Doanh nghiệp đồng hành cùng nhà nông xây dựng nền nông nghiệp xanh, phát triển bền vững

Với sự tham gia tích cực của doanh nghiệp cùng sự nỗ lực của bà con nông dân, nhiều giải pháp hiệu quả sẽ được đưa ra để thúc đẩy một nền nông nghiệp phát triển bền vững.

Sáng ngày 18/12 tại Hà Nội, Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam tổ chức Diễn đàn Doanh nghiệp đồng hành cùng nhà nông và phát triển bền vững năm 2024.

Phát biểu tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết trong năm qua, thiên tai đã gây thiệt hại nặng nề cho ngành nông nghiệp. Tuy nhiên, nhờ vào sự lãnh đạo sát sao của Trung ương Đảng, Quốc hội và Chính phủ, cùng với sự chuyển đổi mạnh mẽ trong tư duy kinh tế nông nghiệp, ngành nông nghiệp Việt Nam vẫn duy trì đà tăng trưởng ấn tượng.

Cụ thể, giá trị sản xuất toàn ngành nông nghiệp trong năm 2024 ước đạt mức tăng trưởng 3,1% - 3,4%. trong đó: Trồng trọt tăng 1,7 - 1,9%; chăn nuôi tăng 5,3 - 5,5%; thủy sản tăng 5,0 - 5,2%; lâm nghiệp tăng 4,0 - 4,2%. Sản lượng nhiều sản phẩm nông nghiệp, như lúa, thịt, thủy sản và gỗ, đều tăng trưởng mạnh. Điển hình, sản lượng lúa ước đạt 43,7 triệu tấn, tăng 0,4%, năng suất lúa cũng tăng lên mức 61,4 tạ/ha; sản lượng thịt hơi các loại 8,1 triệu tấn, tăng 3,5%; sản lượng thủy sản 9,6 triệu tấn, tăng 2,4%; sản lượng gỗ khai thác gần 22,9 triệu m³, tăng 9,8%.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến phát biểu tại diễn đàn. Ảnh: Báo Chính phủ

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến phát biểu tại diễn đàn. Ảnh: Báo Chính phủ

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến bày tỏ sự tin tưởng rằng với sự đồng hành tích cực của doanh nghiệp, đại biểu và những nỗ lực không ngừng của nông dân, các giải pháp hiệu quả sẽ được đề xuất, thúc đẩy một nền nông nghiệp phát triển bền vững và hiệu quả. Điều này không chỉ đáp ứng nhu cầu trong nước mà còn nâng cao vị thế của nông nghiệp Việt Nam trên trường quốc tế.

Tại diễn đàn, ông Hồ Xuân Hùng, Chủ tịch Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết trong suốt những năm qua, Tổng hội đã thực hiện tốt chức năng đại diện và bảo vệ quyền lợi của các hội viên. Tổng hội cũng đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các bộ, ngành, địa phương triển khai các chính sách hỗ trợ nông dân, hợp tác xã và doanh nghiệp.

Tuy nhiên, sự gắn kết giữa doanh nghiệp với nhà nông còn chưa thật sự tốt, người nông dân vẫn bị động từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm. Số lượng doanh nghiệp đầu tư vào khu vực này vẫn còn khá khiêm tốn do cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn không đủ mạnh, cách huy động, kêu gọi, tạo điều kiện cho doanh nghiệp chưa thật sự tốt nên vẫn chưa có sức hấp dẫn, cuốn hút doanh nghiệp.

Do đó, diễn đàn được tổ chức để các doanh nghiệp ngành nông nghiệp hoặc các doanh nghiệp đang hoạt động tại khu vực nông thôn có nhiều cơ hội đối thoại, giao lưu và thông qua truyền thông để truyền tải những thông điệp, đề xuất, kiến nghị, hiến kế… Từ đó, giúp các cơ quan chức năng để kịp thời điều chỉnh cơ chế, chính sách phù hợp với thực tiễn hiện nay, cùng nhau chung tay xây dựng một nền nông nghiệp phát triển xanh, bền vững.

Tại Diễn đàn, nhiều doanh nghiệp đã giới thiệu các mô hình sản xuất nông nghiệp bền vững và hợp tác với nông dân để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm. Bà Huỳnh Bích Ngọc, Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Thành Thành Công (TTC) đã chia sẻ về các hoạt động của TTC AgriS trong việc phát triển nông nghiệp sạch, trong đó là phát triển các sản phẩm giá trị gia tăng từ cây mía, bao gồm điện sinh khối, phân bón hữu cơ và cồn ethanol, góp phần phát triển kinh tế tuần hoàn.

Tổng Giám đốc TTC đề nghị Chính phủ tiếp tục duy trì và mở rộng các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là các giải pháp bảo vệ ngành đường trước áp lực từ hàng nhập lậu, hàng hóa không rõ nguồn gốc… Cần có thêm các chương trình hỗ trợ nghiên cứu và phát triển công nghệ trong nông nghiệp, giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh. Nhà nước cũng cần khuyến khích mô hình hợp tác công - tư (PPP), đây sẽ là nền tảng quan trọng để tăng cường liên kết giữa nhà nước, doanh nghiệp và nông dân.

Ông Lê Văn Quang, Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú giới thiệu các mô hình liên kết sản xuất giữa nông dân trồng lúa và nuôi tôm. Trong đó có mô hình "Lúa thơm - tôm sạch" và "Tôm rừng Mangrove - Carbon Zero". Những mô hình này không chỉ giúp nâng cao năng suất mà còn giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường.

Cùng với sự tăng trưởng mạnh mẽ của xuất khẩu nông sản, các doanh nghiệp cũng đang hướng tới một nền nông nghiệp có trách nhiệm với môi trường và cộng đồng. Ông Nguyễn Quang Hiếu, Giám đốc Đối ngoại Công ty TNHH De Heus, chia sẻ về cam kết của công ty trong việc thúc đẩy chăn nuôi bền vững thông qua chương trình "Responsible Feeding". Chương trình này không chỉ giúp giảm thiểu tác động môi trường mà còn xây dựng chuỗi cung ứng bền vững với sự hợp tác của các khách hàng và đối tác.

Tại Diễn đàn, các doanh nghiệp đề xuất Chính phủ và Bộ Nông nghiệp tiếp tục hỗ trợ các dự án sáng tạo trong nông nghiệp, đặc biệt là các dự án thân thiện với môi trường và các mô hình nông nghiệp hữu cơ. Ngành nông nghiệp cần xây dựng hệ sinh thái sản xuất xanh: Áp dụng tiêu chuẩn sản xuất sạch, tăng cường tái chế phụ phẩm. Cần tăng cường đầu tư vào cơ sở hạ tầng logistics và kho bãi. Cùng với đó, thúc đẩy ứng dụng chuyển đổi số, phát triển nền tảng quản lý nông nghiệp thông minh.

Sông Hồng

Nguồn Kinh tế Môi trường: https://kinhtemoitruong.vn/doanh-nghiep-dong-hanh-cung-nha-nong-xay-dung-nen-nong-nghiep-xanh-phat-trien-ben-vung-95643.html