Doanh nghiệp du lịch kỳ vọng năm 2024 nhiều khởi sắc
Sau những chuyển biến tích cực và phục hồi của du lịch Việt Nam trong năm 2023, các doanh nghiệp trong ngành đang đẩy mạnh đầu tư, tận dụng cơ hội, nỗ lực tung ra các sản phẩm mới để bắt kịp xu hướng với hy vọng có sự khởi sắc thực sự trong năm mới 2024.
Ưu tiên sản phẩm mới
Năm 2023, ngành du lịch Việt Nam dù chưa đạt được kết quả như thời điểm trước dịch COVID-19 nhưng đã ghi nhận sự phục hồi với 12,6 triệu khách quốc tế. Con số này vượt xa mục tiêu đón 8 triệu lượt khách từ đầu năm và đạt mục tiêu điều chỉnh của Bộ VHTT&DL. Trong khi đó, số lượng khách nội địa năm 2023 đạt 108 triệu lượt người.
Năm 2024, Bộ VHTT&DL đặt mục tiêu đón 18 triệu lượt khách du lịch quốc tế, 110 triệu lượt khách nội địa, tổng thu từ du lịch ước đạt 850.000 tỷ đồng.
Sau bước phục hồi vào năm ngoái, các doanh nghiệp (DN) du lịch đang nỗ lực xây dựng sản phẩm mới, đẩy mạnh đa dạng tour du lịch, làm mới hình ảnh doanh nghiệp để chinh phục những mục tiêu mới trong năm 2024.
Ông Nguyễn Hồng Nhật - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Du thuyền cao cấp Châu Á (APC Group) chia sẻ, các chính sách mới của Chính phủ và các hãng hàng không gia tăng số lượng chuyến bay, mở rộng quy mô sẽ là những nhân tố thuận lợi giúp ngành du lịch đạt được thêm nhiều con số tích cực trong năm nay, tạo đà cho thị trường khách từ châu Âu cải thiện.
“Với mục tiêu tăng trưởng 30% so với năm ngoái, APC Group tiếp tục ưu tiên phát triển các sản phẩm mới, mang đến nhiều lựa chọn trải nghiệm mới cho khách hàng.
Năm 2024, APC Group đặtmục tiêu tăng trưởng 30% so với năm 2023.
Ngoài sản phẩm du thuyền, tập đoàn còn đẩy mạnh mảng ẩm thực với hệ thống nhà hàng từ Bắc tới Nam. Cùng với đó là việc kết hợp với các đầu bếp nổi tiếng để cho ra những sản phẩm chất lượng, thực đơn tinh tế theo tiêu chuẩn Michelin.
Tập đoàn sẽ đẩy mạnh phát triển ở các thị trường tiềm năng của châu Á như Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc… nhằm tạo nên một hệ sinh thái du lịch dành cho du khách nước ngoài tới Việt Nam”, ông Nhật cho biết.
Ông Nguyễn Hữu Bắc – Chủ tịch Hệ thống Du lịch PhucGroup tin tưởng, với nền chính trị ổn định, nhiều điểm đến du lịch mới được đầu tư và các sản phẩm du lịch mới được tung ra sẽ hứa hẹn một năm nhiều tích cực cho ngành du lịch. Đặc biệt là thị trường du lịch nội địa tiềm năng với gần 100 triệu dân và thị phần khách inbound (đưa khách quốc tế đến) đang quay trở lại mạnh mẽ.
Trong đó, công ty xác định việc cung cấp các sản phẩm tour khám phá xứ Nghệ và vùng Bắc Trung Bộ là chiến lược; cung cấp các dịch vụ trọn gói cho khách du lịch và các công ty du lịch Việt Nam vào Lào, Đông Bắc Thái Lan bằng đường bộ, đường bay là lợi thế cạnh tranh.
“Năm 2024, chúng tôi đang quảng bá mạnh mẽ tour du lịch “Hành trình xuất ngoại theo dấu chân Bác Hồ” hướng đến các điểm di tích gắn với quãng đời Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Lào và Thái Lan. Bên cạnh đó, seri chương trình “Trải nghiệm Nghệ An - điểm đến Văn hóa, sinh thái khác biệt” cũng là dấu ấn cho sản phẩm du lịch năm 2024”, ông Bắc cho biết.
Theo ông Nguyễn Tiến Trình - Giám đốc Công ty Cổ phần Lữ hành Thành Sen, cơ sở hạ tầng của Hà Tĩnh ngày càng được cải thiện đã giúp các DN du lịch trên địa bàn hoạt động thuận lợi hơn.
Với mục tiêu thu hút du khách nhiều hơn trong năm nay, Thành Sen đang nỗ lực hoàn chỉnh các sản phẩm du lịch hiện có, xây dựng các tour mới, sản phẩm mới với chất lượng tốt để đáp ứng nhu cầu trải nghiệm của du khách. Trong đó có thể kể đến tour “Về với miền Trung” với các hoạt động tâm linh như vãn cảnh chùa Hương Tích, núi Hồng Lĩnh, ngã ba Đồng Lộc, hồ Kẻ Gỗ cùng hệ sinh thái xung quanh chùa Hương Tích.
Với việc Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) vinh danh Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác vào tháng 11/2023, doanh nghiệp nhanh chóng cho ra sản phẩm tour du lịch sinh thái gắn với lịch sử để tạo sự đa dạng cho sản phẩm, dịch vụ. Qua đó, du khách đến với Hà Tĩnh sẽ có thêm nhiều lựa chọn, không còn nhiều thời gian trống và nhàm chán như trước đây.
“Chúng tôi hy vọng những nỗ lực của mình trong việc đưa ra các sản phẩm mới, đa dạng sản phẩm để phục vụ khách hàng, số lượng du khách dùng sản phẩm của công ty sẽ thực sự khởi sắc trong năm nay”, ông Trình bày tỏ.
Cần giảm thuế để kích cầu
Bên cạnh các mục tiêu đặt ra cho năm 2024 với kỳ vọng bứt phá, để hoạt động đạt được hiệu quả hơn trong thời gian tới, các DN mong muốn các thủ tục hành chính cần được giảm bớt, cơ chế chính sách đã được ban hành sẽ nhanh chóng đi vào cuộc sống, đặc biệt là các gói ưu đãi lãi suất ngân hàng.
Các DN cũng hy vọng Quốc hội và Chính phủ sẽ kéo dài chính sách giảm thuế giá trị gia tăng 2% đến hết năm 2024 nhằm kích cầu tiêu dùng, tạo đòn bẩy mạnh mẽ cho du lịch phục hồi.
Ngoài ra, DN kiến nghị cơ quan quản lý nhà nước, Hiệp hội Du lịch Việt Nam và các hội chuyên ngành cần tăng cường hỗ trợ DN kết nối vùng, liên kết trong hoạt động kinh doanh.
Đồng thời đẩy mạnh hơn nữa công tác quảng bá xúc tiến điểm đến thông qua các lễ hội, sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch hướng tới du khách. Hoạt động trải đều vào các thời điểm trong năm, chú trọng vào mùa thấp điểm, có kế hoạch sớm để hỗ trợ DN xây dựng chương trình du lịch…