Hỗ trợ đưa sản phẩm OCOP vươn tầm

Tỉnh Cà Mau với lợi thế 3 mặt giáp biển, cùng với hệ sinh thái mặn - ngọt - lợ đan xen đã tạo nên các sản phẩm đặc sản địa phương đa dạng, phong phú, góp phần thúc đẩy Chương trình 'Mỗi xã một sản phẩm' (OCOP) trên địa bàn tỉnh phát triển mạnh mẽ. Thời gian qua, các ngành chức năng tỉnh tích cực đồng hành cùng chủ thể, doanh nghiệp (DN) kết nối tiêu thụ sản phẩm, nâng chất lượng và mẫu mã, đưa các sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng tiêu biểu của tỉnh vươn xa hơn.

Qua hơn 5 năm thực hiện Chương trình OCOP, toàn tỉnh có 185 sản phẩm được công nhận OCOP (47 sản phẩm 4 sao, 138 sản phẩm 3 sao) của 91 chủ thể (18 công ty/DN, 30 hợp tác xã, 1 tổ hợp tác, 42 hộ kinh doanh). Trong đó, có 65 sản phẩm của 27 chủ thể được đưa vào các hệ thống phân phối siêu thị trong và ngoài tỉnh; 185 sản phẩm lên sàn thương mại điện tử madeincamau.com; 57 sản phẩm lên sàn thương mại điện tử Buudien.vn; 80 sản phẩm của 31 chủ thể kết nối sàn thương mại điện tử khác như: Lazada, Shopee, Tiki, TikTok Shop... Ðiều đáng phấn khởi, từ kết quả khảo sát của ngành cho thấy, các sản phẩm sau khi được công nhận OCOP đều có doanh thu tăng khoảng 20-30%, cá biệt có một số sản phẩm doanh thu tăng hơn 40% (bánh phồng tôm, tôm khô, ba khía...); tạo việc làm và thu nhập ổn định cho khoảng 700 người lao động với mức lương khoảng 6 triệu đồng/người/tháng.

Chị Lâm Trúc Loan, Khóm 10, thị trấn Sông Ðốc, huyện Trần Văn Thời, giới thiệu sản phẩm OCOP trong Ngày hội Bánh dân gian năm 2025.

Chị Lâm Trúc Loan, Khóm 10, thị trấn Sông Ðốc, huyện Trần Văn Thời, giới thiệu sản phẩm OCOP trong Ngày hội Bánh dân gian năm 2025.

Theo ông Trần Hoàng Em, Giám đốc Trung tâm Khuyến công (Sở Công thương), trong năm 2024, Trung tâm phối hợp hỗ trợ hơn 100 lượt DN giới thiệu hơn 200 lượt sản phẩm, thu hút hơn 15.000 lượt khách hàng tham quan, mua sắm. Hỗ trợ kết nối, ký kết 18 hợp đồng, ghi nhớ giữa DN với tập đoàn, siêu thị lớn và các DN phân phối, tại các sự kiện: Tuần lễ bán hàng đặc sản NovaWorld - Phan Thiết; Hội chợ Công thương vùng đồng bằng sông Cửu Long - Ðồng Tháp; Hội nghị “Gặp gỡ Hàn Quốc” tổ chức ở tỉnh Bình Dương; Phiên chợ sản phẩm OCOP và đặc sản vùng miền tại Siêu thị Tứ Sơn, An Giang; Hội nghị Kết nối giao thương giữa 5 thành phố trực thuộc Trung ương; Triển lãm Quốc tế ngành công nghiệp thực phẩm - Vietnam Foodexpo 2024; Hội nghị cấp cao và Phát triển Kinh tế xanh; Hội nghị Kết nối cung cầu giữa TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành năm 2024...

"Riêng từ đầu năm đến nay, đã tổ chức đánh giá kết quả thực hiện Chương trình hợp tác giữa ngành công thương 3 tỉnh: Cà Mau - Bạc Liêu - Ninh Bình; tạo điều kiện thuận lợi, giới thiệu và hỗ trợ các sản phẩm đặc sản, đặc trưng, sản phẩm OCOP của Cà Mau - Bạc Liêu - Ninh Bình; tham gia 4 hoạt động xúc tiến thương mại, hội nghị kết nối giao thương, kết nối cung - cầu tại các tỉnh, thành phố, tạo điều kiện để các chủ thể, DN học tập kinh nghiệm trong nâng cao chất lượng sản phẩm và kết nối cung cầu qua lại giữa các địa phương...", ông Trần Hoàng Em thông tin.

Các chủ thể, doanh nghiệp trưng bày giới thiệu sản phẩm tại Chương trình tổng kết hợp tác giữa ngành công thương 3 tỉnh: Cà Mau - Bạc Liêu - Ninh Bình, ngày 6/5.

Các chủ thể, doanh nghiệp trưng bày giới thiệu sản phẩm tại Chương trình tổng kết hợp tác giữa ngành công thương 3 tỉnh: Cà Mau - Bạc Liêu - Ninh Bình, ngày 6/5.

Ông Huỳnh Trung Kiên, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại - Dịch vụ Kiên Cường, huyện Năm Căn, cho biết, thông qua hỗ trợ từ vốn khuyến công năm 2022, công ty nâng cấp thiết bị máy tráng bánh phồng tôm tự động, cho năng suất cao, từ 12-15 tấn/tháng, đưa sản phẩm bánh phồng tôm đủ điều kiện đạt chuẩn OCOP 4 sao và 2 sản phẩm bánh phồng tôm tít, bánh phồng cua đạt chuẩn 3 sao. Cũng thông qua Sở Công thương, công ty có cơ hội tham gia xúc tiến thương mại, hội chợ trong tỉnh và khu vực, tiếp cận nhiều đối tác, sản lượng xuất bán cũng tăng rõ rệt. Hiện nay, công ty đã kết nối hơn 30 tỉnh, thành; xuất khẩu tiểu ngạch với tổng sản lượng khoảng 150 tấn/năm, góp phần vào ngân sách Nhà nước trên 100 triệu đồng/năm. Dự kiến trong năm nay công ty tiếp tục nâng 2 sản phẩm còn lại lên OCOP 4 sao, để đưa sản phẩm vươn xa hơn.

Phơi bánh phồng tôm tại Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại - Dịch vụ Kiên Cường, huyện Năm Căn.

Phơi bánh phồng tôm tại Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại - Dịch vụ Kiên Cường, huyện Năm Căn.

Chị Dương Kiều Lam, ấp Gành Hào 2, xã Hòa Tân, TP Cà Mau, cho biết: "Tham gia các hội chợ, xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh giúp tôi có cơ hội hợp tác kinh doanh, xúc tiến thương mại, phát triển sản phẩm hàng hóa, tiếp cận trực tiếp các DN, nhà phân phối tiềm năng để tìm hiểu xu hướng thị trường, liên kết đầu tư sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa. Mặt khác, qua đây giúp chúng tôi nắm bắt thông tin thị trường, từ đó đẩy mạnh ứng dụng khoa học - kỹ thuật, liên kết sản xuất kinh doanh theo chuỗi giá trị, nâng cao chất lượng sản phẩm và hiệu quả kinh doanh".

Chị Dương Kiều Lam (giữa) tham gia Hội nghị Xúc tiến thương mại, giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP tỉnh Cà Mau năm 2024.

Chị Dương Kiều Lam (giữa) tham gia Hội nghị Xúc tiến thương mại, giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP tỉnh Cà Mau năm 2024.

Chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh đã khơi dậy mạnh mẽ tiềm năng, lợi thế của địa phương, góp phần chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ sang sản xuất theo hướng liên kết chuỗi giá trị, đáp ứng theo tiêu chuẩn, có truy xuất nguồn gốc và theo nhu cầu thị trường. Ðể đạt được kết quả như trên, tỉnh tập trung triển khai thực hiện các chính sách về sở hữu trí tuệ, xúc tiến thương mại và vận dụng, lồng ghép các chính sách về phát triển kinh tế tập thể, khuyến công, chuyển đổi số, hỗ trợ khởi nghiệp... để tạo trợ lực giúp chủ thể phát triển sản phẩm OCOP.

Loan Phương

Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/ho-tro-dua-san-pham-ocop-vuon-tam-a38838.html