Lần đầu tiên ngành Thuế cán mốc thu ngân sách nhà nước đạt 1,7 triệu tỷ đồng
Tổng cục Thuế cho biết, tính đến ngày 18/12, tổng số thu ngân sách nhà nước ước đạt 1.732.000 tỷ đồng, đạt 116,5% dự toán, trong đó thu nội địa đạt 1.440.413 tỷ đồng. Đây là lần đầu tiên ngành Thuế cán mốc thu ngân sách nhà nước đạt 1,7 triệu tỷ đồng.
Sáng nay 19/12, Tổng cục Thuế tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác thuế năm 2024 và triển khai nhiệm vụ công tác thuế năm 2025.
Thu ngân sách nhà nước đạt 1,7 triệu tỷ đồng
Theo báo cáo của Tổng cục Thuế, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, cơ quan thuế triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp quản lý thu thuế năm 2024 đưa toàn ngành về đích với tổng số thu ước đạt 1,732 triệu tỷ đồng (tính đến ngày 18/12/2024), đạt 116,5% dự toán; trong đó thu nội địa đạt hơn 1,44 triệu tỷ đồng; có 60/63 địa phương đã hoàn thành vượt mức dự toán thu năm 2024.
Với quyết tâm hoàn thành cao nhất nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước để tạo nguồn lực cho phát triển kinh tế theo chỉ đạo của Thủ Tướng Chính phủ, toàn ngành thuế vẫn đang nỗ lực triển khai thực hiện thu quyết liệt trong những ngày cuối năm 2024. Theo đó, ước thực hiện cả năm 2024, tổng thu do cơ quan thuế quản lý vượt khoảng 245.588 tỷ đồng so với dự toán, bằng 113,7% so với thực hiện năm 2023.
Cùng với đó, có 19/20 khu vực, khoản thu, sắc thuế hoàn thành vượt mức dự toán; 16/20 khu vực, khoản thu, sắc thuế có mức tăng trưởng so cùng kỳ; 61/64 Cục Thuế hoàn thành và hoàn thành vượt mức dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2024.
Năm 2024, dự toán thu ngân sách được giao cho ngành thuế là hơn 1,486 triệu tỷ đồng; trong đó, thu dầu thô là 46.000 tỷ đồng; thu nội địa là hơn 1,44 triệu tỷ đồng.
Đại diện Tổng cục Thuế cho biết, để hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách, ngay từ đầu năm, ngành Thuế đã xây dựng kế hoạch thông tin tuyên truyền, chỉ đạo cơ quan thuế các cấp triển khai tuyên truyền với nội dung bám sát theo tiến độ thực hiện các nhiệm vụ chính trị của ngành.
Số hóa toàn diện công tác quản lý thuế
Trong hành trình số hóa công tác quản lý thuế, năm 2024, ngành Thuế tiếp tục thay đổi tổng thể, toàn diện về cách thức quản lý thuế, từng bước tích hợp đưa toàn bộ hoạt động quản lý thuế của cơ quan thuế lên môi trường số, đổi mới mô hình hoạt động, thay đổi cách thức cung cấp dịch vụ thuế dựa trên công nghệ số và dữ liệu số.
Đặc biệt, tháng 11/2024, ngành Thuế đã ra mắt ứng dụng trợ lý ảo hỗ trợ người nộp thuế (Chatbot AI). Chỉ sau 1 tháng triển khai ứng dụng đã tiếp nhận và giải đáp gần 30.000 câu hỏi với 4.500 người đăng ký sử dụng.
Đối với công tác quản lý thuế hoạt động thương mại điện tử (TMĐT), kinh doanh trên nền tảng số, ngành Thuế đã triển khai xây dựng và đưa vào vận hành chính thức Cổng thông tin điện tử dành cho hộ, cá nhân có phát sinh hoạt động kinh doanh TMĐT. Tổng cộng, đã có 439 sàn giao dịch TMĐT cung cấp thông tin đến cơ quan thuế với gần 725.000 tổ chức, cá nhân kinh doanh trên sàn TMĐT. Tổng giá trị giao dịch là hơn 75.000 tỷ đồng. Trong năm 2024, cơ quan thuế cũng đã thu được khoảng 116.000 tỷ đồng tiền thuế từ các tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh TMĐT, tăng 20% so với năm 2023.
Tổng số tổ chức, cá nhân được đưa vào diện rà soát, đôn đốc, hỗ trợ kê khai nộp thuế là trên 120.300 doanh nghiệp, cá nhân với số thuế đã kê khai, nộp thuế gần 51.600 tỷ đồng. Trong đó, đã xử lý vi phạm là gần 30.700 trường hợp với số thuế xử lý truy thu và phạt là gần 1.360 tỷ đồng.
Đối với nhà cung cấp nước ngoài, từ thời điểm triển khai vận hành Cổng thông tin (ngày 21/3/2022) đến nay, đã có 120 đơn vị đăng ký, khai thuế và nộp thuế. Tổng số thuế các nhà cung cấp nước ngoài đã khai, nộp trực tiếp qua cổng trong năm 2024 là gần 8.700 tỷ đồng, vượt 26% số thu cùng kỳ năm 2023 và vượt 74% so với dự toán.
Dự và phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng đánh giá cao kết quả đạt được và những hoạt động của Tổng cục Thuế trong năm qua.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng, Tổng cục Thuế đã nắm bắt được xu thế và hòa nhập được xu thế chung. Đồng thời, có những sự đổi mới gắn với sự đổi thay của xã hội. Các cục thuế đã tích cực chuyển đổi số, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), đây là nội dung quan trọng, cấp thiết của ngành trong giai đoạn thiện nay.
Nhận định năm 2025 bối cảnh kinh tế thế giới vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Việc thực hiện phương án sắp xếp, tinh gọn bộ máy sẽ đem đến những thay đổi rất lớn trong công tác quản lý thuế, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng yêu cầu ngành Thuế bám sát diễn biến kinh tế thế giới và trong nước, kịp thời tham mưu Bộ Tài chính, Chính phủ trong chỉ đạo, điều hành ngân sách. Bên cạnh đó, cần lưu ý đánh giá, phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu nhiệm vụ của cả giai đoạn 2021-2025; Rà soát, tham mưu Bộ để xây dựng Kế hoạch cho giai đoạn 2026-2030. Triển khai đồng bộ các chức năng quản lý thuế, tổ chức công tác thu hiệu quả, quản lý chặt chẽ các nguồn thu. Nhận diện được nguồn thu mới, nguồn thu tiềm năng, phát hiện kịp thời những khu vực còn thất thu để có giải pháp quản lý, khai thác tăng thu, chống thất thu.
“Tiếp tục có những biện pháp mạnh mẽ để chống gian lận hóa đơn, gian lận hoàn thuế GTGT. Tăng cường thanh tra, kiểm tra. Trong năm 2025, ngành Thuế cần tiếp tục tập trung cao độ để đẩy nhanh thực hiện ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), xử lý cơ sở dữ liệu lớn (Big Data) trong mọi khâu, mọi bước của quá trình quản lý, đẩy nhanh thực hiện hoàn thuế TNCN tự động; phân tích dữ liệu lớn trong TMĐT, quản lý hóa đơn, nhằm nâng cao năng suất lao động và phục vụ tốt nhất người nộp thuế, xây dựng nền hành chính minh bạch, chuyên nghiệp theo yêu cầu phát triển của kinh tế số, xã hội số, chính phủ số và hội nhập quốc tế”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh.