Doanh nghiệp đón đầu cơ hội tại triển lãm quốc tế giấy và bao bì Việt Nam
Trong bối cảnh nhu cầu về sản phẩm thân thiện với môi trường và tiêu chuẩn xuất khẩu ngày càng cao, ngành giấy và bao bì tại Việt Nam đang nổi lên như lĩnh vực giàu tiềm năng.

Khách tham quan khu trưng bày sản phẩm tại triển lãm. Ảnh: Văn Hướng - TTXVN
Ngày 7/5, Triển lãm quốc tế giấy và bao bì Việt Nam – VPPE 2025 chính thức khai mạc tại Trung tâm hội nghị và triển lãm quốc tế WTC Expo, thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương. Sự kiện quy tụ hơn 250 gian hàng với gần 500 thương hiệu đến từ hơn 15 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Triển lãm do Hiệp hội Bao bì Việt Nam tổ chức, diễn ra từ ngày 7 đến 9/5, nhằm giới thiệu các giải pháp công nghệ, thiết bị tiên tiến trong ngành giấy – bao bì, đồng thời tạo cầu nối giao thương cho doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Trong bối cảnh nhu cầu về sản phẩm thân thiện với môi trường và tiêu chuẩn xuất khẩu ngày càng cao, ngành giấy và bao bì tại Việt Nam đang nổi lên như lĩnh vực giàu tiềm năng. Theo Bộ Công Thương, kim ngạch xuất khẩu giấy và sản phẩm từ giấy năm 2024 đạt hơn 2 tỷ USD, tăng trưởng trung bình từ 10–12%/năm trong 5 năm qua. Ngành bao bì giấy được dự báo đạt quy mô 3,5 tỷ USD vào năm 2026, nhờ xu hướng thay thế bao bì nhựa và sự phát triển của thương mại điện tử.

Các đại biểu cắt băng khai mạc Triển lãm Quốc tế Giấy và Bao bì Việt Nam – VPPE 2025. Ảnh: Văn Hướng - TTXVN
Phát biểu tại lễ khai mạc, ông Bùi Minh Trí, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương nhấn mạnh: “Triển lãm VPPE 2025 không chỉ thu hút đầu tư, thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ, mà còn mở ra cơ hội để doanh nghiệp tiếp cận sản xuất xanh, nâng cao giá trị và khả năng cạnh tranh”.
Hiện Bình Dương là địa phương dẫn đầu cả nước về phát triển công nghiệp, với gần 30 khu công nghiệp và hơn 4.100 doanh nghiệp FDI. Ngành bao bì, đặc biệt là bao bì giấy, đóng vai trò hỗ trợ thiết yếu cho các lĩnh vực xuất khẩu chủ lực như dệt may, da giày, điện tử, thực phẩm, đồ gỗ... Nhu cầu về bao bì phân hủy sinh học, tái chế cao đang tăng nhanh.
Tại triển lãm, nhiều doanh nghiệp trong nước đã ký kết hợp tác công nghệ, tìm kiếm nhà cung cấp nguyên vật liệu đạt chuẩn quốc tế để phục vụ cả thị trường nội địa lẫn xuất khẩu. Các thiết bị trưng bày tại VPPE 2025 gồm: máy sản xuất giấy tự động, dây chuyền làm túi giấy, máy in offset tốc độ cao, hệ thống tái sử dụng nước, hóa chất xử lý bề mặt giấy thân thiện môi trường...
Ông Tấn Đạt, đại diện Công ty IDC Saigon, nhận định: “Thương mại điện tử đang xuất hiện xu hướng livestream bán hàng và tiếp thị liên kết. Đây là cú hích cho ngành bán lẻ và bao bì. Bên cạnh đó, công nghệ hiện đại là yếu tố then chốt để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm”.
Bà Bùi Nhật Bích Quân, Công ty TNHH Khôi Thịnh cho biết: “Xanh hóa bao bì không còn là xu hướng mà là yêu cầu từ pháp luật, người tiêu dùng và cả cộng đồng doanh nghiệp. Bao bì phức hợp – kết hợp nhiều lớp vật liệu – đang được ưa chuộng nhờ thân thiện môi trường và chức năng bảo quản vượt trội. Công nghệ mới giúp doanh nghiệp linh hoạt sản xuất bao bì thông minh, tiết kiệm năng lượng và dùng nguyên liệu tái chế”.
Việc áp dụng vật liệu tái chế và quy trình sản xuất tiết kiệm năng lượng không chỉ giúp giảm chi phí mà còn đáp ứng nhu cầu tiêu dùng xanh đang gia tăng. Đặc biệt, bao bì giấy phục vụ giao hàng thực phẩm và thương mại điện tử đang phát triển mạnh, với thiết kế tinh tế để nâng cao trải nghiệm người dùng.

Khách tham quan khu trưng bày sản phẩm tại triển lãm. Ảnh: Văn Hướng - TTXVN
Triển lãm năm nay ghi nhận sự tham gia của nhiều thương hiệu quốc tế lớn như Konica Minolta, Andritz, Pulppy, OKI, Polystron, cùng các doanh nghiệp trong nước như Liksin, An Lạc Labels, Khai Tuệ, MCCAL, Sunrise... Sự góp mặt đông đảo của các đơn vị quốc tế cho thấy sức hút của thị trường bao bì Việt Nam, nhất là khi các tập đoàn toàn cầu đang tìm kiếm điểm sản xuất mới thay thế Trung Quốc.
Bên cạnh khu trưng bày, VPPE 2025 còn tổ chức chuỗi hội thảo chuyên đề nhằm cập nhật xu hướng công nghệ và chia sẻ kinh nghiệm quản trị sản xuất. Các chủ đề tập trung vào: ứng dụng công nghệ số trong ngành giấy, tiết kiệm năng lượng, tiêu chuẩn đóng gói xuất khẩu và chuyển đổi xanh trong công nghiệp hỗ trợ.
Trong khuôn khổ triển lãm, Hội nghị toàn thể doanh nghiệp bao bì Việt Nam 2025 đã thảo luận nhiều giải pháp thúc đẩy phát triển bền vững, đặc biệt trước yêu cầu ngày càng nghiêm ngặt về truy xuất nguồn gốc và tiêu chuẩn môi trường từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTA).

Các đại biểu tham quan khu trưng bày sản phẩm tại triển lãm. Ảnh: Văn Hướng - TTXVN
Ngoài ra, lễ trao giải “Sáng tạo bao bì Việt Nam 2025” được tổ chức nhằm khuyến khích doanh nghiệp đổi mới thiết kế, ứng dụng vật liệu tái chế và tối ưu quy trình sản xuất. Đây được xem là động lực cho các doanh nghiệp khởi nghiệp tiếp cận thị trường tiềm năng trị giá hàng tỷ USD.
Với đà tăng trưởng đều đặn, cùng chiến lược phát triển bền vững và mục tiêu giảm phát thải ròng đến năm 2050, ngành giấy và bao bì Việt Nam được kỳ vọng sẽ tiếp tục bùng nổ giai đoạn 2025–2030. Nhiều doanh nghiệp đang đầu tư mạnh vào công nghệ tái chế, sử dụng bột giấy sinh học và mô hình kinh tế tuần hoàn.
Triển lãm VPPE 2025 không chỉ là điểm gặp gỡ thương mại mà còn là minh chứng cho sự chuyển mình mạnh mẽ của ngành bao bì Việt Nam – từ sản xuất truyền thống sang sản xuất thông minh, từ khai thác tài nguyên sang mô hình phát triển xanh, bền vững.