Doanh nghiệp do nữ làm chủ: Cần được tiếp sức, hỗ trợ

Trên thế giới, thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ đã được đưa vào Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững của Liên hợp quốc cũng như chương trình hoạt động của nhiều tổ chức quốc tế...

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Tại Việt Nam, 20% các doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ. Đó là đánh giá trong Báo cáo Sách trắng về doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện. Theo Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), tỷ lệ doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ của Việt Nam được đánh giá đứng thứ hạng cao trong khu vực Đông Nam Á. Đặc biệt, 51% doanh nghiệp Việt Nam hiện có phụ nữ nằm trong cơ cấu chủ sở hữu, cao hơn nhiều so với các quốc gia khác.

NHỮNG “NỮ TƯỚNG” TỰ TIN HỘI NHẬP

Trong chia sẻ mới đây trước Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp toàn quốc, bà Thái Hương, Chủ tịch Hội đồng chiến lược Tập đoàn TH, Chủ tịch Hiệp hội Nữ doanh nhân Việt Nam, nhận định khi đất nước bước vào kỷ nguyên hội nhập với thế giới, phụ nữ Việt Nam tiếp tục đóng vai trò quan trọng, là động lực thúc đẩy sự phát triển chung của xã hội.

“Không chỉ trên thương trường, nữ doanh nhân vẫn luôn gìn giữ, phát huy, xây dựng hình ảnh người phụ nữ - người nữ doanh nhân Việt Nam thời đại mới, với thiên chức của người mẹ, người vợ trong xây dựng gia đình, chăm sóc thế hệ trước và nuôi dạy thế hệ sau”, bà Thái Hương nhấn mạnh.

Tất nhiên, con đường dẫn đến thành công không trải đầy hoa hồng. Bên cạnh khó khăn do khởi nghiệp, thiếu vốn, còn có “bão” Covid-19 và làn sóng suy thoái kinh tế. Những thách thức liên tục khiến các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ gặp không ít khó khăn.

Theo bà Phan Thị Khánh, nhà sáng lập Công ty TNHH GreenJoy, sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ cỏ của công ty đã xuất khẩu khoảng 2-3 container mỗi tháng tới nhiều thị trường quốc tế. Tuy vậy, người tiêu dùng Việt Nam vẫn còn khá dè dặt. Trong thời gian tới, Green Joy đang cố gắng giảm giá thành cũng như đẩy mạnh tuyên truyền về sản phẩm xanh.

Nữ doanh nhân Trần Thanh Việt, CEO VGreen Group, chia sẻ: những ngày đầu do VGreen Group chưa có kinh nghiệm sản xuất, điều chỉnh tỷ lệ chưa chuẩn, nên sản phẩm làm ra khó tiêu thụ. Sau lần ra mắt đầu tiên thất bại, lô sản phẩm tiếp theo cũng chưa lấy được lòng các “thượng đế”... Qua nhiều lần phân tích để điều chỉnh công thức, đến nay VGreen Group có một danh mục dài sản phẩm từng bước chiếm lĩnh thị trường trong nước, trong đó trà Kombucha hoa quả tươi được ưa chuộng và có triển vọng khá về doanh thu.

Khi đất nước bước vào kỷ nguyên hội nhập với thế giới, phụ nữ Việt Nam tiếp tục đóng vai trò quan trọng, là động lực thúc đẩy sự phát triển chung của xã hội.

Khi đất nước bước vào kỷ nguyên hội nhập với thế giới, phụ nữ Việt Nam tiếp tục đóng vai trò quan trọng, là động lực thúc đẩy sự phát triển chung của xã hội.

Tương tự, để cân bằng chi phí đầu tư, Công ty cổ phần bột - thực phẩm Tài Ký (TaikyFood) đã phải quay về đầu tư vào thị trường nội địa khi xuất khẩu gặp khó khăn, không thể mở rộng thị trường. “Công ty rất mong được các ban ngành hỗ trợ tham gia các chương trình thương mại trong nước nhiều hơn để thu hút khách hàng. Ngoài ra công ty cũng rất mong được kết nối với các doanh nghiệp xuất khẩu để có thể mang các thương hiệu của TaikyFood đến với Việt kiều ở nước ngoài”, chị Trần Thùy Dương, Phó giám đốc TaikyFood, kiến nghị.

Khi vượt qua những khó khăn, thực tế cho thấy, nhiều doanh nhân nữ đã nỗ lực đổi mới quản trị kinh doanh, công nghệ để đưa sản phẩm ra thế giới. Tổng Giám đốc Sao Thái Dương JSC Nguyễn Thị Hương Liên được biết đến là tác giả của 13 bằng sáng chế và giải pháp hữu ích. Công ty Sao Thái Dương hiện có hơn 150 sản phẩm từ thảo dược, với thị trường hiện tại là 63 tỉnh, thành ở Việt Nam và xuất khẩu sang Mỹ, Anh, EU, Nga, Trung Quốc. Bà Liên từng được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) mời đóng góp ý kiến xây dựng chiến lược hành động giai đoạn 2025 - 2034 tại Hội nghị thượng đỉnh toàn cầu về Y học cổ truyền năm 2023 tại Ấn Độ.

Còn bà Trịnh Thị Hồng Vân, Chủ tịch HĐQT Công ty CP nước giải khát Yến sào Khánh Hòa, đã dành nhiều tâm huyết, công sức, quyết tâm đưa sản vật yến sào quê nhà vươn ra biển lớn. Hoặc bà Nguyễn Thị Huyền, CEO CTCP Quế hồi Việt Nam (Vinasamex), đã mạnh dạn mở các vùng nguyên liệu trong nước và giúp công ty đạt 4 chứng nhận hữu cơ quốc tế cao nhất của thị trường châu Âu, Mỹ, Nhận Bản, Hàn Quốc, góp phần khẳng định sản phẩm Việt Nam có thể đáp ứng cho thế giới với chất lượng cao nhất…

Nội dung đầy đủ của bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 10-2024 phát hành ngày 04/03/2024. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Lưu Hà

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/doanh-nghiep-do-nu-lam-chu-can-duoc-tiep-suc-ho-tro.htm