Doanh nghiệp đuối sức
Nhiều doanh nghiệp bức xúc cho biết đang bị hàng giả, hàng nhái 'ăn mòn sức khỏe', gây xói mòn niềm tin của người tiêu dùng đối với thương hiệu của họ. Hiện nay, cứ thương hiệu nào làm ăn hiệu quả thì chỉ một thời gian ngắn sau sẽ xuất hiện hàng nhái.
Ở lĩnh vực sản xuất, tiêu dùng, hàng loạt thương hiệu lớn như Honda, Yamaha, Suzuki… đã phải chống hàng giả, hàng kém chất lượng trong suốt thời gian qua. Mới đây, lực lượng quản lý thị trường TPHCM đồng loạt ra quân kiểm tra các cửa hàng bán phụ tùng xe gắn máy tại chợ Tân Thành (quận 5), phát hiện nhiều sản phẩm giả mạo các thương hiệu nói trên. Tương tự, đối với lĩnh vực thương mại, dịch vụ cũng vậy, tình trạng thương hiệu gần giống “người nổi tiếng” tự dưng xuất hiện khiến doanh nghiệp làm ăn chân chính đau đầu. TSTtourist là một ví dụ. Ngày 22-2, ông Nguyễn Minh Mẫn, Giám đốc Truyền thông Công ty Du lịch TSTtourist, bức xúc phản ánh việc công ty bị một doanh nghiệp (tên EUtourist) sao chép nhận diện thương hiệu cũng như giao diện website gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng. Nếu nhìn lướt qua màu sắc chủ đạo, cách bố cục, tham khảo thông tin, đặt tour và thanh toán trực tuyến, khách hàng rất dễ lầm tưởng đây là công ty con của TSTtourist.
“Danh hiệu Công ty Du lịch chuyên tour châu Âu được ra đời từ giải thưởng Thương hiệu Việt được yêu thích nhất do Báo SGGP tổ chức, trao tặng. Thị trường châu Âu chính là thị trường chủ lực của TSTtourist. Do vậy, mọi hành vi cố tình sao chép thương hiệu, gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng đều không thể chấp nhận được và chúng tôi sẽ đi đến cùng vụ việc này”, ông Nguyễn Minh Mẫn cho biết. Để giải quyết vấn đề, hiện tại TSTtourist đã liên hệ với người đại diện EUtourist; đồng thời thông báo rộng rãi đến khách hàng rằng doanh nghiệp chỉ có trụ sở duy nhất ở số 10 Tú Xương (phường Võ Thị Sáu, quận 3). Song song đó, TSTtourist cũng yêu cầu Công ty EUtourist khắc phục bằng cách điều chỉnh bộ nhận diện thương hiệu, không sử dụng một phần hoặc toàn phần bộ nhận diện thương hiệu trên các kênh bán sản phẩm, dịch vụ, cờ hướng dẫn viên…
Các doanh nghiệp cho rằng, để khẳng định tên tuổi, thương hiệu trên thị trường, doanh nghiệp phải mất rất nhiều thời gian, tâm huyết. Trong khi đó, các quy định về việc đăng ký thành lập doanh nghiệp hiện nay khá dễ dàng, dẫn đến tình trạng lợi dụng kẽ hở đăng ký tên gọi, bộ nhận diện thương hiệu gần giống với thương hiệu chính hãng. Thực tế, để xử lý những vụ việc tranh chấp thương hiệu thường mất nhiều thời gian, gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp làm ăn chân chính. Nên chăng, cơ quan chuyên trách cấp phép đăng ký kinh doanh cần “soi” thật kỹ, đồng thời có biện pháp thu hồi giấy phép và xử phạt thật nặng nếu phát hiện trường hợp gian lận, giả mạo thương hiệu.
Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/doanh-nghiep-duoi-suc-post679731.html