Doanh nghiệp đói nhân sự: Chuyển đổi số hay là chết?
Nhân công ngày càng khan hiếm, đắt đỏ buộc các doanh nghiệp phải gấp rút chuyển đổi số nếu muốn tồn tại giữa thương trường khắc nghiệt.
Theo các chuyên gia, chuyển đổi số là quá trình thay đổi từ mô hình doanh nghiệp truyền thống sang doanh nghiệp số bằng cách áp dụng công nghệ mới như: dữ liệu lớn (Big Data), Internet vạn vật (IoT), điện toán đám mây (Cloud)… nhằm thay đổi phương thức điều hành, lãnh đạo, quản lý, quy trình làm việc, văn hóa công ty... giúp doanh nghiệp cắt giảm chi phí, khắc phục tình trạnh thiếu hoặc khan hiếm nhân sự như hiện nay. Khi mà nhân công ngày càng ít và đắt thì chiến lược này cấp thiết hơn bao giờ hết.
Sau nhiều tháng tuyển dụng thất bại và không tìm được nhân sự có tay nghề nào, Công ty TNHH Trung Kiên Hà Nam (Phạm Văn Bạch, quận Tân Bình, TP.HCM) đã buộc phải tính đến phương án đầu tư khoa học kỹ thuật, thiết bị hiện đại để giảm sức lao động, giảm chi phí cho nhân công mà vẫn tăng giá trị sản xuất.
Ông Trần Trung Kiên, Giám đốc công ty cho biết, trước đây, để hoàn thành 100 sản phẩm, mỗi ngày phải cần đến 10 nhân công với chi phí 3,8 triệu đồng. Nhưng từ khi nhập máy móc hiện đại về, chỉ cần 2 tiếng, 1 người điều khiển đã làm ra 100 sản phẩm. Như vậy, mỗi ca, chỉ cần một lao động có chuyên môn điều khiển hệ thống máy móc tự động sẽ sản xuất được 400 sản phẩm, năng suất tăng 4 lần so với 10 lao động trước đây, mà chi phí giảm còn 1/10.
"Việc đầu tư ứng dụng máy móc thiết bị hiện đại sẽ dẫn đến cắt giảm nhân công lao động, hạn chế tuyển người, hạn chế chi phí. Điều này đồng thời cũng bớt cho chúng tôi khoản lo mỗi khi không tuyển được nhân sự”, ông Kiên nói.
Lãnh đạo một doanh nghiệp khác tại Hà Nội thì chia sẻ, Việt Nam không còn dồi dào nhân công như trước, khi mà lượng doanh nghiệp, khu công nghiệp mọc lên như nấm. Ngoài ra, chi phí cho nhân công cũng ngày càng đắt đỏ. Chưa kể, doanh nghiệp hầu như luôn nơm nớp lo bị thiếu hụt nhân sự, khi người lao động có thể nghỉ việc bất cứ lúc nào.
"Nếu tình trạng này kéo dài thì doanh nghiệp sẽ phải chịu sức ép rất lớn về chi phí, nhân lực và thời gian, rất dễ thua đối thủ trong quá trình cạnh tranh. Trong khi đó, chuyển đổi số đang là nhu cầu cấp thiết và phổ biến giữa thời đại công nghệ 4.0. Bởi vậy, doanh nghiệp của tôi phải thực hiện ngay chiến lược chuyển đổi số, không còn giao phó tuyệt đối vào người lao động nữa", vị này nói.
Đó cũng là nguyên nhân khiến ngày càng nhiều doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi số để ứng phó với việc thiếu nhân sự.
Điển hình là Công ty TNHH Thái Bình Dương (phường Dương Nội, Hà Đông, Hà Nội) có nhà máy sản xuất tại KCN Đồng Văn I (thị xã Duy Tiên, Hà Nam). Ông Đặng Văn Đảm, Giám đốc công ty cho biết, trong 2 năm 2020 - 2021, ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 và giãn cách xã hội nên nhu cầu dùng các thiết bị viễn thông để phục vụ học tập, làm việc online của của doanh nghiệp, người dân tăng cao, công ty của ông nhận được đơn hàng tăng khoảng 40% so với công suất của nhà máy.
Để triển khai kịp thời các đơn hàng, công ty ra sức tuyển khoảng 100 lao động với mức lương từ 7 - 12 triệu đồng. Tuy nhiên, ông Đảm nói: “Để thu hút người ứng tuyển, chúng tôi đã tăng lương thêm 2 - 3 triệu đồng/người/tháng nhưng gần 2 năm qua cũng chỉ tuyển được hơn 30 người. Do vậy công ty đã phải khuyến khích người lao động làm việc tăng ca, tăng giờ nhưng năng suất lao động cũng không đạt được mục tiêu, không đáp ứng kịp các đơn hàng của đối tác, thậm chí bị mất nhiều khách hàng vì chậm trễ”.
Dự đoán sang năm 2022, việc tuyển công nhân vẫn rất khó khăn, giá nhân công cũng tăng cao, tiến độ công việc chậm nên công ty buộc phải tính đến việc chuyển đổi số, trước mắt là đầu tư công nghệ hiện đại. Vậy là cuối năm 2021, ông Đảm cùng ban lãnh đạo công ty đã lập phương án, tìm kiếm đối tác để nhập máy móc, thiết bị, công nghệ có thể thay thế sức người, chi phí ban đầu cao nhưng hiệu quả công việc lại gấp nhiều lần sức người.
“Trước đây, để sản xuất ra một bộ sản phẩm viễn thông và cáp quang, doanh nghiệp phải sử dụng 80 lao động, trung bình mỗi ngày cho ra khoảng 200 sản phẩm, chi phí nhân công khoảng 21 triệu đồng. Kể từ đầu năm nay, chúng tôi lắp đặt hệ thống máy móc tự động thì chỉ cần 10 công nhân, mỗi ngày cho ra 500 sản phẩm. Chi phí nhân công hết khoảng 4 triệu đồng, giảm đến 17 triệu đồng mà hiệu suất công việc tăng lên gấp 2,5 lần”, ông Đảm cho biết.
Nhiều doanh nghiệp khác cũng cho biết, trong bối cảnh hiện nay, công ty nào cũng phải thích nghi bằng cách thay đổi công nghệ, áp dụng khoa học kỹ thuật để vượt qua những khó khăn, hạn chế do thiếu lao động, giá nhân công lao động ngày càng tăng.
Ông Lưu Ngọc Nam, Phó Chủ tịch Hội doanh nghiệp trẻ huyện Thanh Trì (Hà Nội) cho biết, trong khi doanh nghiệp chưa kịp phục hồi sản xuất, kinh doanh vì dịch bệnh, giá nhân công lại đắt đỏ với mức chi phí từ 250.000 - 300.000 đồng/lao động/ngày và đặc biệt việc tuyển dụng ngày càng bị cạnh tranh gay gắt vì Việt Nam vẫn là điểm đến đầu tư của doanh nghiệp nước ngoài thì doanh nghiệp cần khẩn trương, tích cực chuyển đổi số, ứng dụng khoa học kỹ thuật để cắt giảm chi phí nhân sự.
“Hiện nay việc chuyển đổi số rất thuận lợi, bởi những ứng dụng công nghệ số đã có sẵn trong các giải pháp quản trị doanh nghiệp tại Việt Nam, do các đơn vị Việt Nam nghiên cứu và triển khai. Đây chính là một lợi thế quan trọng nếu như các doanh nghiệp quyết tâm chuyển đổi để cắt giảm chi phí nhân công”, ông Nam khẳng định.
Theo đánh giá của PGS.TS Nguyễn Trọng Điều, Chủ tịch Hiệp hội doanh nhân tư nhân Việt Nam, không phải bây giờ mà cách đây 2 năm, việc tuyển dụng lao động Việt đã không còn rẻ và dễ dàng vì có sự canh tranh từ các doanh nghiệp FDI cũng như doanh nghiệp trong nước. Do đó, người lao động có sự lựa chọn việc làm cũng như yêu cầu về mức thu nhập chứ không còn thụ động như trước đây.
Nếu không chuyển đổi số, nhiều doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp địa phương sẽ thua thiệt rất nhiều khi phải đối mặt với sự cạnh tranh vô cùng khốc liệt từ việc tuyển dụng nhân sự, cạnh tranh sản phẩm, thương hiệu với các doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước.
“Luật chơi trong tương lai sẽ không chỉ đơn thuần “cá lớn nuốt cá bé”, mà là “cá nhanh nuốt cá chậm”. Nghĩa là ngay cả các doanh nghiệp “cá mập”, nếu không chịu chuyển đổi số để cắt giảm nhân sự, cắt giảm chi phí thì vẫn có thể có ngày phải dừng cuộc chơi hoặc trở nên èo uột, nhường lại sân chơi cho lớp đàn em”, ông Điều nhấn mạnh.
Nguồn VTC: https://vtc.vn/doanh-nghie-p-do-i-nhan-su-chuye-n-do-i-so-hay-la-che-t-ar670103.html