Doanh nghiệp FDI lỗ nghìn tỷ: Chiêu trò chuyển giá hay khó khăn thực sự?

Nhiều doanh nghiệp FDI báo lỗ nghìn tỷ đồng nhưng vẫn mở rộng đầu tư. Liệu đây có phải là chiêu trò chuyển giá để trốn thuế?

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, tính đến cuối năm 2023, trong tổng số khoảng 29.000 doanh nghiệp FDI hoạt động tại Việt Nam, có tới 16.292 doanh nghiệp báo lỗ, 18.0140 doanh nghiệp lỗ lũy kế với tổng giá trị gần 1 triệu tỷ đồng. Đáng chú ý, nhiều doanh nghiệp dù liên tục báo lỗ nhưng vẫn mở rộng hoạt động kinh doanh, đặt ra nghi vấn về việc "lỗ giả, lãi thật".

Những vụ chuyển giá điển hình

Trước đây, nhiều doanh nghiệp FDI đã bị phát hiện thực hiện hành vi chuyển giá để trốn thuế. Điển hình là trường hợp của Coca-Cola Việt Nam, khi từ năm 1995 đến 2013 liên tục báo lỗ, nhưng vẫn mở rộng đầu tư. Sau quá trình thanh tra, cơ quan thuế đã truy thu và xử phạt doanh nghiệp này hơn 821 tỷ đồng vào cuối năm 2019 do hành vi kê khai chi phí nguyên phụ liệu nhập khẩu từ công ty mẹ với giá cao bất thường.

Tương tự, Công ty Keangnam Vina, chủ đầu tư tòa nhà Keangnam Hanoi Landmark, cũng bị phát hiện kê khai chi phí đầu vào không hợp lý, dẫn đến việc phải điều chỉnh giảm 1.220 tỷ đồng và truy thu thuế thu nhập doanh nghiệp 95,2 tỷ đồng. Doanh nghiệp này đã ký hợp đồng tổng thầu EPC với công ty mẹ với giá trị cao hơn thực tế, cùng với việc kê khai lãi suất vay vốn cao gấp đôi so với thị trường, nhằm giảm lợi nhuận chịu thuế.

Giải pháp ngăn chặn chuyển giá

Để kiểm soát chặt chẽ hơn vấn đề này, cơ quan quản lý đã triển khai nhiều biện pháp như tăng cường hợp tác quốc tế nhằm trao đổi dữ liệu với các quốc gia khác, giúp xác định mức giá hợp lý của hàng hóa, nguyên liệu và dịch vụ trong giao dịch liên kết.

Ngoài ra, Nghị định 132/2020 cũng được áp dụng với các quy định chặt chẽ về nghĩa vụ báo cáo giao dịch liên kết, giúp tăng tính minh bạch trong kê khai thuế của doanh nghiệp FDI. Việc xây dựng cơ sở dữ liệu về giá thị trường cũng được chú trọng, nhằm so sánh các mức giá nhập khẩu, lãi suất vay và lợi nhuận với doanh nghiệp trong cùng ngành để phát hiện dấu hiệu bất thường.

Tăng cường tính minh bạch của các doanh nghiệp FDI thông qua Nghị định 132/2020

Tăng cường tính minh bạch của các doanh nghiệp FDI thông qua Nghị định 132/2020

LS. Nguyễn Đức Nghĩa - Phó giám đốc Trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa thuộc Hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA), nhận định rằng vấn đề chuyển giá không chỉ là thách thức tại Việt Nam mà còn là bài toán nan giải trên toàn cầu.

Ông cho rằng việc điều tra các vụ việc liên quan thường kéo dài trong nhiều năm, bởi các doanh nghiệp FDI lớn hoạt động trên phạm vi toàn cầu thường có đội ngũ luật sư và cố vấn pháp lý am hiểu sâu sắc về hành lang pháp lý tại các nước họ đầu tư. Điều này khiến cơ quan thuế luôn ở thế bị động trong việc phát hiện dấu hiệu chuyển giá. Tuy nhiên, với Nghị định 132/2020, Việt Nam đã có một nền tảng pháp lý rõ ràng hơn để quản lý vấn đề này. Để nâng cao hiệu quả chống chuyển giá, cần có sự tăng cường liên kết quốc tế, nhằm tham vấn dữ liệu từ các cơ quan thuế nước ngoài khi cần thiết.

Tình trạng doanh nghiệp FDI báo lỗ kéo dài nhưng vẫn mở rộng đầu tư cho thấy nhiều khả năng xảy ra hành vi chuyển giá. Việc siết chặt quản lý, minh bạch giao dịch liên kết và tăng cường hợp tác quốc tế là giải pháp cấp thiết nhằm chống thất thu thuế, tạo môi trường kinh doanh công bằng và minh bạch.

Tuấn Kiệt

Nguồn DNSG: https://doanhnhansaigon.vn/doanh-nghiep-fdi-lo-nghin-ty-chieu-tro-chuyen-gia-hay-kho-khan-thuc-su-316241.html