doanh nghiệp; sự đồng hành, chia sẻ của nhà đầu tư và sự hỗ trợ kịp thời, giải quyết vướng mắc của các cơ quan quản lý. Các bên liên quan cũng cần chuẩn bị hành trang cho năm tới, khi các điều kiện, tiêu chuẩn cao hơn (nhà đầu tư chuyên nghiệp, xếp hạng tín nhiệm, thời gian phân phối trái phiếu…) bắt đầu áp dụng trở lại.

Còn riêng với thị trường bất động sản, ông Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Bộ phận Tư vấn đầu tư Savills Việt Nam cho rằng, Nhà nước cần tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp và tạo hành lang pháp lý thông thoáng để dự án có thể thực hiện nhanh chóng. Việc này sẽ giúp giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp và tăng lợi ích của người tiêu dùng.

Hơn nữa, các doanh nghiệp nước ngoài mới tham gia thị trường chỉ được thực hiện dự án sau khi đóng tiền sử dụng đất và có giấy phép xây dựng. Do đó, với những doanh nghiệp này, thủ tục pháp lý là điều quan trọng nhất để xem xét trước khi đầu tư.

Về nguồn vốn tín dụng, cần sớm thúc đẩy việc triển khai gói tín dụng cho xây dựng dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân với lãi suất cho vay ưu đãi với chủ đầu tư, nhà đầu tư, để tăng cung về nhà ở xã hội, tạo giao dịch, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh của các chủ thể liên quan trong hệ sinh thái bất động sản.

Cùng với đó, các cơ quan quản lý nhà nước cần công khai, minh bạch thông tin về quy hoạch, giao dịch bất động sản; rà soát, phân loại các dự án theo tính chất dự án và tiến độ triển khai để tháo gỡ khó khăn cho thị trường; xây dựng hệ thống thông tin dữ liệu để sớm tìm ra điểm cân bằng của cung cầu thể hiện ở giá cả, thông qua đó quản lý giá để phù hợp với sức mua của người dân.

Việt Dũng

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/batdongsan/doanh-nghiep-dia-oc-hy-vong-thi-truong-som-hoi-phuc-d185265.html